Quảng Bình hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ

  • 14:10 | Thứ Năm, 20/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, mở hướng đi mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Anh Lê Ðình Quả chăm sóc cây trồng trong vườn nhà màng ở trang trại An Nông.
Anh Lê Ðình Quả chăm sóc cây trồng trong vườn nhà màng ở trang trại An Nông.
Cách đây 7 năm, người dân xã Hòa Trạch (huyện Bố Trạch) ngạc nhiên khi thấy vợ chồng chị Lê Thị Thanh Thủy và anh Lê Ðình Quả trở về vùng đồi lập nghiệp, trong khi họ đang có việc làm tốt ở thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, cách làm nông nghiệp của vợ chồng người kỹ sư này cũng khác. Họ chọn vùng đất đồi đầy sỏi mà trước đây người dân trồng keo, tràm để làm mô hình nông nghiệp hữu cơ.
 
Những năm đầu lập nghiệp ở vùng đất khô cằn này rất khó khăn nhưng họ không nản, bởi với suy nghĩ "có sức người sỏi đá cũng thành cơm", huống gì họ còn là những kỹ sư, thạc sĩ có kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp. Ban đầu, hai vợ chồng anh Ðình Quả phải tự bỏ sức ra để cải tạo đất trồng rau, rồi trang trại cũng dần phát triển theo đúng định hướng phát triển sản phẩm nông sản hữu cơ của họ.
 
Ðể có bước đi vững chắc, vợ chồng người kỹ sư này thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn An Nông với thương hiệu An Nông Farm. Giữ vai trò giám đốc công ty, chị Lê Thị Thanh Thủy bắt tay vào công việc phát triển thị trường, marketing sản phẩm. Còn anh Lê Ðình Quả thì phụ trách kiến thiết và kỹ thuật cho trang trại với phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng các hóa chất độc hại.
 
Ngược lại, An Nông Farm sử dụng phân chuồng ủ hoai và phân vi sinh tự sản xuất cho các loại cây trồng. Dù diện tích không lớn, nhưng trang trại An Nông hiện phát triển theo hướng sinh thái đa dạng. Anh Quả mạnh dạn thử nghiệm nhiều cách thức canh tác mới, phù hợp với xu thế hiện tại và có khả năng ứng phó với thiên tai ở khu vực miền trung. Bên cạnh hai nhà màng diện tích hơn 1.500m2 là những nhà cuốn thấp có che ni-lông khi cần thiết. Trang trại có hệ thống cây xanh như phi lao, tràm bao quanh có nhiệm vụ chắn gió, bảo vệ nhà màng và cây trồng. Không chỉ là canh tác mùa nào rau, quả đó mà ở trang trại An Nông, việc cơ cấu rau màu cũng được tính toán một cách khoa học.
 
Anh Quả chia sẻ, những loại rau lấy lá như: Cải, tầng ơ, xà lách… thường hay bị sâu bệnh. Vì vậy, bên những luống rau này là các luống rau có mùi hắc như hành, ngò, cà rốt… Cách trồng xen kẽ như vậy giúp hạn chế sâu bệnh khá hiệu quả.
 
Từ vùng đất sỏi khô cằn, đến nay An Nông Farm thành trang trại xanh tươi, màu mỡ có tiếng ở Quảng Bình. Thương hiệu rau, quả hữu cơ An Nông cũng được người tiêu dùng biết tới ngày càng nhiều qua các cửa hàng và kênh phân phối. Anh Quả cho biết, mục tiêu hướng đến của An Nông Farm là xây dựng chuỗi sản xuất hữu cơ, đồng thời, hỗ trợ nông dân ở các địa phương phát triển chuỗi liên kết nông sản sạch. An Nông Farm còn tiên phong trong phát triển các loại hình dịch vụ trải nghiệm, du lịch sinh thái nông nghiệp.
 
Cũng chọn nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi bền vững trong sản xuất, anh Trương Quốc Việt ở xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa) có vườn cây ăn quả nổi tiếng diện tích hơn 14ha, trong đó có 6ha cam, 7ha bưởi, số còn lại là chanh. Ðầu năm 2018, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, anh đã bắt tay vào trồng thử nghiệm mô hình cây ăn quả theo hướng hữu cơ.
 
