Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khúc bi tráng nơi ngầm khe Rinh

  • 07:11 | Thứ Bảy, 02/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một buổi sáng tháng 7/1967, máy bay Mỹ đã dội hàng loạt bom xuống “tọa độ lửa” ngầm khe Rinh, xã Trung Hóa (Minh Hóa) làm 9 chiến sĩ lái xe quân sự cùng lúc hy sinh. Khi chiến tranh lùi xa, ngầm khe Rinh đã được xây dựng khang trang trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nhưng tên tuổi của các anh chưa được ghi danh nên người dân xã Trung Hóa vẫn còn trăn trở...
 
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, xã Trung Hóa có nhiều tuyến đường chiến lược đi qua, nhất là tuyến đường 15A (nay là đường Hồ Chí Minh), đường 47 nối từ đường chiến lược 15A vào công trường 47 qua nước bạn Lào. Ở đây có nhiều dãy núi đá vôi, hệ thống hang động nên có rất nhiều đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong đóng quân, hành quân qua. Đây cũng là nơi tập kết vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam...
Ngầm khe Rinh khi chưa được xây cầu. Ảnh: Tư liệu.
Ngầm khe Rinh khi chưa được xây cầu. Ảnh: Tư liệu

Xác định được tầm quan trọng đó, năm 1965, Mỹ đã dùng không quân ném bom điên cuồng, biến nơi đây thành một vùng “đất chết”. Những địa danh, như: Ngầm khe Rinh, Eo Rào, ngã ba Trung Hóa, công trường 47, đường 15A... liên tục hứng chịu những trận bom ác liệt làm hàng chục người chết và bị thương, nhiều nhà dân bị cháy, cơ sở vật chất trên địa bàn bị tàn phá nặng nề.

Một buổi sáng tháng 7/1967, trong lúc đoàn xe quân sự của ta đang vận chuyển hàng hóa đi qua ngầm khe Rinh thì bị giặc Mỹ phát hiện và ném bom làm 9 chiến sĩ lái xe hy sinh tại chỗ, tài sản bị bốc cháy, thiệt hại nặng nề.

Ông Cao Văn Minh (87 tuổi), lúc đó đang là bộ đội làm nhiệm vụ trên địa bàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Trung Hóa (từ năm 1973-1975) kể lại: “Khoảng 9 giờ sáng một ngày tháng 7/1967, 9 chiến sĩ lái xe vận chuyển hàng hóa quân sự từ công trường 47, thôn Yên Phú đến hang Lạn, thôn Tiền Phong đang nghỉ chân bên ngầm khe Rinh thì bị máy bay Mỹ phát hiện. Một tốp máy bay của địch khoảng 6-7 chiếc lao xuống thả rốc-két, bom tọa độ... Trong cơn mưa bom, các chiến sĩ lái xe vẫn anh dũng lên xe chạy về phía trước nhưng máy bay Mỹ dội bom xuống liên tục trong nhiều giờ, các anh lần lượt hy sinh. Tuy tại ngầm khe Rinh lúc đó không có lực lượng phòng không bộ đội chính quy,  nhưng lực lượng dân quân địa phương đã kiên cường dùng súng bắn trả quyết liệt”.
Ông Cao Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND xã Trung Hóa kể lại những tháng năm chiến tranh ác liệt trên địa bàn.
Ông Cao Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND xã Trung Hóa kể lại những tháng năm chiến tranh ác liệt trên địa bàn.
Bà Cao Thị Minh Nượng, 79 tuổi, ở thôn Yên Phú nhớ lại: “Ngay sau khi máy bay ném bom làm 9 chiến sĩ lái xe của một đơn vị bộ đội hy sinh, lực lượng dân quân chúng tôi đã bắn trả quyết liệt. Khi máy bay rút đi, khu vực ngầm khe Rinh ngổn ngang hố bom, ngọn lèn một bên cạnh ngầm trơ trọi không còn cây cối. Xe chở hàng hóa cháy hết, còn các anh bộ đội thì hy sinh, có những anh thi thể không còn nguyên vẹn. Sau đó, chúng tôi đi tìm thi thể của từng anh rồi chôn cất tại một ngọn đồi cách đó không xa”.
 
