Độc đáo bộ sưu tập 2022 "ông Hổ" mừng xuân Nhâm Dần

  • 10:52 | Thứ Sáu, 21/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Những ngày này, tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đang gấp rút để hoàn thành dự án đầy ý nghĩa chào đón năm mới Nhâm Dần. 2.022 con hổ bằng các vật liệu độc đáo như gỗ mít, đá ong đang dần được hình thành.

Hổ là một loài động vật to lớn, với sức lực phi phàm và sự dũng mãnh, có thể đối đầu với bất kỳ loài vật hoang dã nào khác trong thiên nhiên. Trong quan niệm của người Việt, loài vật này thường được gọi là ông Hùm, ông Cọp, ông Ba Mươi... xứng danh “chúa tể của muôn thú”.

Uy lực là vậy, dũng mãnh là vậy, nhưng những con hổ được tạo hình nên từ chất liệu gỗ mít và đá ong qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lại mang một dáng vẻ gần gũi, dễ thương, tối giản, đôi khi có chút cách điệu về màu sắc và kèm theo đó là những tích cổ về loài vật này.

 
Tiếp nối thành công của bộ sưu tập 1.010 con trâu chào đón xuân Tân Sửu 2021, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ấp ủ cho ra đời 2.022 con hổ, với đủ loại kích cỡ, màu sắc, dáng vẻ và sắc thái, để đón chào Tân xuân Nhâm Dần.

Tính đến thời điểm hiện tại, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã thực hiện được hơn 700 “ông Hổ”, dự kiến bộ sưu tập sẽ được hoàn thành vào ngày 30/4/2022 sắp tới.

Trong 12 con giáp, Dần là loài vật biểu trưng cho sự quyền uy, trường khang và dũng mãnh. Loài vật này không chỉ xuất hiện trong văn hóa dân gian, câu chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, mà còn dần dần bước vào cuộc sống thường ngày như những món vật phẩm trang trí, quà lưu niệm.

Những sản phẩm mang hình tượng linh vật của năm nay hoàn toàn được chế tác bằng phương pháp thủ công, có một không hai, mang lại cho khách tham quan một góc thưởng lãm độc đáo và thú vị trong không khí đầu xuân năm mới đang dần về.

Từng sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, để có thể trở thành những món đồ “độc bản” đặc sắc từ những tấm gỗ vô tri, phải trải qua 12 công đoạn: đục gỗ, phủ màu, phơi khô, dát vàng, khảm trai, khảm trứng… 

Hình ảnh những chú hổ dũng mãnh được chắp thêm đôi cánh như lời nguyện ước của tác giả về sự phồn vinh của đất nước trong năm Nhâm Dần.

 Từ những thớ gỗ, hình ảnh của những chú hổ vốn oai dũng, uy mãnh nhưng lại trở nên thân thiện, gần gũi và hài hòa đã dần xuất hiện trên những chiếc hộp, cái khay, ghế ngồi, bàn trà... của nhiều gia đình, công sở.

 Trong số những tác phẩm về hổ, bộ ghế ngồi “Ngũ hổ” đòi hỏi nhiều tâm huyết nhất của nghệ nhân Tấn Phát cả về sức lực và thời gian. Năm chiếc ghế của “Ngũ hổ” có 5 màu sắc tượng trưng cho Ngũ hành: trắng - Kim, xanh - Mộc, đen - Thủy, đỏ - Hỏa, vàng - Thổ.

Gỗ mít và đá ong là những chất liệu bản địa đậm tính địa phương của làng quê trung du Sơn Tây, rất dễ tìm kiếm và là nguồn cảm hứng sáng tạo của các nghệ nhân. Bộ sưu tập mang thông điệp to lớn về những giá trị sức lao động của nghề thủ công truyền thống điêu khắc và sơn mài thuần Việt.

 Theo Minh Duy (Nhân Dân Điện tử)

 

tin liên quan

Bà ru cháu, mẹ ru con

(QBĐT) - Ạ ơi...
 
Ru em em théc cho muồi
 
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu
 
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
 
Mua cau chợ Phổ, mua trầu chợ Dinh

Truyền hình trực tiếp "Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản" năm 2022

(QBĐT) - Tối 20/1, tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Sở Văn hoá  Thể thao, UBND huyện Quảng Ninh và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình phối hợp tổ chức chương trình "Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản" năm 2022. 

Sắc xuân mới

(QBĐT) - Mùa xuân đến rồi muôn vàn hương sắc