Năm 2021, vụ cam trồng đầu tiên cho năng suất gần 20 tấn. Mặc dù, trong giai đoạn dịch Covid-19 nhưng vườn cam của anh Việt được nhiều thương lái đến mua khá đắt hàng. "Năm 2022, bưởi trồng theo hướng hữu cơ của gia đình tôi bán ra thị trường với giá bán 30 nghìn đồng/quả, cao hơn so với bưởi trồng đại trà khoảng 10 nghìn đồng/quả nhưng vẫn được người tiêu dùng ủng hộ và có nhiều thương lái đến đặt bưởi cho vụ mùa năm 2023", anh Việt cho biết.
 
Vụ bưởi năm nay, anh Trương Quốc Việt càng phấn khởi hơn khi sản phẩm cam, bưởi của anh đã được chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR. Sau khi quét mã QR một quả cam, bưởi, cả quá trình chăm sóc từ khi ra hoa, kết trái cho đến khi thu hoạch sẽ hiển thị thông tin để người tiêu dùng biết, lựa chọn.
 
Nắm bắt xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gần đây, Ủy ban nhân dân thị xã Ba Ðồn đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị với Tập đoàn Quế Lâm, Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam cho rằng, việc ký kết hợp tác làm nông nghiệp hữu cơ với nông dân ở Quảng Bình sẽ giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của sản xuất hữu cơ, từ đó thay đổi tư duy sản xuất. Tập đoàn lựa chọn hỗ trợ, hợp tác thực hiện từng mô hình cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương để mang lại hiệu quả cao.
 
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, so với các địa phương khác, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đầu tư hạ tầng để sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở đây khá chậm và gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết, thiên tai. Bên cạnh đó, cái khó của phương pháp canh tác hữu cơ chính là ở năng suất, sản lượng và hiệu quả chưa cạnh tranh được với sản phẩm phi hữu cơ.
 
Cụ thể, trong quá trình canh tác sản phẩm hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công sức và khó triển khai trên diện rộng. Mặt khác, nông dân trong tỉnh vốn đã quen với phương pháp sản xuất truyền thống, chưa hiểu hết những lợi ích lâu dài nên việc thay đổi thói quen canh tác không thể thực hiện ngay được.
 
Tuy vậy, bằng sự mạnh dạn chuyển đổi phương cách sản xuất, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trong tỉnh đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để thực hiện các mô hình sản xuất mới, hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh có 26 cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hướng nông nghiệp hữu cơ. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Trần Ðình Hiệp, thành công của những mô hình này là tiền đề để người dân trong tỉnh học hỏi, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới.
 
Ðể sản xuất nông nghiệp hữu cơ thật sự phát triển và khẳng định được chỗ đứng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng, tỉnh Quảng Bình cần có cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ nâng cao giá trị đối với các sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ, cùng với đó là tăng cường các biện pháp kiểm soát các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi. Ngành nông nghiệp Quảng Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị hàng hóa và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng 
Theo Hương Giang (NDO)

tin liên quan

Gần 30 doanh nghiệp đăng ký hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

(QBĐT) - Với nhiều giải pháp quyết liệt, Cục Thuế tỉnh đã tuyên truyền, hỗ trợ gần 30 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.

Đồng hành, hỗ trợ quyết toán thuế

(QBĐT) - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện thủ tục quyết toán thuế năm 2022, Cục Thuế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, kênh hỗ trợ giúp NNT tiếp cận nhanh chóng thông tin các chính sách, từ đó, thực hiện nghĩa vụ quyết toán thuế một cách chính xác, đúng thời hạn.

Giảm thuế bảo vệ môi trường gần 430 tỷ đồng

(QBĐT) - Thông tin từ Cục Thuế tỉnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, ngành Thuế tỉnh đã giảm thuế BVMT cho người nộp thuế với tổng số tiền gần 430 tỷ đồng.