Cam go ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

  • 13:33 | Thứ Tư, 25/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Lệ Thủy đã chú trọng ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC trong sản xuất chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương...
 
Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao
 
Trang trại chăn nuôi của ông Tạ Công Ngọc, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) có quy mô rộng 9ha, được đầu tư xây dựng từ năm 2004. Qua 18 năm đầu tư phát triển sản xuất theo quy trình, cách làm truyền thống, mới đây, ông Ngọc đã mạnh dạn chi hơn 1 tỷ đồng để đầu tư ứng dụng CNC vào chăn nuôi, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
 
Theo chia sẻ của ông Ngọc, trước đây, trang trại của ông chỉ chăn nuôi lợn với quy mô từ 200-300 con lợn thịt. Tuy nhiên, do giá lợn bấp bênh, ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến trang trại của ông thua lỗ. Năm 2005, ông Ngọc chuyển sang đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi gà, vịt, ngan. Đến nay, trang trại của ông đã có hơn 30.000 con, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.
 
“Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro, nhất là vấn đề dịch bệnh, năm 2022, tôi bắt đầu tiến hành cải tạo, nâng cấp các chuồng trại cũ, đầu tư xây dựng lại chuồng trại khép kín, có làm giàn mát, hệ thống thức ăn và nước uống tự động cho vật nuôi.”, ông Ngọc cho biết. 
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của hộ gia đình ông Nguyễn Thành Tân, xã Hưng Thủy.
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của hộ gia đình ông Nguyễn Thành Tân, xã Hưng Thủy.
Hiện nay, trang trại chăn nuôi của ông Ngọc đã có hai chuồng nuôi gà được đầu tư cải tạo theo hướng ứng dụng CNC. Mỗi chuồng có diện tích hơn 500m2 với chi phí đầu tư khoảng từ 300-350 triệu đồng. Theo ông Ngọc tính toán, nếu đầu tư mới từ ban đầu, một chuồng trại chăn nuôi ứng dụng CNC với diện tích khoảng hơn 500m2 phải mất gần 1,5 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn mà người chăn nuôi phải tính toán hợp lý trong giai đoạn dịch bệnh tiềm ẩn, giá thành và đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, khó khăn.
 
“Hiện tôi đang tiếp tục đầu tư, cải tạo thêm 2 chuồng nuôi vịt ứng dụng CNC có diện tích hơn 1.200m2 với kinh phí khoảng gần 700 triệu đồng. Thực tế triển khai cho thấy hiệu quả khi ứng dụng CNC trong chăn nuôi là giảm được nhiều vấn đề, trong đó có thời gian sinh trưởng của vật nuôi, chi phí nhân công, tránh lãng phí thức ăn rơi vãi, đặc biệt là giảm được dịch bệnh. Do vậy, sản phẩm của trang trại làm ra được các thị trường ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, ThừaThiên-Huế đón nhận…", ông Ngọc cho hay.
 
Mô hình trồng dưa lưới, mướp đắng, dưa chuột trong nhà lưới của ông Nguyễn Thành Tân, xã Hưng Thủy mới được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng. Quy mô nhà lưới có diện tích 800m2 với kinh phí đầu tư xây dựng 710 triệu đồng, trong đó có 340 triệu tiền hỗ trợ mô hình từ nhà nước còn lại gia đình ông Tân tự bỏ kinh phí.
 
Ông Tân cho biết rằng, ông triển khai làm nhà lưới từ năm 2021. Đến nay, nhà lưới của ông đã cho thu hoạch 2 vụ dưa lưới, 1 vụ mướp đắng và dưa chuột. Mỗi vụ dưa lưới cho gia đình ông thu nhập khoảng 50 triệu đồng, dưa chuột và mướp đắng cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
 
“Trước đây, tôi trồng rau màu theo lối truyền thống nên rất bấp bênh, sâu bệnh lại nhiều nên hiệu quả, giá trị kinh tế cây trồng không cao. Từ khi ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, vấn đề được nhất là sản phẩm nông nghiệp mình làm trái mùa, nên giá thành cao, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Thêm nữa, chất lượng sản phẩm sạch, không sâu bệnh nên được người tiêu dùng đón nhận…”, ông Tân cho biết.
 
Làm gì để tạo đột phá?
 
