Cuộc chiến của thân phận

  • 09:36 | Thứ Bảy, 30/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau vài năm trăn trở với thơ, Hữu Phương chuyển hẳn sang "sân" văn. Từ đó, những trang viết của ông liên tục được bạn đọc chú ý, đón nhận. Ông nhanh chóng trở thành cây bút văn xuôi kỳ cựu của miền Trung, viết nhiều, viết sâu, viết chắc về đề tài chiến tranh và người lính. Với sự xuất hiện của “Quay đầu lại là bờ” (Nxb Quân đội nhân dân, 2019, tiểu thuyết đoạt giải nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức), có thể thấy, sự điêu luyện của ông khi nhìn sâu và cắt nghĩa chiến tranh thông qua những số phận bị chấn thương, bi kịch.
 
 Nhà văn Hữu Phương.
Nhà văn Hữu Phương.
Nếu “Chân trời mùa hạ” còn mang đậm cảm hứng sử thi thì đến “Quay đầu lại là bờ”, hòa trong sự vận động của văn học thời hậu chiến, trong sự thay đổi quan niệm, tư tưởng nghệ thuật, đề tài chiến tranh và người lính đã được Hữu Phương soi chiếu ở góc nhìn thế sự, đời tư. Những mâu thuẫn giữa bên này với bên kia được Hữu Phương đặt trong mối quan hệ tình nghĩa, máu mủ gia đình. Không gian gia đình là điểm trung tâm, là sợi dây hàn gắn mọi khúc mắc.
 
“Quay đầu lại là bờ” không đơn giản là cuộc chiến đẫm máu trên chiến trường mà còn là cuộc chiến hết sức bi đát của những thành viên trong gia đình. Cuộc chiến bên ngoài ác liệt, dữ dội bao nhiêu thì cuộc chiến bên trong càng tàn khốc, khủng khiếp bấy nhiêu. Trong gia đình ông giáo Thọ, mỗi người có một bi kịch. Không bi kịch nào giống bi kịch nào. Đó là cái giá mà khi đối diện với bất kỳ cuộc chiến nào, con người cũng phải gánh chịu và tự mình xoay sở, tìm đường giải thoát.
 
Trong “Quay đầu lại là bờ”, Hữu Phương đã tạo ra cuộc gặp gỡ giữa bên này, bên kia rất khéo léo, tạo được tình huống kịch tính, hấp dẫn. Cuộc gặp gỡ giữa Phan Huấn và Trương Thuấn ngay trong nhà ông bố vợ, trong nhà thiếu úy Viện có ý nghĩa tạo đà cho sự va chạm, đối diện giữa hai nhân vật. Cuộc gặp sau cùng giữa Phan Huấn và Trương Thuấn không giống như lần ở nhà ông giáo Thọ, mà là cuộc đấu giữa người âm và kẻ dương, là sự chiến thắng của lòng hận thù, căm hờn.
 
Ngòi bút của Hữu Phương đã có sự di chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong, từ người trần thuật sang nhân vật, để nhân vật Trương Thuấn tự bộc lộ những bi kịch, chấn động và kể cả những biến chuyển từ thù hận sang hối hận một cách tự nhiên. Nói là đấu với Phan Huấn, nhưng thực tế, đó là trận đấu giữa Trương Thuấn với chính bản thân hắn, trận đối đầu của lương tâm.
 
Nếu trận đấu giữa Thiện và Sơn trong “Chân trời mùa hạ” được giải quyết theo chiều hướng “ác giả ác báo”, thì trận đấu này kịch tính, quyết liệt và sáng tạo hơn nhiều. Diễn biến tâm lý nhân vật được phân tích, lý giải tinh tế, sâu sắc. Trương Thuấn giết kẻ thù, đồng thời cũng giết chết một con người, giết chết chính mình.
 
Cái khác của “Quay đầu lại là bờ” là Hữu Phương gắn kết kiểu nhân vật dòng ý thức, kiểu nhân vật ghép mảnh (như Huấn) với kết cấu đồng hiện (thời gian và không gian) để khai thác thế mạnh của điểm nhìn bên trong, bi kịch trong tâm hồn của các nhân vật; mượn dòng chảy ý thức của nhân vật để đối thoại với những sự kiện lịch sử, đánh giá lại lịch sử, đồng thời bồi đắp giá trị triết lý cho cuốn tiểu thuyết.
 
