Cần quy định sử dụng hình ảnh cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần có ngay các quy định về sử dụng mạng xã hội, trong một môi trường truyền thông trực tuyến, đa chiều, vốn tồn tại "nguy" và "cơ" hiện nay.
Chính trong bối cảnh đó, danh xưng "anh hùng bàn phím" và thuật ngữ "tay nhanh hơn não" đã trở nên phổ biến," ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Cho biết khái niệm "khủng hoảng truyền thông" đến nay chưa có một định nghĩa chính xác, ông Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, "khủng hoảng truyền thông" xuất phát từ việc quan sát, tổng kết thực tiễn các vụ việc mà ở đó yếu tố truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho tình hình trở nên xấu đi hay tốt lên.
Bản thân một vụ việc khi xảy ra có thể đã tiềm ẩn yếu tố làm xảy ra khủng hoảng nhưng cũng có khi một việc làm tốt, một chính sách tốt nếu không được truyền thông, giải thích tốt cũng có thể kéo theo khủng hoảng truyền thông.
Vì vậy, xử lý khủng hoảng truyền thông nên được hiểu là xử lý bằng nhiều biện pháp, bao gồm cả biện pháp truyền thông để vụ việc được lắng xuống, hoặc có kết cục tốt đẹp. Tuy nhiên, cần tránh yếu tố tâm lý coi truyền thông là nguyên nhân của khủng hoảng hoặc kết quả của việc xử lý khủng hoảng.
Đối với những nguy cơ và nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội, ông Nguyễn Thanh Lâm nhận định, cơ bản hiện nay, hệ thống chính trị, trong đó có bộ máy điều hành từ Trung ương đến địa phương đang vận hành ngày càng công khai, minh bạch. Các vụ việc nảy sinh đều được quan tâm, chỉ đạo, giải quyết công khai, minh bạch, quyết liệt.
Niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và phát triển của đất nước đã được nâng lên một mức cao hơn, đặc biệt là với những thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch COVID-19 và trong phát triển kinh tế.
Đoàn kết, nhất trí trong hệ thống cũng đang được nâng lên một bước. Đây là nền tảng quan trọng để hạn chế các phức tạp nảy sinh về kinh tế, an sinh xã hội, tâm tư tình cảm của cán bộ, nhân dân, qua đó hạn chế các cuộc khủng hoảng truyền thông lớn và các cuộc khủng hoảng xã hội lớn.
Theo kiến nghị của ông Nguyễn Thanh Lâm, xử lý khủng hoảng truyền thông không chỉ là giải quyết các vấn đề từ góc độ truyền thông, mà phải xử lý căn nguyên của khủng hoảng. Việc này cần có giải pháp căn cơ, cần nhiều thời gian, vì vậy rất cần sự bình tĩnh trong mọi trường hợp, cần hết sức tránh "chính trị hóa" vấn đề.
Đồng thời, cần kiện toàn bộ máy chuyên trách về truyền thông, pháp lý và xử lý khủng hoảng truyền thông ở ngành, địa phương mình với sự giúp sức của cả nhân lực và công nghệ từ "thị trường", vì khó có cơ quan, tổ chức nào có thể tự mình giải quyết hết các vấn đề khi "có chuyện." Phân biệt sự khác nhau giữa công tác này với công tác thi đua, khen thưởng, tuyên truyền, vốn chủ yếu chỉ có tác động tích cực trong nội bộ.
Cần có ngay các quy định nội bộ về sử dụng mạng xã hội, về quản trị hình ảnh của cá nhân, tổ chức, đặc biệt là trong sinh hoạt đời tư, hạn chế và kiểm soát việc đưa hình ảnh sinh hoạt, ý kiến cá nhân lên mạng xã hội.
Các ngành, lãnh đạo các ngành, địa phương cần có công cụ, phương thức rà soát, lắng nghe thông tin nhiều chiều trên mạng để phân tích, ứng phó. Bộ Thông tin và Truyền thông có Trung tâm giám sát không gian mạng, có thể hỗ trợ việc này.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe thông tin chuyên đề “Chiến lược quốc phòng, an ninh của Việt Nam trong tình hình mới- những đối sách trước sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn (Mỹ-Trung) do Trưởng phòng Báo cáo viên Đoàn Tư Hoan, Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trình bày./.
Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)
|