Xa rồi khói bếp bay ngang mái…

  • 08:39 | Thứ Hai, 24/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn ba mươi năm trước, khi đứng trên đồi cát dõi về làng, ngắm làn khói lam chiều vấn vít trên những mái nhà, lũ trẻ mươi, mười lăm tuổi chúng tôi không thể hình dung, có lúc những làn khói mong manh kia sẽ trở thành ký ức.
 
Làng tôi nghèo lắm, nghèo trong cái nghèo chung của dải đất miền Trung chỉ giàu cát và gió. Trẻ con trong làng biết đọc là đã biết làm đủ việc: Cấy, gặt, cuốc, trồng… và có một việc không thể thiếu, đó là đi cào lá dương liễu, chất đốt chủ lực của mọi gia đình thuở ấy.
Cha tôi kể, đôộng (động) cát sau lưng làng tôi chỉ là một phần nhỏ trong dãy cát trùng điệp chạy dài từ Bắc đến Nam Quảng Bình. Từ thuở khai thiên lập địa, người Quảng Bình phải trải qua bao cuộc chiến với thiên tai: Mưa bão, lũ lụt, lốc xoáy... và nạn cát bay, cát lấp, xâm lấn làng mạc.
 
Để chống lại “sự xâm lăng của cát”, gần trăm năm trước, người ta đã nghiên cứu chọn cây dương liễu (cây phi lao) làm cây trồng chủ lực. Đặc tính của loại cây này là sinh trưởng trên cát chậm nhưng mềm dẻo kiên cường trước gió bão, vừa ngăn mặn, chống cát bay, cát lấp, vừa góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn nước ngọt cho những làng xóm ven đồi cát. Hòa bình lập lại, chính quyền cách mạng phát động phong trào trồng cây gây rừng chống cát ở vùng ven biển. Nhân dân hăng hái tham gia và trong phong trào ấy, cụ Ngô Mốc, mẹ Phạm Thị Nghèng của Quảng Bình đã được tuyên dương Anh hùng lao động. Những năm 80, khi còn học cấp 2, chúng tôi vẫn cơm nắm, cơm đùm gánh từng bầu dương liễu đi trồng cây gây rừng.
 
Khi tôi lớn lên, đôộng cát sau lưng làng đã có rất nhiều cây dương liễu. Những thân cây xù xì, xoắn vặn trước gió bão, mạnh mẽ, kiên cường vươn mình với những tán lá xanh rợp trời, như người miền Trung luôn đứng vững, quen chống chọi với bão, lũ và mọi thử thách của cuộc đời.
 
Dương liễu thuộc họ lá kim, lá san sát nhau nên mỗi lần gió thổi qua, âm thanh từ rừng dương vút lên như reo vui mà cũng có chút gì đó thật xa vắng. Thỉnh thoảng rừng dương trút lá thành những thảm dày vàng óng, qua vài bữa, chuyển màu nhạt nâu, thơm mùi nắng. Ngày đó làm gì có bếp ga, bếp điện. Sáng đi học, chiều về cả bọn í ới nhau ra đôộng cát sau nhà cào lá dương về đun hoặc bán lấy tiền mua sách vở.

Việc đầu tiên ra đôộng là khảo sát một vòng, xem đôốc (đồi) nào lá dương rụng dày nhất. Việc tiếp theo là cầm cái cào, cào quanh một vòng, khẳng định quyền chiếm hữu tạm thời (chúng tôi hay gọi là chự đằm). Sau đó là mải miết cào, vun từng đống, cuối chiều gom lại chất vào quang gánh. Cả bọn còn thi, gánh lá ai đầy nhất, chất đẹp nhất, rồi mới lặc lè gánh về nhà. Gánh lá đẹp là gánh lá vun lên thành ngọn, trùm kín cả tao gióng, càng lên trên càng đầy ra hai bên.

Thường khi trèo lên, trụt xuống ba, bốn dốc cát là đến Sủng, đồi cát cuối cùng trước khi về làng. Không ai bảo ai, chúng tôi hạ gánh nghỉ, nhìn về làng, nhìn về những mái nhà quấn quít khói lam chiều ấm áp, tưởng tượng một bữa ăn gia đình quây quần, dù cơm ít, sắn khoai nhiều. Những sợi khói vấn vương, quẩn quanh trên nóc bếp như làn sương mờ ảo. Khói bếp đầy đặn, là khói bếp thơm của ngày mùa bội thu, no đủ; khói bếp hao gầy, là khói bếp của những ngày bão táp mưa sa, bát cơm độn chỉ bữa lưng, bữa vực.
 
Có khi mệt quá, buông phịch gánh lá xuống, cả bọn áp lưng lên cát, ngửa mặt lên trời, lắng nghe tiếng dương reo, rồi thi nhau tưởng tượng trên đám mây cuối ngày kia là những lâu đài, những công chúa, những hoàng tử cổ tích…
 
Thích nhất là áp tết, trời se se lạnh, nhìn về làng, khói quyện vào nhau xanh đầy mọi ngõ, nghe như trong gió thơm ngọt mùi mứt, ngậy mùi bánh xoài, cảm giác Tết rất gần. Đun lá dương (quê tôi hay gọi chụm lả) cũng là một nghệ thuật. Lá rải đều xuống đất, từ đáy nồi ra chừng 30cm, lửa bén ra ngoài đáy nồi, lại dùng cời bếp đun vào tiếp. Lá tơi thì lửa đượm, khói mỏng, thơm ngai ngái, dày quá khói đen, ho sặc sụa, cơm, thức ăn sẽ ám mùi khói.
 
