Sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng:

Người dân cần chủ động diệt muỗi, loăng quăng để phòng bệnh

  • 14:46 | Thứ Năm, 25/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã cán mốc hơn 1.500 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn toàn tỉnh. Các địa phương: Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Đồng Hới… vẫn tiếp tục là những địa bàn “nóng” khi số ca mắc SXH tiếp tục gia tăng.
 
Giám sát và xử lý kịp thời các ổ dịch SXH
 
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), trong 7 tháng đầu năm 2022, tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, đa số giảm so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh mới nổi, tái nổi, như: cúm AH5N1, H7N9, MerS-CoV; các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A, như: tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch… chưa ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh.  
Ngành Y tế chủ động phun hóa chất diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy phòng chống SXH tại các địa phương nguy cơ cao.
Ngành Y tế chủ động phun hóa chất diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy) phòng, chống SXH tại các địa phương nguy cơ cao.
Riêng bệnh SXH Dengue có tăng mạnh. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Quảng Bình phát hiện 794 trường hợp mắc SXH tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, tăng 744,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, sang tháng 8, số ca mắc SXH tăng nhanh, trong vòng chưa đầy 1 tháng đã tăng lên gần gấp đôi so với 7 tháng trước đó, đạt trên mốc 1.500 ca. Số ca mắc SXH vẫn tiếp tục tập trung ở huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, TP. Đồng Hới và huyện Quảng Ninh. Minh Hóa là địa phương thấp nhất, mới chỉ ghi nhận 21 ca SXH đến thời điểm hiện tại.
 
Theo đánh giá của bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình: Tình hình SXH trong 7 tháng đầu năm 2022 có sự gia tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn so với trung bình 5 năm (2017-2021). Lệ Thủy là địa phương duy nhất có tỷ lệ mắc SXH/100.000 cao hơn trung bình 5 năm. SXH tại địa bàn Quảng Bình bắt đầu có dấu hiệu tăng dần từ tháng 5 và đến tháng 7 số ca SXH đã vượt số ca mắc trung bình 5 năm (2017-2021). Xu hướng này tương đồng với tình hình SXH các năm trước đây và hoàn toàn phù hợp với các đặc điểm dịch tễ học bệnh SXH tại miền Trung khi các điều kiện thời tiết đang trong thời điểm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH hình thành và phát triển.
 
Đến sáng 25/8/2022, Quảng Bình đã ghi nhận 1.528 ca mắc SXH. Trong đó, các địa phương có số ca mắc cao là Lệ Thủy: 527 ca, Bố Trạch: 358 ca, Quảng Ninh: 231 ca, Đồng Hới: 196 ca. Các địa phương có số ca mắc dưới mốc 100, bao gồm, Quảng Trạch: 85 ca, Ba Đồn: 75 ca, Tuyên Hóa: 35 ca và Minh Hóa: 21 ca. Quảng Bình chưa ghi nhận ca tử vong do SXH.
Là địa phương có SXH lưu hành, nên Quảng Bình chủ động xử lý các ổ dịch ngay khi xuất hiện. Ngành Y tế huy động đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, chủ công là CDC và các Trung tâm Y tế tuyến huyện tích cực triển khai các hoạt động giám sát tại cộng đồng, nhất là các vùng trọng điểm và vùng đang xảy ra ổ dịch của các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới. Đồng thời, thường xuyên triển khai giám sát ca bệnh tại tuyến bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (2 lần/tuần); tổ chức tập huấn về phòng, chống và điều trị SXH cho cán bộ tuyến huyện. Các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là các trạm y tế luôn theo dõi sát bệnh nhân SXH để điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh có diễn biến nặng.  
 