Huyện Lệ Thủy đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cánh đồng lớn trồng cây lúa đạt trên 4.000ha, canh tác SRI 3.000ha; rau màu tập trung trên 1.100ha; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt trên 300ha; xây dựng 3-5 trang trại nông nghiệp ứng dụng CNC. Toàn huyện, có từ 70-100ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ tưới Isarel, nhà màng, nhà lưới; có 3-5 doanh nghiệp, HTX được công nhận ứng dụng CNC theo tiêu chí quy định…
Năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Lệ Thủy đạt hơn 1.753 tỷ đồng; lâm nghiệp đạt 157,1 tỷ đồng; thủy sản đạt 331,9 tỷ đồng; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 21.600 tấn; tổng sản lượng lương thực đạt hơn 98.000 tấn...
 
Tại địa phương, nhiều trang trại, gia trại, nông hộ bước đầu đã có ứng dụng CNC, công nghệ hữu cơ trong sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 53ha cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước Israel và 15ha rau quả áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất trong nhà màng. Ngoài ra, CNC còn được ứng dụng vào công tác giống, phân bón, phòng trừ dịch hại tổng hợp và các máy móc, thiết bị sử dụng trong sản xuất.
 
Tuy nhiên, sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, ứng dụng CNC vẫn chưa mạnh, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của từng vùng, chưa hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng chất lượng cao quy mô lớn. Ứng dụng CNC mới chỉ dừng lại quy mô nhỏ lẻ, đầu tư chưa đồng bộ…
 
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vương, địa phương là vùng đất có khí hậu phức tạp, thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều. Hơn nữa hiện nay, giá thành các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bấp bênh, thị trường tiêu thụ rất khó khăn…
 
Cũng theo ông Vương việc ứng dụng CNC trong sản xuất ở địa phương có quy mô nhỏ lẻ. Đến nay, toàn huyện Lệ Thủy có 121 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT, ngày 28/2/2020 của Bộ NN-PTNT, tuy nhiên, mới chỉ có 10 trang trại có ứng dụng CNC.
 
“Ứng dụng CNC trong sản xuất ở địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh người dân vẫn còn thói quen sản xuất, chăn nuôi theo tập quán truyền thống. Hơn nữa, vấn đề này cần nguồn lực đầu tư, hỗ trợ lớn. Hàng năm, huyện chỉ có hơn 200 triệu đồng dành cho việc ứng dụng CNC trong sản xuất nhưng chỉ tập trung nguồn lực hỗ trợ cho sản xuất trồng trọt, còn lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản vẫn rất khó khăn, do kinh phí đầu tư quá lớn. Để giải quyết những khó khăn này, địa phương chủ yếu vận động, tuyên truyền, khuyến khích người dân tự bỏ kinh phí thực hiện ứng dụng CNC trong sản xuất…”, ông Vương cho hay. 
 
Theo các chủ trang trại chăn nuôi và trồng trọt mà chúng tôi tiếp xúc, vấn đề khó khăn lớn nhất mà họ đang gặp phải đó là thiếu vốn và việc tiếp cận được nguồn vốn vay gặp khó khăn nên phần nào hạn chế đến việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ vào sản xuất. Bởi vậy, người dân rất cần nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước và các ngành chức năng tạo điều kiện hơn nữa về nguồn vốn tín dụng để khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng CNC…
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Xử phạt 7 đơn vị vi phạm lĩnh vực môi trường và khoáng sản

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, qua thanh tra, kiểm tra (TT, KT) đã kịp thời phát hiện 7 tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh có vi phạm trong lĩnh vực môi trường và khoáng sản.

Để nông thôn mới... vẫn là nông thôn!

(QBĐT) - Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa với việc tiếp sức, nhân rộng mô hình hàng rào xanh, góp phần hạn chế bê tông hóa, giữ gìn cảnh quan các làng quê là hướng đi đúng, để NTM... vẫn là nông thôn.
 

Lệ Thủy: Hoàn thành nhận bàn giao mốc lộ giới đường cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Ngày 23/5, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông Vận tải) đã hoàn thành 100% việc bàn giao mốc lộ giới cho Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Lệ Thủy và các xã liên quan có dự án đường cao tốc Bắc-Nam đi qua.