Lá dương dùng nấu cơm hay đổ bánh xoài đều ngon nhất. Cơm cạn, đậy kín vung, vùi trong tro nóng, cơm dẻo thơm, cháy giòn tan. Bánh xoài đổ bằng lá dương, nhiệt độ vừa phải, bánh chín đều, không như đổ bằng than củi, ngoài chín, trong ướt phải sấy tiếp trên than hồng.
 
Lại nói tiếp chuyện khói bếp. Bẵng đi một thời gian, điện sáng kéo về, bếp gas xuất hiện. Xóm làng văn minh hơn, hiện đại hơn, nhưng về làng vẫn thiêu thiếu cái gì đó. Giờ người ta nấu cơm bằng nồi điện, nấu thức ăn bằng bếp gas, làm bánh xoài bằng máy. May chăng chỉ còn vài nhà dùng củi, dùng lá để nấu ăn hoặc đun nồi cháo lợn. Không còn cảnh Tết đến, cả bọn tíu tít phụ mạ đun bếp, thi nhau hít hà mùi lá, mùi củi được nắng thơm tho, hong hóng đợi mạ làm xong mẻ bánh xoài để vét nồi tận dụng làm những chiếc bánh dẻo nhỏ xinh.
 
Đường ra đôộng bây giờ cũng không cần lội bộ nhiều, đường nối từ làng ra biển bằng bê tông, bằng thảm nhựa. Nhiều dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu nhà ở thương mại, điện gió… mọc lên, những “cụ” dương hàng chục năm tuổi hoàn thành sứ mệnh của mình lặng lẽ giã từ. Thỉnh thoảng còn vài bụi dương, lá rụng trùm kín gốc. Hình như bây giờ không ai mặn mà với việc cào lá dương về đun nấu.
 
Đôi lần chạy xe ngang qua, thấy từng thảm lá dương lại tiếc, lại nhớ, lại thương làn khói lam chiều ấm áp.  
 
Có lần ra biển, thấy một cậu bé đang lúi húi cào lá, tôi lân la tới: Con cào lá dương về đun à?
 
Nó ngước lên lạ lẫm: Dạ không, con cào nướng khoai. Bựa ni (bây giờ) ai đun lá dương nữa o!
 
Một chiều nào đó, nhớ cát, nhớ cây quá, rủ chồng, con sang ngoại leo đôộng cát. Cho hai đứa thung thăng thả diều, hai vợ chồng thong thả lội cát: Chỗ này ngày trước bọn em hay ngồi nghỉ trước khi về làng, chỗ này bọn em bới khoai mụt để ăn, chỗ này bọn em ôn thi đại học trộm dưa về chôn ăn dần…
 
Một chiều nào đó, trốn chồng con, đi làm về chạy xe thẳng ra đôộng cát, lúi húi cào lá dương cho vào bao lác cầm sẵn ở nhà đi. Về, tẩn mẩn bắc ba ông đầu bếp, đun một nồi khoai nho nhỏ, chỉ để hít hà mùi khói, mùi khoai bùi bùi, ngai ngái thuở xa xưa. Và để chỉ cho con màu của khói, dù chỉ là làn khói mỏng manh đơn độc uốn lượn trước khi tan loãng vào thinh không. Vẫn biết không bắt con sống giống cuộc đời của mình, nhưng nếu không nhắc, chắc chi con cũng như bạn con biết về từ “khói bếp”. Biết đâu dăm năm nữa, bọn trẻ khi nghe từ “khói bếp” lại phải vào máy tính tra Google.
 
Tự dưng tiếc thương vô cùng những kỷ niệm ấu thơ. Những điều trước kia vốn chẳng hề hào hứng, nay lại trở nên thú vị lạ thường, vì tôi biết chúng mang theo những ký ức của tuổi thơ tôi, tuổi thơ bạn tôi, tuổi thơ chị tôi…Vẫn biết, cũng như tôi lớn lên, quê hương sẽ đổi thay từng ngày từng giờ, không ai khư khư ôm lấy những điều xưa cũ.
 
Giờ đây người dân quê tôi đã có cuộc sống no ấm, vững vàng. Khói bếp chỉ còn trong ký ức, nhưng ký ức đó không hề phai nhạt trong lòng những đứa con được sinh ra ở miền quê gió Lào, cát trắng, gắn bó với làn khói lam chiều ấm áp những ngày xa. Những ngọn khói đã nuôi chúng tôi lớn lên, thổi vào chúng tôi những điều đẹp đẽ về tuổi thơ, về quê hương, về mái ấm gia đình.
 
“Xa rồi khói bếp bay ngang mái…”. Võ Xá-Quảng Ninh thời đó nghèo lắm, không như bây giờ, phải không?! 
 
Tùy bút của Hải Minh
 
 
 

tin liên quan

Yêu câu hò xứ Lệ

(QBĐT) - Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, ra đời trong lao động sản xuất, là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa Quảng Bình và là một bộ phận cấu thành của dân ca miền Trung nói chung, dân ca Bình Trị Thiên nói riêng. Với người Lệ Thủy, hò khoan là "báu vật" của làng quê nên họ đã dày công gìn giữ, truyền tụng để những câu dân ca còn mãi với thời gian.

Xuân về

(QBĐT) - Em trở về làng, xuân đã giêng

Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng

Từ 110 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn các tác phẩm xuất sắc để trao giải, trong đó có có 6 giải A, 12 giải B, 16 giải C, 30 giải khuyến khích và 10 giải chuyên đề.