Việc Hữu Phương chọn Trung, một người tài giỏi, theo sự sắp đặt của anh trai Lê Báu, vào Nam làm lính pháo binh, làm Chánh tòa quân sự, là nhân vật trung tâm, đó là dụng ý nghệ thuật. Cái nhìn từ phía nhân vật này, sẽ giúp Hữu Phương nói được nỗi đau của cả hai bên, lý giải, luận bàn một cách khách quan nhất những gì liên quan đến cuộc chiến đẫm máu.
 

Đặc biệt, ở chương 8, những cuộc đối thoại, giãi bày của Trung và Trương Thuấn - hai con người có nhiều nỗi niềm u uẩn, về đau thương của cuộc thế, về những rung chấn, mặt trái của chiến tranh, về thắng thua, thành bại, về công tác tình báo... đã thể hiện giọng triết lý đa sắc điệu của Hữu Phương. Dù là cuộc nói chuyện của hai người bên kia chiến tuyến, nhưng lời lẽ của Trung có ý nghĩa như là sự sẻ chia, giải tỏa những mâu thuẫn đang đè nén trong sâu kín cõi lòng của Trương Thuấn, là bước đệm, cú hích để Trương Thuấn hiểu những lỗi lầm mình gây ra.

Trang bìa tác phẩm
Trang bìa tác phẩm "Quay đầu là bờ".
 “Quay đầu lại là bờ”, đúng như tên gọi của nó, thấm đẫm tinh thần Phật giáo, hướng con người quay về cội nguồn khi lầm đường lạc lối. Trường, tức là Đại đức Thích Vĩnh Trường, là nhân vật đại diện cho tiếng nói của Phật giáo. Số phận đặt Trường vào hai tâm thế: Người lính trận và đấng tu hành. Trong vai người lính, hành động và việc làm của Trường bảo vệ cho cái thiện, không để người khác làm việc xấu, chứ không hề mâu thuẫn với triết lý từ bi của nhà Phật.
 
Trong vai nhà tu hành, Trường là người hòa giải, chấm dứt những hận thù đang đeo đẳng và kết nối anh em, con cháu gia đình ông giáo Thọ. Thế hệ của Huy, Vỹ, Lân đã có cái nhìn cởi mở, đứng trên quan điểm của dân tộc, truyền thống nghĩa tình của người Việt để giải quyết những hiềm khích. Họ tìm cách hóa giải, băng bó vết thương giữa các thành viên trong gia đình và giữa hai bên chiến tuyến.
 
Do đó, chiến thắng trong “Quay đầu lại là bờ” cũng không đơn giản là chiến thắng của bên này với bên kia mà còn có sự chiến thắng của mỗi cái tôi cá nhân trong gia đình. Đó là sự chiến thắng của tâm từ bi, lòng nhân ái trước nhu cầu hòa hợp dân tộc và hòa bình của nhân loại.
 
Từ “Chân trời mùa hạ” đến “Quay đầu lại là bờ”, bút lực của Hữu Phương ngày một sắc nét hơn. “Quay đầu lại là bờ” đã đứng hẳn về phía đau thương của con người, lắng vào bề sâu của cuộc chiến, để sòng phẳng những gì mà cuộc chiến gây ra. Chính các khoảng trống, sự chênh lệch trong thế giới nội tâm của các nhân vật đã giúp nhà văn phản ánh sâu sắc, luận bàn cởi mở, đa chiều, bộc lộ tư duy, quan điểm nghệ thuật về chiến tranh từ góc nhìn hậu chiến. Chiến tranh có thể chia cắt đất nước, chia cắt gia đình, tình yêu, bạn bè… nhưng tình yêu thương sẽ gắn kết, hóa giải mọi ngăn cách, mâu thuẫn, xung đột. 
 
Hoàng Thụy Anh

tin liên quan

Niềm tin...

(QBĐT) - Chị vác cây bạch đàn dài ngoằng đi như chạy trên dốc xuống. Vứt cái cây xuống đất, chị bắt vạt áo dính đầy đất bụi lên lau khuôn mặt đẫm mồ hôi. Cả ngày vật lộn với những cây bạch đàn chị gần như kiệt sức. Chị ngồi bệt xuống vệ cỏ thở hổn hển.

Qua sông Lý Hòa gặp đèo Lý Hòa

(QBĐT) - Làng ở giữa con sông và dãy núi
Sông Lý Hòa và đèo cũng Lý Hòa

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi khi nhịp sống bước sang trạng thái bình thường mới. Đây đó, những người nông dân vui tươi ra đồng gặt hái, công nhân vào ca sản xuất, ngư dân vươn khơi bám biển…