Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở huyện Quảng Trạch:
20 năm sát cánh cùng người nghèo
(QBĐT) - Với mục tiêu giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có được nguồn vốn để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong 20 năm hoạt động, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Trạch đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp cho người nghèo trên địa bàn có thêm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội...
PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch được thành lập từ năm 2003. Ngày đầu mới thành lập, PGD chỉ có một số ít cán bộ được chuyển sang từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, sau gần 20 năm hoạt động, PGD NHCSXH huyện đã có 13 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, 287 tổ tiết kiệm và vay vốn với ban quản lý gồm 574 người, 100 trưởng thôn, hơn 345 cán bộ hội các cấp làm công tác ủy thác cho vay và 17 ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã.
Ngày đầu mới thành lập, PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch chỉ thực hiện 2 chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo và giải quyết việc làm. Đến nay, PGD NHCSXH huyện hiện có 14 chương trình tín dụng ưu đãi được Chính phủ giao triển khai thực hiện. Tính đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch đạt 556.987 triệu đồng, tăng 516.911 triệu đồng (gấp 1.390 lần) so với thời điểm mới đi vào hoạt động.
Với 14 chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai, chính sách tín dụng ưu đãi đã cơ bản lan tỏa đến hầu hết đối tượng chính sách theo tinh thần của Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 với tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2022 đạt 548.456 triệu đồng, tăng 508.380 triệu đồng, gấp 1.369 lần so với dư nợ khi thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 25,4% với 11.648 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn một cách thuận lợi, kịp thời. Nhờ đó đã giúp cho 48.641 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại 14 chương trình tín dụng; giúp trên 9.413 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho gần 2.610 lao động, hỗ trợ 3.076 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới và cải tạo 22.558 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.199 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Những con số trên đã minh chứng phần nào vai trò quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Song song với việc tăng trưởng dư nợ, PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch luôn chú trọng đến nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện tốt công tác thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn, nợ xấu, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn giảm mạnh đến nay còn 0,15%, nguồn vốn tín dụng của Chính phủ được bảo toàn và phát triển.
Tín dụng CSXH chủ yếu cho người nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, hải đảo, giao thông đi lại khó khăn. Để giúp người nghèo tiếp cận vốn chính sách, giảm chi phí đi lại, UBND huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo thành lập 17 điểm giao dịch của NHCSXH tại 17 xã trên địa bàn huyện. Các điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng (kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật…)
Tại các điểm giao dịch xã, mọi thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước được niêm yết công khai. Việc giải ngân và thu nợ, thu lãi của hộ vay tại điểm giao dịch xã có sự giám sát của hội, đoàn thể, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cùng chính quyền địa phương. Nhờ đó đã hạn chế việc xâm tiêu, chiếm dụng vốn, tạo niềm tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động NHCSXH.
Hiện Quảng Trạch có 17 xã, trong đó có nhiều xã miền núi và ven biển, đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Do đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong thời gian tới, PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch cần bám sát mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế của địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các chính sách tín dụng ưu đãi; ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo còn cao, nhất là các xã miền núi.
Cùng với đó, PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã; thường xuyên củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn. Qua đó, lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư nghiệp để đầu tư nguồn vốn đạt hiệu quả. PGD NHCSXH huyện cần chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, bình xét hộ vay bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng...
Song song với công tác chuyên môn, các hoạt động an sinh xã hội cũng được PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch chú trọng. Đồng hành cùng chương trình “Cặp lá yêu thương”, đơn vị đã mở tài khoản, nhận và chuyển tiền chi hộ tới 19 trường hợp trên địa bàn huyện và hỗ trợ em Bùi Thị Diệu Linh, là học sinh mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Tú Loan 2, xã Quảng Hưng với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng (mỗi năm 6 triệu đồng) và nhận “mẹ đỡ đầu” cho 1 em ở xã Cảnh Dương với số tiền hỗ trợ trong vòng 3 năm cho em tiếp tục đi học. Ngoài ra, cán bộ nhân viên PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch cũng tích cực hưởng ứng các cuộc vận động ủng hộ thiên tai bão lụt, trao quà “Tết vì người nghèo”, đóng góp quỹ “Ngày vì người nghèo”, công tác phòng, chống dịch Covid-19… |
Nguyễn Thị Ngọc Thủy
Phó Chủ tịch UBND huyện
Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Quảng Trạch
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.