Bảo tồn, phát huy võ thuật cổ truyền
(QBĐT) - Là vùng đất có truyền thống thượng võ, từ bao đời nay, người dân Quảng Bình luôn gìn giữ, phát triển bộ môn võ thuật cổ truyền nhằm rèn luyện sức khỏe, ý chí, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cùng với sự ra đời, phát triển của võ thuật cổ truyền Việt Nam, võ cổ truyền Quảng Bình cũng có bước đi vững chắc với sự ra đời của nhiều môn, phái, các câu lạc bộ (CLB), võ đường, thu hút đông đảo võ sinh tham gia luyện tập. Sở dĩ bộ môn này có sức hấp dẫn bởi người học nhận thấy đây là môn thể thao không chỉ mang lại hiệu quả rõ rệt về sức khỏe mà chứa đựng trong đó những giá trị triết lý nhân văn sâu sắc, giáo dục con người hướng về nguồn cội, rèn luyện ý chí, hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ.
Một trong những người có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, lan tỏa bộ môn võ thuật cổ truyền trên địa bàn tỉnh là ông Trần Đình Nghĩ, võ phái Bạch Hổ Lâm và là Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Ngay từ khi còn nhỏ, được người anh của mình là trinh sát đặc công truyền dạy cơ bản về võ thuật, cậu bé Trần Đình Nghĩ lúc bấy giờ đã yêu thích và nuôi quyết tâm “tầm sư học đạo”. Qua nhiều năm theo học ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… được các thầy là những đại võ sư danh tiếng dìu dắt, truyền dạy, niềm đam mê với võ thuật cứ thế lớn dần lên thôi thúc ông phải làm một điều gì đó nhằm gìn giữ, lưu truyền “báu vật” mà các thế hệ cha ông để lại.
Năm 1998, võ sư Trần Đình Nghĩ thành lập võ đường Bạch Hổ Lâm ngay tại nơi gia đình ông sinh sống (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) và trực tiếp đứng lớp. Năm 2018, ông được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam trao tặng bằng Đại võ sư quốc gia vì đã có cống hiến đặc biệt vào việc bảo tồn, phát triển võ cổ truyền Việt Nam.
Đến nay, võ phái Bạch Hổ Lâm đã có bước phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh với 27 điểm tập, thu hút hàng chục nghìn lượt môn sinh tham gia tập luyện, đào tạo hàng trăm lượt HLV, võ sư... Riêng đội ngũ võ sư, HLV của phái Bạch Hổ Lâm chiếm 50% tổng số HLV, võ sư toàn tỉnh.
Ngoài việc sát cánh cùng võ sinh tham gia các giải thi đấu toàn quốc và luôn đạt các giải cao, võ sư Trần Đình Nghĩ còn quan tâm phát triển phong trào ở cơ sở, nhất là đào tạo cho thế hệ trẻ. Các con của ông đều theo gương cha tích cực học tập, rèn luyện và đạt những thành tích đáng nể. Con trai lớn cũng là võ sư, từng đoạt 1 huy chương bạc thế giới và 2 huy chương bạc quốc gia trên đấu trường võ cổ truyền. Con trai thứ hai đang là HLV cấp liên đoàn và con gái út đang học lớp 6 cũng được ông dạy võ từ khi lên 5 tuổi.
Nói về việc xây dựng và phát triển bộ môn võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh, võ sư Trần Đình Nghĩ cho biết: Từ khi thành lập (2010) đến nay, Hội Võ cổ truyền Quảng Bình luôn quan tâm đến việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương có thế mạnh phát triển bộ môn này nhằm xây dựng mô hình điểm để tạo sức lan tỏa.
Hội còn chú trọng công tác đào tạo nhằm xây dựng lực lượng kế thừa có chất lượng, hướng đến thành tích cao trong các giải thi đấu. Nổi bật trong phong trào luyện tập võ cổ truyền là huyện Lệ Thủy, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyện Quảng Ninh, quê hương của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và TP. Đồng Hới “trái tim” của tỉnh với việc phát triển rất nhiều võ đường, thu hút đông đảo võ sinh tham gia tập luyện.
