Con ra Hà Nội làm thơ
(QBĐT) - Sáng sớm, ngồi bên ấm trà, mong một ngọn gió Nam hiếm hoi của miền Trung. Không thấy gió mà nghe thoảng đâu về một câu thơ vừa lạ vừa quen, rất mộc, không, chỉ một nửa câu thơ, nửa đầu của một câu lục bát:
"Con ra Hà Nội làm thơ…”
Lạ chưa, đọc một lần, chả thấy gì. Đọc ba lần, chả thấy gì. Nhưng khi đã lưu vào bộ nhớ, rồi bỗng một buổi sáng báo hiệu nắng nôi như hôm nay, nó bỗng thoảng về… thì hình như đã… hiển hiện hình hài! Người đồng bằng Bắc bộ, xứ Đông xứ Đoài nói: Lên Hà Nội.
Người biên giới bảo xuống, chỉ người miền Trung nói: “ Ra!”. Ra Hà Nội học chuyên nghiệp, ra chữa bệnh, giúp con trông nhà trông cháu, ra làm công nhân. Cao nhất là ra Hà Nội làm quan. Vậy mà có người từ giã mẹ, ra Hà Nội… làm thơ. Khẩu khí hơn cả trượng phu kiếm cung trên lưng ngựa chiến.
Thử xem, cả gần thế kỷ, sĩ phu Bắc Hà, trí thức Hà thành nói gì?
Nhã nhất cũng “Còn tôi trời bắt làm thi sĩ”, "Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ”(Nguyễn Bính). Còn không, thì “Văn chưng hạ giới rẻ như bèo” (Tản Đà). Dữ dội hơn nữa“Tôi đi bưng thúng cho đàn bà/Ra chợ bán văn ngày tháng qua...”( Nguyễn Vỹ). Vậy mà, có một gã khờ non tơ tận miền Trung xa xôi dám “thưa” với bậc sinh thành, rằng: “ Con ra Hà Nội làm thơ”. Nhưng, đường lai kinh diệu vợi, một cậu bé sinh thành nơi ngọn nguồn Linh Giang, chưa đi quá thị trấn huyện lỵ, lận lưng mấy đồng bạc mẹ cho, dám lên đường ‘Thượng kinh lập nghiệp” chăng!?
Đã từng có ước mơ như vậy! Ước mơ bước vào thánh đường văn chương do vị hoàng đế hay thơ chủ soái “Nhị thập bát tú” từ thế kỷ mười lăm. Nhưng, cổng trường đại học cao vòi vọi, không bước được chân qua bậc cửa 19/Lê Thánh Tông chẳng phải không đủ điểm thi mà chỉ bởi một lý do trớ trêu: Không kịp kết nạp Đoàn. Bằng lòng với cổng trường sư phạm, để ra trường làm anh giáo Thứ, được gần mẹ, được thổi hồn cho đám trẻ tiếp tục thực hiện giấc mơ Tổng hợp Văn dang dở.
Nhưng, một lần nữa, biến động lịch sử lại đẩy ước mơ thi ca dạt sang một phía: Biên giới súng nổ, trai thời loạn sức dài vai rộng, cầm súng lên đường. Và, như danh sĩ vẫn dạy: Hãy sống rồi mới viết! Từ làng quê đến trường, từ trường ra trận, từ trận mạc sống đủ chết đủ, ông quay về Thăng Long… làm thơ. Lúc này, ông mới thực sự là một Mai Nam Thắng làm báo, làm thơ.
Thực ra, thơ ông đã xuất hiện trong từng trang báo về biên giới, về chiến sự. Tác phong chiến sĩ không lấn át nổi trái tim trữ tình, tâm hồn lãng mạn bay bổng không che lấp được tình yêu của đứa con sinh ra từ làng. Phần thưởng cao nhất của thơ ông lại dành cho một trường ca cháy bỏng tình yêu quê: Trường ca “Cổ tích làng cát”- Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 1999-2004. Đọc nhiều hay ít thơ, ca, văn của ông, đọng lại vẫn một tình yêu hướng về nguồn cội, về làng:
Thôn trang vẫn nhịp cày bừa
Con trâu đi trước chiêm mùa theo sau
Đó là một vùng quê, đến thời đại “bốn chấm không” mà vẫn yên bình như cổ tích. Xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, thượng Bố Chính ngày xưa, có núi Thiết Sơn uy nghiêm trầm mặc, sông Gianh uốn lượn quanh những bãi bồi quanh năm tải nặng phù sa. Những tên làng ở quê ông đọc lên nghe hiền lành như thơ: Huyền Nịu, Phúc Sơn, Đạm Thủy, Tang Bồng, Thiết Sơn…
Lại có những địa danh gọi lên nghe như từ khai sơn lập địa vọng về: Niệt, Ôống, Bượm, Bàu, Hung, Cồn Lẻ… Trước làng có đầm sen tỏa hương ngay dưới chân núi cao dựng đứng. Cái khái niệm địa linh “Văn hóa Cồn Bàu” của miền Trung hiện rất rõ ở vùng đất này. Lạ một nỗi, viết về làng, thơ Mai Nam Thắng lúc nào cũng như thảng thốt:
Sông Gianh ơi năm tháng rộng dài
Sao cứ lở bên thương sao cứ bồi bên nhớ
Xin cúi lạy quê cha đất tổ
Xin nỗi niềm này ám ảnh các con tôi.
