Quảng Bình đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số 39
(QBĐT) - Sáng nay, 4/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị do đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Dự hội nghị, về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Về phía tỉnh Quảng Bình có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trần Phong, Bí thư Thành ủy Đồng Hới; Trương An Ninh, Bí thư Thị ủy Ba Đồn; đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng – an ninh (QP-AN) vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010 (Nghị quyết số 39) và Kết luận số 25-KL/TW ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 (Kết luận số 25) của Tỉnh ủy Quảng Bình đã đánh giá cơ bản, toàn diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế; quan điểm, mục tiêu phát triển của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 39, giai đoạn 2005-2021, KT-XH tỉnh Quảng Bình đã đạt được những thành tựu đáng kể. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, tập trung phát triển du lịch, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì mức tăng khá, với mức tăng hàng năm trên 6%.
Ngành du lịch có bước phát triển nhanh. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản xuất công nghiệp từng bước gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, chất lượng cuộc sống người dân từng bước cải thiện. Hạ tầng kỹ thuật đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, thông tin - truyền thông phát triển khá nhanh.
Quy mô, mạng lưới trường, lớp được sắp xếp, bố trí ngày càng phù hợp, chất lượng được nâng cao. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được chú trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từng bước được cải thiện. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em đạt kết quả đáng ghi nhận. Đời sống của người nghèo, vùng nghèo và các đối tượng yếu thế ngày càng được nâng lên. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện, làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng.
Công tác bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Lĩnh vực phát triển đô thị, công tác lập quy hoạch được quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030; chương trình phát triển đô thị và khu vực phát triển đô thị cho các đô thị động lực để thu hút các nguồn lực đầu tư. Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, chuyển biến tích cực.
Tỉnh cũng đã huy động các nguồn lực để triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư. Hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ với nhiều tuyến đường huyết mạch. Các công trình thủy lợi, hạ tầng kinh tế trung tâm huyện lỵ, bệnh viện, trường học... được đầu tư ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển. Với điều kiện thuận lợi, tỉnh đã thu hút được nhiều nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư các dự án lớn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã quán triệt, vận dụng đúng đắn Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dụng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Vai trò, trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành hoạt động tác chiến khu vực phòng thủ của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh được nâng cao. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra để tiếp tục hoàn thiện vận hành cơ chế hoạt động, chỉ đạo quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng hiệu quả.
Lĩnh vực cải cách hành chính, các thủ tục từng bước cắt giảm, rút ngắn thời gian. Bộ máy được sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao; từng bước xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động công vụ và đời sống người dân.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, báo cáo cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của nghị quyết và nêu rõ: Sau 18 năm triển khai, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong nghị quyết 39 và kết luận 25; vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, đoàn kết vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đồng chí đã khái quát 6 thành tựu nổi bật của tỉnh và khẳng định, những thành tựu, kết quả đó đó cho thấy Nghị quyết số 39 đã thực sự đi vào cuộc sống. Đồng chí cũng gợi ý 6 nội dung trọng tâm Quảng Bình cần tập trung triển khai, tạo thế và lực mới để tỉnh bước vào giai đoạn tiếp theo. Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Ban Chỉ đạo giao tổ biên tập đề án tổng hợp, báo cáo.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác hoàn thiện báo cáo phục vụ hội nghị tổng kết. Tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, đồng chí Trần Hải Châu nhấn mạnh những nội dung trọng tâm mà Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Đồng chí khẳng định, hội nghị lần này là cơ hội để tỉnh nhìn nhận, đánh giá lại một cách toàn diện, đầy đủ những thành quả trong gần 2 thập kỷ qua, từ đó phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn thay đổi cơ cấu phát triển; có các nghiên cứu, đề xuất với tầm nhìn lớn, phát huy mạnh mẽ khát vọng vươn lên, nhanh chóng bắt nhịp cùng sự phát triển của các địa phương trong khu vực. Đồng chí cũng mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Quảng Bình trong việc phát huy những thành quả gần hai thập kỷ qua, vững tin trên hành trình phát triển mới.
Ngọc Mai