Ông Cao Văn Minh chia sẻ thêm: “Sự kiện 9 chiến sĩ lái xe hy sinh tại ngầm khe Rinh là nỗi đau lớn của lực lượng vũ trang (LLVT) đóng quân trên địa bàn lẫn người dân trong xã. Sau trận bom đó, ngầm Khe Rinh, Eo Rào và cả tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tiếp tục trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ, nơi đây thành vùng “đất chết” đúng nghĩa, dân làng trong xã phải sơ tán đến những nơi an toàn. Trong đau thương mất mát, LLVT và nhân dân trên địa bàn vẫn kề vai sát cánh để tải gạo, tải đạn, dỡ nhà, phá vườn lấy gỗ lấp hố bom, làm đường, ngầm cho xe ra vào tiền tuyến”.
 
“Hiện, xã cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan, nhân chứng lịch sử để tìm tên, tuổi, đơn vị... của 9 liệt sỹ hy sinh tháng 7/1967 tại ngầm khe Rinh. Nếu tìm thấy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Trung Hóa sẽ đề xuất xây dựng nhà bia tưởng niệm 9 liệt sỹ và những người đã ngã xuống nơi đây để cho đất nước có độc lập. Đó sẽ là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ khi đến khe Rinh…”, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hóa Đinh Xuân Thông cho hay.

Những năm sau đó, máy bay Mỹ liên tục ném bom xuống ngầm khe Rinh hòng cắt đứt con đường 15A huyết mạch chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Theo tài liệu ghi lại, từ năm 1965-1972, máy bay Mỹ đã dội xuống Trung Hóa hàng chục vạn tấn bom đạn làm hơn 100 người chết, hàng trăm người bị thương, trong đó có trên 60 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Riêng trong vòng bán kính khoảng 1km tại khu vực ngầm khe Rinh, có thời điểm trong 75 ngày đêm, kẻ thù đã dội xuống 3.700 quả bom các loại.

Với khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, LLVT, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trung Hóa vẫn quyết tâm chiến đấu, bảo vệ con đường huyết mạch. Công trường C50 được điều về làm nhiệm vụ ở trọng điểm ngầm khe Rinh, khoảng 400 công nhân đã bám trụ mặt đường để chiến đấu và thông đường...

Cầu Khe Rinh được xây dựng khang trang trên đường Hồ Chí Minh.
Cầu Khe Rinh được xây dựng khang trang trên đường Hồ Chí Minh.

Các lực lượng của ta phối hợp chặt chẽ tạo thế trận phòng không vững chắc và đã bắn hạ nhiều máy bay của giặc Mỹ. Đáng chú ý, ngày 25/6/1968, đơn vị 367 thuộc bộ đội địa phương huyện Minh Hóa đang trực chiến trên đồi Đại Minh, xã Trung Hóa bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 của giặc Mỹ và được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Trung tá Đinh Hải Thành, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Minh Hóa cho biết: "Sự kiện 9 chiến sĩ lái xe hy sinh tháng 7/1967 tại ngầm khe Rinh thực sự là khúc bi tráng được LLVT và nhiều người dân Trung Hóa biết đến. Tuy nhiên, tên tuổi, đơn vị, quê quán của các anh đến nay vẫn chưa sưu tầm được nên lịch sử LLVT huyện Minh Hóa, Đảng bộ xã Trung Hóa chưa thể ghi danh. Hiện chúng tôi cũng đang nỗ lực liên hệ với các cơ quan chức năng, nhân chứng lịch sử để tìm tên tuổi của các anh".

Xuân Vương

tin liên quan

Ngày thu ở... 30 Hoàng Diệu

(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 3: Người lính trở về

(QBĐT) - Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.

Từ bước chân đầu tiên 60 năm trước và hy vọng hôm nay

(QBĐT) - 60 năm, còn gọi là "lục thập hoa giáp", quãng thời gian đáng để suy ngẫm về những "được-mất", "hơn-thua" của một đời người!