Nông nghiệp 4.0…

  • 06:33 | Thứ Tư, 25/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số (CĐS) theo “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bởi vậy, ngành Nông nghiệp Quảng Bình và các chủ thể đã chủ động xây dựng kế hoạch, từng bước thực hiện CĐS nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại…
 
Nâng tầm giá trị từ 4.0...
 
Vườn cây ăn quả của gia đình anh Trương Quốc Việt, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của hàng nghìn gốc cam, bưởi. Hôm chúng tôi đến thăm, vườn cây ăn quả của gia đình anh đang vào vụ thu hoạch nên rất đông thương lái đến thu mua. Để có được mùa quả ngọt như hôm nay, anh Việt đã đổ bao mồ hôi, công sức để thực hiện mô hình trồng cam, bưởi theo hướng hữu cơ và xây dựng thương hiệu “Cam, bưởi Kim Lũ”.
 
Theo chia sẻ của anh Việt, vườn cây ăn quả của gia đình có diện tích hơn 14ha, trong đó có 6ha cam, 7ha bưởi, số còn lại là chanh. Đầu năm 2018, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, anh đã bắt tay vào trồng thử nghiệm mô hình cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Năm 2021, vụ cam trồng theo hướng hữu cơ cho năng suất với gần 20 tấn. Mặc dù, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vườn cam của anh Việt được nhiều thương lái đến mua, có thời điểm không đủ cam để cắt bán... 
Vườn cam trồng theo hướng hữu cơ của anh Trương Quốc Việt, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa).
Vườn cam trồng theo hướng hữu cơ của anh Trương Quốc Việt, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa).
“Năm nay, bưởi trồng theo hướng hữu cơ của gia đình tôi được đưa ra thị trường với giá bán 30.000 đồng/quả. Hiện, gia đình tôi đã xuất bán trên 9.000 quả bưởi giống Phúc Trạch. Dù giá thành của vườn cao hơn so với bưởi trồng đại trà khoảng 10.000 đồng/quả nhưng vẫn được người tiêu dùng ủng hộ và hiện đã có rất nhiều thương lái đến đặt bưởi cho vụ mùa năm sau…” anh Việt cho hay.
 
Vụ mùa năm nay, anh Việt càng phấn khởi hơn khi sản phẩm cam, bưởi của anh đã được chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR. Sau khi quét mã QR một quả cam, bưởi, cả quá trình chăm sóc từ khi ra hoa, kết trái cho đến khi thu hoạch sẽ hiển thị thông tin để người tiêu dùng biết…
 
Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) được biết đến là một trong những trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao quy mô lớn nhất tỉnh. Ở đây, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã giúp cho đơn vị có những bước tiến mới, tạo đột phá về năng suất và chất lượng vật nuôi.
 
Với quy mô hơn 20ha, hệ thống chuồng trại được xây dựng với công nghệ hiện đại, gồm: Hệ thống chuồng kín có tự động điều khiển nhiệt độ; hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động; áp dụng công nghệ cao trong việc lai tạo giống, thụ tinh nhân tạo với những trang thiết bị hiện đại hàng đầu Việt Nam…
 
Đại diện Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình, ông Nguyễn Phúc Thông cho biết, công ty đi vào hoạt động từ năm 2019 và hiện luôn duy trì tổng đàn từ 17.000-18.000 con lợn, trong đó có hơn 2.000 lợn nái. Tổng doanh thu 11 tháng năm 2022 của công ty đạt hơn 150 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 80 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng…
 
“Hiện tại, công ty đang quản lý trang trại theo phần mềm được thiết kế sẵn. Hàng ngày, các báo cáo về quản lý sản xuất, năng suất, con lợn giống đều được thu thập để nắm tình hình. Đặc biệt, công ty đã đầu tư hệ thống xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi hiện đại số 1 tại Việt Nam, xét nghiệm chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ sẽ có kết quả. Trong tương lai, công ty sẽ thực hiện quản lý các cá thể lợn bằng mã vạch, có gắn chíp để thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến hiện đại…”, đại diện Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình Nguyễn Phúc Thông cho hay.
 
… Và hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
 
Năm 2025, ngành Nông nghiệp Quảng Bình phấn đấu có từ 4.000-5.000ha lúa sử dụng thiết bị bay không người lái trong chăm sóc, phòng trừ dịch hại; 300-500ha cây trồng cạn, cây dược liệu, cây ăn quả, hồ tiêu áp dụng các biện pháp tưới thông minh kết nối internet vạn vật; 2 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn ứng dụng hệ thống giám sát điện tử, có truy xuất nguồn gốc; 100% các sản phẩm OCOP thực hiện truy xuất nguồn gốc…
Nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên thực hiện CĐS theo “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nhiều năm qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nông dân trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, kinh doanh; phân tích dữ liệu về đất đai, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy xuất nguồn gốc, nhu cầu thị trường… Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất…
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Đình Hiệp chia sẻ: CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu trong thời đại “cách mạng công nghiệp 4.0”. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu của nông nghiệp truyền thống là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết. Thực tiễn tại Quảng Bình cho thấy, mặc dù chưa hiện diện rõ ràng nhưng CĐS trong nông nghiệp đã bắt đầu “lộ diện” ở một số mô hình sản xuất nông nghiệp, nhất là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã manh nha sử dụng các tiện ích của công nghệ số…
 
Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 110 cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao, như: Đối với lĩnh vực trồng trọt đã áp dụng công nghệ trồng trong nhà màng, nhà lưới, trồng cây trên giá thể, tưới tiết kiệm nước của Israel, canh tác hữu cơ, thủy canh; lĩnh vực chăn nuôi với hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín, điều hòa nhiệt độ, tự động hóa trong cung cấp thức ăn, nước uống; lĩnh vực thủy sản áp dụng nuôi tôm trong nhà kính, công nghệ sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi và xử lý nước thải sau sản xuất; tự động hóa nguồn cung cấp điện, thức ăn… 
Chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao ở Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình.
Chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao ở Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình.
Có thể nhận thấy, thách thức lớn nhất đối với CĐS trong nông nghiệp ở Quảng Bình, đó là: Thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của người dân; hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nông nghiệp cũng như yêu cầu ứng dụng các công nghệ mới; nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản để sử dụng, vận hành thiết bị hiện đại còn thiếu; năng lực ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp, người nông dân còn hạn chế…
 
“Tập trung thực hiện CĐS ngành Nông nghiệp đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số thông qua nền tảng dữ liệu số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình, cung cấp thông tin liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết vùng, khu vực đối với chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; tham gia bảo đảm an toàn thông tin…đó là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp Quảng Bình hướng đến…”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Hiệp cho biết thêm.
Ngọc Hải

 

tin liên quan

Vườn hoa Hưng Loan hút khách đầu năm mới

(QBĐT) - Những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, vườn hoa Hưng Loan ở xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) thu hút hàng trăm khách đến tham quan, chụp ảnh mỗi ngày.

OCOP gắn kết du lịch - Nâng tầm sản phẩm

(QBĐT) - Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai thời gian qua đã thổi "làn gió mới", góp phần phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của mỗi địa phương. Phát huy lợi thế về du lịch, các chủ thể kinh tế đã và đang hướng đến đầu tư phát triển OCOP gắn kết với khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, đưa OCOP thành sản phẩm quà tặng du lịch… để quảng bá, nâng tầm sản phẩm.

Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

(QBĐT) - Ngày 19/1, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 3/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.