Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nhiều tuyến điện ở xã Thái Thuỷ cần được thay mới

  • 07:50 | Thứ Tư, 02/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một đường điện bằng dây trần băng qua sân nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non và nhiều nhà dân; nhiều cột điện bằng gỗ, bê tông đã hư hỏng, gây nguy hiểm cho người dân. Đó là phản ánh của người dân thôn Nam Thái và Minh Tiến, xã Thái Thủy (Lệ Thủy).
 
Xã Thái Thủy (Lệ Thủy) có 5 thôn. Đây là địa phương có diện tích khá rộng lớn, dân cư thưa nên việc đầu tư hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, nhất là những hộ dân định cư tại các xóm mới hay các khu vực trồng rừng.
 
Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết: “Hiện 100% hộ dân trong xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, thôn Nam Thái sử dụng điện không an toàn khi đường dây trần băng qua sân nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non và một số nhà dân. Ngoài ra, còn 3 xóm của thôn Nam Thái, Minh Tiến đang dùng điện tự kéo, công tơ chung nên điện rất yếu, không bảo đảm an toàn, thất thoát điện khá cao”.
 
Tuyến điện chạy qua thôn Nam Thái có 4 dây trần, trong đó có đoạn dài khoảng 400m chạy qua sân nhà văn hóa, điểm trường mầm non và một số nhà dân. Đường dây cách mặt đất chừng 6m, có nơi cách mái nhà dân khoảng 2m.
 
Anh Trần Xuân Tình, một người dân trong thôn chia sẻ: “Cách đây 3 năm, có một thợ xây bị tai nạn do điện giật rơi xuống đất dẫn đến gãy chân. Thời điểm đó, người thợ này đưa thanh sắt lên trần nhà để thi công vô tình chạm vào đường dây điện nên xảy ra vụ việc đáng tiếc”.
Đường dây điện trần băng qua sân nhà văn hóa thôn Nam Thái, xã Thái Thủy.
Đường dây điện trần băng qua sân nhà văn hóa thôn Nam Thái, xã Thái Thủy.
Thôn Nam Thái có 340 hộ dân, trên 1.400 nhân khẩu. Hàng ngày, có rất nhiều người dân đến nhà văn hóa thôn sinh hoạt cộng đồng, học sinh đến lớp học đều rất lo lắng. Ông Tô Ngọc Chung, Trưởng thôn Nam Thái cho hay: “Vào các buổi chiều, người dân thường tập trung đông người tại nhà văn hóa thôn để sinh hoạt. Riêng vị trí sân bóng chuyền có đường dây điện trần chạy qua tiềm ẩn nguy hiểm. Nhiều hộ dân ở dưới đường dây điện cũng rất lo âu, thấp thỏm, nhất là khi trời mưa bão hoặc làm nhà”.
 
Tại xóm Làng Choi, thôn Minh Tiến có tuyến đường dây dài 2km, móc vào cột tạm, cành cây cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho 20 hộ dân. Năm 2001, bà con trong xóm góp mỗi hộ 5 triệu đồng mua dây trần, cột để kéo điện về. Năm 2017, đường dây và cột đã xuống cấp, lại ảnh hưởng của mưa bão nên UBND huyện Lệ Thủy đã hỗ trợ bà con mua lại dây bọc nhựa về thay thế. Hiện nhiều cột điện tạm cũng đã gãy đổ, xiêu vẹo nên các đoạn dây sà xuống mặt đất, có chỗ người dân tự móc vào cành cây hoặc cột tạm bằng gỗ rất sơ sài.
 
Ông Trần Văn Hiếu, một người dân sống lâu năm ở xóm Làng Choi, thôn Minh Tiến nói: “Do đường điện kéo dài, dây nhỏ, cột tạm nên dòng điện rất yếu, nhất là trong giờ cao điểm; cầu dao và cầu chì nhảy, bóng đèn cháy và các thiết bị điện trong nhà cũng bị chạm chập thường xuyên. Trong xóm nhà nào có đám cưới hay sự kiện lớn đều phải thuê máy phát điện. Hiện cả thôn không ai dám dùng bình nóng lạnh, bàn là, điều hòa...".
 
Theo ông Phạm Ngọc Hoài, Giám đốc Điện lực Lệ Thủy, hiện đơn vị đã tiến hành khảo sát các tuyến điện mất an toàn trên địa bàn xã Thái Thủy. Trước mắt, đơn vị sẽ đề xuất cấp trên xin nắn lại tuyến, thay mới đường dây trần tại thôn Nam Thái và 2 tuyến đang dùng dây, cột tạm do người dân tự kéo ở thôn Nam Thái và Minh Tiến trong năm 2023. Riêng tuyến điện đi qua xóm Làng Choi có chiều dài khá lớn, dân cư thưa thớt nên rất khó đầu tư. Bởi muốn làm được tuyến này cần số tiền khoảng 2 tỷ đồng để mua dây, cột và làm một trạm biến áp.
 
Trước mắt, Điện lực Lệ Thủy cũng đã cử nhân viên theo dõi, hướng dẫn bà con đang sử dụng các tuyến điện tự kéo cần phải chống lại cột, bảo vệ đường dây; tuyên truyền cho người dân cách sử dụng các thiết bị điện để vừa bảo đảm an toàn, vừa hạn chế thất thoát điện…
 
Việt Hà

tin liên quan

"Bỗng dưng" mất đất!

(QBĐT) - Vợ chồng ông Lê Bá Tuấn (đã mất), Từ Thị Choài (SN 1964) sinh sống tại thôn Phước Vinh, xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) trên mảnh đất tự tay mình khai hoang năm 1985, được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) một phần diện tích. Phần còn lại ông bà (và các con sau này) canh tác ổn định, không có tranh chấp, thực hiện nghĩa vụ thuế hàng năm đầy đủ. Tháng 4-2021, bà Choài và các con phát hiện ra phần diện tích đang canh tác ổn định này đã bị cấp cho người khác… từ năm 1996!

Tự ý chặt phá cây trồng khi chủ nhà đi vắng?

(QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được đơn của ông Trần Tiến Hiệp, thôn 11, xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) phản ánh về việc hơn 800m2 đất của gia đình ông trồng cây hoa màu phục vụ chăn nuôi bị người khác tự ý chặt phá, xâm hại.

Quảng Ninh: Chấn chỉnh yếu kém trong quản lý đất đai tại xã Gia Ninh

(QBĐT) - Xã Gia Ninh (Quảng Ninh) có tổng diện tích đất tự nhiên trên 2.851ha. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về đất đai tại địa bàn xã có nhiều chuyển biến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, quá trình quản lý, sử dụng đất đai trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.