Luôn một nỗi niềm đau đáu với quê:
Tôi xa quê năm nào làng cũng lở
Những cửa Hác bãi Nèng cồn Soi bến Hố…
…Tuổi thơ hun hút bóng làng
Mỗi bận về thăm cô bác thưa dần
khói nhang dày nghĩa địa
Thêm lạ lẫm cái nhìn con trẻ
Làng trong tôi cứ mỗi ngày vơi.
Đọc những dòng thơ ông viết về làng, tự dưng nhớ tích xưa. Có ngoa ngôn chăng khi cảm thấy Mai Nam Thắng thương làng như ngày xưa Thục Đế thương nước mà “Hòa tác đề Quyên đới huyết quy”(Hóa thành chim Quyên khóc ra máu). Thắng không kêu ra máu, không hóa thành chim Quốc gọi hè. Thắng gọi làng bất cứ lúc nào có thể. Và gọi mẹ lanh lảnh, cả khi vui lẫn lúc buồn, cả khi thấy làng đổi thay, chừng giàu có lên, mà nghe vẫn có âm hưởng buồn như mất một cái gì… của hôm qua:
Mạ ơi, chiều nay con về làng xênh xang ngói đỏ
Nhà chẳng còn lót bữa rau mưng
Sáo đã sang sông, hạc đã về mây trắng
Cây mưng vẫn âm thầm bên bến vắng
Lặng lẽ trút mình dâng lộc biếc những mùa sau
Reo vui hay kêu thương, trong một câu thơ hình như chính nhà thơ cũng không phân rạch nổi.
Ví như, khi ông hạ bút một câu tưởng nhẹ tênh mà nặng như … cuộc đời:
Con ra Hà Nội làm thơ
Thương về mái tóc phơ phơ mẹ già.
Những năm gian khó tột cùng ấy của đất nước, tay nải mạ (mẹ) thắt vào lưng Mai Nam Thắng có bộ quần áo cũ mới vá lại khuya đêm qua, đôi dép cao su, dăm cân tem gạo và một miền ký ức của làng, của mạ. Mạ không biết làm thơ, mạ chỉ có lời ru dìu dặt qua mùa hạ nắng cháy da, qua mùa đông rét mướt:
Cóc kêu dưới bụi tre trầm
Cóc kêu mược cóc tre trầm mược tre.
…
Sông Gianh nước chảy đôi dòng
Đèn khêu đôi ngọn biết chong ngọn nào
Đó là tâm trạng của cư dân hai bờ sông Gianh sau gần hai trăm năm phân tranh Trịnh Nguyễn khiến lòng người loạn ly không thể phân định. Di chứng ấy truyền lại trong những lời hát ru, trong ca dao.
Và hát Kiều, và ca trù. Tuyên Hóa là một trong mười sáu địa phương cả nước có hát Nhà trò, hát Cửa đình. Hát kiều có lớp lang kịch bản thì từ Nghi Xuân truyền vào bắc sông Gianh là dừng lại, phả xuống vùng quê này thành một di sản truyền đời.
Đấy, hành trang của Thắng Ra Hà Nội làm thơ…có bấy nhiêu. Thế mà, trong khi “làng năm nào cũng lở”, trong khi “Sáo đã sang sông Hạc đã về mây trắng” thì Mai Nam Thắng làm lính, thành sĩ quan cao cấp, làm báo thành danh đảm nhận trọng trách ở một tờ báo lớn, và…làm thơ.
Thơ ông đã có không ít câu, nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, muốn có xu hướng bật khỏi bài để thiết lập một đời sống thẩm mỹ riêng… Một nửa câu thơ nguyên chất không chút màu mè của Thắng đã bật ra khỏi bài cho tôi một tiêu đề có sức nặng gần bằng chính cả cuộc đời nhà thơ.
Nguyễn Thế Tường