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế thực hiện giám sát véc tơ chủ động tại 6 huyện, thị xã, thành phố có chỉ số côn trùng cao và triển khai giám sát véc tơ định kỳ hàng tháng tại 8 xã trọng điểm, gồm: Cảnh Dương (Quảng Trạch), Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), Đức Trạch, Hoàn Lão (Bố Trạch), Bắc Lý, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Tân Ninh (Quảng Ninh), Lộc Thủy (Lệ Thủy) để nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh và có giải pháp ngăn chặn kịp thời, không để bùng phát ra diện rộng.
Cán bộ y tế hướng dẫn trực tiếp cho người dân biết và tiêu diệt tận gốc nơi sinh sản của muỗi gây bệnh SXH.
Cán bộ y tế hướng dẫn trực tiếp cho người dân biết và tiêu diệt tận gốc nơi sinh sản của muỗi gây bệnh SXH.
Qua công tác giám sát côn trùng, CDC và các đơn vị y tế đã thực hiện phun chủ động phòng, chống SXH tại 23 xã (Minh Hóa 1, Quảng Trạch 2, Ba Đồn 4, Bố Trạch 6, Đồng Hới 4, Quảng Ninh 3, Lệ Thủy 3); đồng thời, kịp thời triển khai ngay việc phun hóa chất xử lý ổ dịch khi mới xuất hiện.
 
Thời gian qua, có 29 ổ dịch nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh đã được xử lý bằng phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt muỗi, lăng quăng(bọ gậy). Trong đó, có 19/29 ổ dịch đã được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.
 
Tích cực diệt muỗi, lăng quăng để phòng, chống SXH
 
Thông điệp của ngành Y tế “Không có loăng quăng/bọ gậy, thì không có SXH” chưa bao giờ cũ! Để ngăn chặn dịch SXH diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu cho UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội… cùng phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng. 
 
Trong đó, yêu cầu cán bộ y tế phải về tận các ổ dịch, các khu dân cư có nguy cơ cao để kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cho người dân làm vệ sinh môi trường sống, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải; lật úp các nơi có thể ứ đọng nước xung quanh nơi sinh sống, như: chai lọ, chum, vại, vỏ chai nhựa, lốp xe hỏng… nơi sinh sản của muỗi để tiêu diệt lăng quăng, không để phát triển thành muỗi trưởng thành-đây là việc làm quan trọng trong ngăn chặn, phòng, chống SXH bùng phát, bảo vệ gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh. 
Bệnh nhân SXH được theo dõi điều trị tại bệnh viện.
Bệnh nhân SXH được theo dõi điều trị tại bệnh viện.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua toàn tỉnh đã dốc hết toàn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, nên khi trở lại cuộc sống bình thường mới, một bộ phận người dân nảy sinh tâm lý chủ quan và thiếu tinh thần tự giác trong việc phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, thời tiết đang có nhiều biến động với mưa nắng thất thường cũng là một trong những thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh SXH hiện nay. 
 
Vì vậy, ngành Y tế rất cần sự chung tay phối hợp của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể… tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch SXH trực tiếp đến từng thôn, tổ dân phố, cụm dân cư hoặc bằng các khẩu hiệu, biểu ngữ ngắn gọn, dễ hiểu để người dân quan tâm nhiều hơn và tự giác phối hợp với chính quyền địa phương nỗ lực phòng, chống dịch bệnh SXH, không để xảy ra “dịch chồng dịch” trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Theo Bộ Y tế, khi mắc SXH và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.
 
Cần đưa ngay người bệnh SXH đến cơ sở y tế khi có 6 dấu hiệu sau: Chảy máu (các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo); nôn liên tục; đau bụng dữ dội; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; khó thở. Đặc biệt, cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ gặp các biểu hiện trên, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra, kịp thời chẩn đoán và điều trị, tránh để tình trạng bệnh diễn biến nặng, tử vong.
 
Nội Hà

tin liên quan

Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer ít hiệu quả với người trẻ tuổi

Trong nghiên cứu trên 109.000 bệnh nhân COVID-19 ở Israel, thuốc Paxlovid đã giúp giảm khoảng 75% nguy cơ nhập viện ở người trên 65 tuổi nhưng ít có tác dụng với người trong độ tuổi từ 40 đến 65.

Australia phát triển thành công vaccine ngừa virus hợp bào hô hấp

Vaccine đầu tiên ngăn ngừa virus hợp bào hô hấp (RSV) đầu tiên trên thế giới đang dần được hoàn thiện, mở ra hy vọng ngăn chặn được hàng trăm nghìn ca tử vong ở trẻ sơ sinh mỗi năm.

Minh Hóa: Cảnh báo tình trạng người dân bị ong đốt

(QBĐT) - Tại huyện Minh Hóa, từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm mùa ong làm tổ và sinh sản, đây cũng là lúc nhiều người dân bị ong đốt phải nhập viện điều trị.