Để rừng không còn "chảy máu"

  • 07:48 | Thứ Sáu, 21/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng (BVR) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, chủ rừng trên địa bàn tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp quyết liệt đang được đồng bộ triển khai để rừng không còn “chảy máu”.
 
Bài 1:  Thực trạng và nguyên nhân
 
Mặc dù các lực lượng chức năng, chủ rừng triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, nhưng rừng ở một số nơi trên địa bàn tỉnh vẫn bị “chảy máu”. Nguyên nhân của các vụ phá rừng chủ yếu là do lực lượng BVR mỏng, chế độ đãi ngộ thấp trong khi diện tích rừng quá lớn, nhu cầu sử dụng gỗ, đất sản xuất của người dân còn nhiều…
 
Quảng Bình có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên trên 651.318ha. Trong đó, rừng đặc dụng có 144.310ha, rừng phòng hộ 151.836ha, rừng sản xuất 318.362ha... Thời gian qua, trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ phá rừng để lấy gỗ, đất sản xuất. Điển hình năm 2022 có vụ lâm tặc chặt hạ 5 cây gỗ măng ri tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh); vụ chặt 31 cây gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII tại rừng cộng đồng bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa).
 
Những tháng đầu năm 2023, dư luận lại xôn xao 2 vụ phá rừng. Vụ thứ nhất tại xã Trường Sơn khi lâm tặc cắt hạ trái phép 14 cây gỗ từ nhóm I đến nhóm III; thứ hai là vụ phá, tác động đến hơn 8ha rừng tại vùng giáp ranh giữa huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa...
Hiện trường một vụ phá rừng tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh)
Hiện trường một vụ phá rừng tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh)
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Long cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến các vụ phá rừng thời gian qua là do đời sống của người dân gần rừng còn nhiều khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập còn dựa vào tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, nhu cầu lâm sản, đất sản xuất của người dân còn cao đã gây áp lực không nhỏ đối với công tác quản lý, BVR. Năng lực, nghiệp vụ của lực lượng BVR chuyên trách còn hạn chế. Ở một số nơi, chính quyền cấp xã, đơn vị chủ rừng chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác BVR; các chủ rừng chưa thực sự bảo vệ tốt diện tích rừng được giao quản lý; phần lớn cộng đồng dân cư, hộ gia đình được giao rừng tự nhiên chưa tích cực BVR”.
 
Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý, BVR còn hạn chế, không được bố trí kịp thời nên các chủ rừng và chính quyền cơ sở gặp nhiều khó khăn. Lực lượng BVR chuyên trách của một số đơn vị chủ rừng bỏ việc nhiều nên thiếu về số lượng. Biên chế của lực lượng Kiểm lâm ngày càng mỏng, trong khi nhiệm vụ quản lý, BVR, thực hiện các chính sách phát triển lâm nghiệp ngày càng nặng nề và phức tạp. Năng lực quản lý BVR và trang bị công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới... cũng là những nguyên nhân dẫn đến rừng bị "chảy máu", ông Nguyễn Văn Long chia sẻ thêm.
 
BQLRPH huyện Quảng Ninh được giao quản lý, bảo vệ gần 52.000ha rừng. Lực lượng của đơn vị có 47 người, trong đó 35 người BVR chuyên trách tại 7 trạm và 2 tổ cơ động. Do diện tích rừng nhiều, lực lượng bảo vệ mỏng nên tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra. Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản 42 vụ vi phạm.
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử lý 365 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tang vật tịch thu trên 85m3 gỗ các loại, 2 ster củi. Phương tiện tịch thu gồm 6 xe mô tô, 19 máy cưa xăng xách tay... Tổng thu ngân sách gần 2 tỷ đồng. Lực lượng Kiểm lâm đã tiếp nhận và thụ lý 8 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm; khởi tố chuyển cơ quan CSĐT 4 vụ; chuyển cơ quan CSĐT khởi tố 3 vụ; tạm đình chỉ 1 vụ và không khởi tố 1 vụ.
Ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc BQLRPH huyện Quảng Ninh cho hay: “Do không có nguồn kinh phí trả lương nên cuối tháng 1/2022 cả 25 nhân viên hợp đồng phải nghỉ việc khiến lực lượng của đơn vị thiếu hụt trầm trọng. Mặt khác, lâm tặc trên địa bàn ngày càng manh động, liều lĩnh. Áp lực công việc, chế độ thấp, trách nhiệm quá lớn nên 1 trạm trưởng, 3 trạm phó xin thôi giữ chức vụ để làm nhân viên, trong đó có một số người xin thôi việc”.
 
Huyện Minh Hóa có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 127.648ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 78,33%. Rừng ở Minh Hóa nhiều nơi có trữ lượng gỗ quý lớn, nhưng lực lượng BVR mỏng nên thường bị xâm hại. Từ năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 30 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có 14 vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Địa bàn xảy ra các vụ vi phạm xảy ra chủ yếu ở các xã: Thượng Hóa, Hồng Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa...
 
Ông Thái Xuân Hồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng bản Phú Minh chia sẻ: “Từ khi được giao rừng, bà con trong bản đã tổ chức lực lượng tuần tra, quản lý, bảo vệ nên rừng cơ bản được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, gần 3 năm nay, chế độ hỗ trợ giữ rừng của chúng tôi không còn nữa. Tuy vậy, bà con trong bản phải tự bỏ tiền túi ra để mua nhu yếu phẩm cho những chuyến tuần tra rừng dài ngày. Nếu thực trạng này kéo dài lâu, chúng tôi sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc BVR”.
 
Cộng đồng bản Phú Minh được giao quản lý, bảo vệ trên 700ha rừng. Diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, trong khi lực lượng BVR mỏng, chế độ hỗ trợ thấp, lại chậm chi trả nên thời gian gần đây rừng của cộng đồng ít nhiều bị xâm hại...
 
Xuân Vương 
 
Bài 2: Giữ rừng theo hướng bền vững

tin liên quan

Thủ đoạn "hack" facebook lừa chuyển tiền, tung hình ảnh nhạy cảm

(QBĐT) - Mỗi người khi tham gia sử dụng mạng xã hội đòi hỏi phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, không xem nhẹ việc sử dụng không gian mạng, không xem đây là hoạt động đơn giản, vô hại để tránh không vướng vào; nếu vượt quá giới hạn thì sẽ bị điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật. 

Bị lừa 15 tỷ đồng sau cuộc gọi video với "Cục trưởng" Bộ Công an

Đối tượng tự xưng là Thiếu tướng, Cục trưởng Công an gọi video call và nói ông L. dính vào một vụ án, yêu cầu ông L. chuyển số tiền gần 15 tỷ đồng vào tài khoản mà đối tượng này cung cấp.
 

Sẽ trình Quốc hội dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5

Ủy ban Thường vụ Quốc thống nhất việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 tới.