Không chỉ là xứ sở của làn điệu hò khoan, Lệ Thủy còn là vùng đất có truyền thống thượng võ. Nơi đây có nhiều môn phái võ thuật cổ truyền đang được lưu giữ, truyền dạy, như: Thiếu Lâm Mai Hãn, Võ Kinh Vạn An, Thiếu Sơn Phật Gia... Anh Phạm Duy Út, võ sư môn phái Thiếu Sơn Phật Gia, HLV võ đường Hạ Sơn, xã Lộc Thủy chia sẻ: Được học võ cổ truyền từ các võ sư danh tiếng của quê hương Lệ Thủy như võ sư cao cấp Hoàng Đại Khoa, Đặng Hữu Hiệp… và những năm theo học tại Đại học TDTT TP. Hồ Chí Minh bộ môn võ cổ truyền, anh luôn ghi nhớ từng bài học, lời dạy của những người thầy để không ngừng rèn luyện võ thuật, võ đức.
Nhiều năm qua, anh cùng với võ sư Đặng Hữu Hiệp đã có những nỗ lực để phát triển võ đường Hạ Sơn ngày càng lớn mạnh, dìu dắt, lan tỏa tinh thần, tình yêu bộ môn võ truyền thống của dân tộc đến với các thế hệ kế cận.
Lệ Thủy cũng là địa phương gặt hái nhiều thành quả nổi bật qua các giải thi đấu TDTT cấp tỉnh, trong đó có bộ môn võ cổ truyền. Tại Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX năm 2022, Lệ Thủy đoạt giải nhất toàn đoàn. Qua 3 kỳ đại hội TDTT toàn tỉnh (2014, 2018, 2022, bản thân HLV, VĐV Phạm Duy Út xuất sắc đoạt 6 huy chương vàng (mỗi kỳ 2 huy chương).
Điều đáng mừng là bộ môn võ cổ truyền có sức hút đối với nhiều người. Bằng chứng là qua các kỳ đại hội TDTT toàn tỉnh đều có rất đông VĐV tham gia thi đấu và khán giả cổ vũ. Giải Võ cổ truyền trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX năm 2022 diễn ra mới đây (ngày 1-3/7) toàn tỉnh có 90 VĐV, chủ yếu là VĐV trẻ tuổi tham gia ở nội dung đối kháng cá nhân và quyền. Những ngày diễn ra giải, VĐV được hòa mình trong không khí thể thao sôi nổi dưới sự cổ vũ nhiệt tình của rất đông khán giả.
Võ sư Trần Đình Nghĩ, Tổng trọng tài tại giải đấu cho hay: Được Sở Văn hóa-Thể thao giao nhiệm vụ, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh đã tổ chức họp, lựa chọn những HLV, võ sư có kinh nghiệm tham gia làm trọng tài. Trước đó, hội cũng đã kêu gọi các câu lạc bộ, võ đường ở các địa phương tham gia luyện tập nhằm chuẩn bị lực lượng tốt nhất để tham gia giải. Qua đó, tạo khí thế sôi nổi, thúc đẩy phong trào rèn luyện võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh.
Để phát triển võ cổ truyền thành môn thể thao trọng điểm, khơi dậy, nhân lên niềm đam mê của nhiều người đối với di sản của dân tộc, cần hơn nữa các hoạt động nhằm thu hút người dân tham gia luyện tập, nhất là các em học sinh bởi rèn luyện võ thuật không chỉ giúp các em có sức khỏe tốt mà còn dạy cho các em lối sống trung thực, tinh thần thượng võ, nghĩa hiệp. Muốn làm được điều đó, trước hết cần phải có sự đồng thuận, chung tay, góp sức của các ngành, đơn vị chức năng đối với việc phát triển võ thuật trong học đường, góp phần bảo vệ, phát huy những tinh hoa của võ cổ truyền, một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của dân tộc.
Đồng hành cùng với sự phát triển của thể thao tỉnh nhà, nhiều năm qua, phong trào luyện tập võ thuật nói chung, võ cổ truyền nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có bước phát triển sâu rộng, ngày càng có nhiều võ sinh tham gia. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 60 CLB võ cổ truyền thuộc nhiều môn, phái, như: Bạch Hổ Lâm, Thiếu Sơn Phật Gia, Thiếu Lâm Nam Sơn, Thiếu Lâm Mai Hãn, Võ Kinh Vạn An… với hơn 80 võ sư, HLV… và khoảng 1.500 võ sinh. |
NH.V
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.