Thư ngỏ chỉ ra hậu quả bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine COVID-19
Thay vì cung cấp vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị dựa trên nhu cầu, các công ty dược phẩm đã tối đa hóa lợi nhuận bằng cách bán vaccine và thuốc cho các quốc gia giàu có nhất trước tiên.
Nếu vaccine ngừa COVID-19 được chia sẻ một cách công bằng trên thế giới, ít nhất đã có thể cứu sống được 1,3 triệu người, tức là cứ 24 giây có 1 ca tử vong có thể phòng ngừa, ngay trong năm đầu triển khai tiêm chủng.
Nhận định trên được đưa ra trong một bức thư ngỏ của Liên minh vaccine của nhân dân (PVA) - gồm hơn 100 tổ chức và mạng lưới nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vaccine của người dân - công bố ngày 11/3, tròn 3 năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch.
Trong thư, PVA nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc và trục lợi đã kìm hãm phản ứng toàn cầu đối với đại dịch. Thay vì cung cấp vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị dựa trên nhu cầu, các công ty dược phẩm đã tối đa hóa lợi nhuận bằng cách bán vaccine và thuốc cho các quốc gia giàu có nhất trước tiên.
Thậm chí ngay cả khi đại dịch đã bước sang năm thứ 4, nhiều nước đang phát triển vẫn chưa thể tiếp cận các phương pháp điều trị hoặc xét nghiệm thích hợp và nhiều phụ nữ nghèo, người da màu và những người tại các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn phải chịu gánh nặng do tác động của COVID-19.
Do đó, PVA kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động, trong đó có việc ủng hộ một hiệp định của WHO về ứng phó đại dịch, đầu tư đổi mới sáng tạo khoa học và năng lực sản xuất, cũng như hàng hóa chung toàn cầu, xóa bỏ rào cản sở hữu trí tuệ, lên kế hoạch ứng phó công bằng đối với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tiếp theo, cũng như ngăn chặn tái diễn những thảm kịch như đối với đại dịch COVID-19.
Theo Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.