Măng khô Mã Liềng
(QBĐT) - Từ một món ăn dân dã trong bữa cơm hàng ngày của người dân miền núi, măng khô Mã Liềng nay đã có mặt trong các nhà hàng, siêu thị. Sản phẩm là sự kết tinh từ bàn tay khéo léo và nghị lực vươn lên của đồng bào Mã Liềng ở xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Già làng Cao Ngụ ở bàn Kè đại ý rằng, một người Mã Liềng khi vừa sinh ra đã nếm đủ từng vị ngọt, đắng của cây măng rừng bởi nó thường trực trong từng bữa ăn của người dân nơi đây. Cái tinh chất của măng đã thấm sâu trong huyết quản và cả ở sữa mẹ. Phụ nữ Mã Liềng hầu như ngày nào cũng vào rừng hái măng về để chế biến thức ăn, không chỉ vì đây là thứ lộc trời luôn sẵn có mà còn bởi hương vị đặc biệt không loại rau củ nào có được.
Măng rừng cũng dễ dàng kết hợp với các loại thực phẩm khác làm cho bữa ăn càng thêm phong phú. Mâm lễ cúng tổ tiên, ông bà hay thần rừng, thần suối của người Mã Liềng đều có ít nhất một món ăn làm từ măng. Vì lẽ đó, măng khô Mã Liềng không đơn thuần là một sản phẩm thương mại thuần túy mà nó còn chứa đựng cả nét văn hóa truyền thống, khát vọng vươn lên của đồng bào Mã Liềng trong tiến trình phát triển.
Đến bản Kè vào một ngày hè rực nắng, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc rộn ràng, vui vẻ của các thành viên Tổ hợp tác lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng, dù tiết trời khá oi bức. Trong căn nhà gỗ cấp 4 làm nơi sản xuất măng khô, vài người phụ nữ Mã Liềng tay thoăn thắt chẻ những búp măng có màu trắng vàng, bóng bẩy ra làm hai, làm ba rồi ngâm vào một bể nước lớn. Đằng kia rổn rảng tiếng cười nói của mấy chị làm công việc luộc măng, ép măng…
Cạnh đó là nhà sấy măng bằng năng lượng mặt trời với 4 chiếc quạt gió chạy ù ù phả ra những luồng hơi nóng. Từng khay măng đã luộc chín, sau khi ép hết nước và phơi qua ở giàn phơi ngoài trời được 2 thanh niên đưa vào nhà sấy để tiếp tục rút hết độ ẩm, làm cho măng khô giòn và có độ bóng sáng. Mùi thơm của măng cứ phảng phất như níu giữ chân người.
Chị Cao Thị Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng giới thiệu: Nhà sấy măng do Dự án quản trị đất đai khu vực sông Mê Công (MRLG) hỗ trợ, kết hợp chạy điện lưới và năng lượng mặt trời nên chi phí vận hành thấp. Thường thì măng được sấy vào ban ngày bằng năng lượng mặt trời, chỉ khi nào phải làm đêm mới dùng điện lưới. Việc thành lập Tổ hợp tác lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng cũng là một phần trong hoạt động của dự án MRLG thời gian qua, trong đó, Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) là đơn vị trực tiếp triển khai. Mục đích là phát triển chuỗi giá trị sản phẩm rừng cộng đồng, hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống, sinh kế cho tộc người Mã Liềng.
Xã Lâm Hóa có hàng trăm ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ, trong đó có 75ha được cấp cho cộng đồng người Mã Liềng ở các bản Kè, Cáo và Chuối. Bên cạnh công tác quản lý và phát triển rừng thì người dân được phép khai thác nguồn lâm sản phụ ngoài gỗ theo quy định của pháp luật. Rừng ở Lâm Hóa có nhiều loài tre, nứa, giang, pheo… là nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến măng khô. Tuy nhiên, loại măng mà người dân thích ăn nhất vẫn là măng nứa vì nó có độ mềm, giòn và thơm ngon. Đó cũng là nguyên liệu chính để sản xuất măng khô Mã Liềng.
Chị Cao Thị Vân cho biết, cơ cấu tổ chức của Tổ hợp tác lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng gồm Ban điều hành, sản xuất. Có 5 thành viên nòng cốt tại bản Kè chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động quản lý, sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm; 3 tổ khai thác nguyên liệu, mỗi tổ từ 7-10 người ở các bản Kè, Cáo, Chuối. Thành viên các tổ khai thác chủ yếu là phụ nữ, tham gia khai thác măng tươi từ các rừng cộng đồng theo đơn đặt hàng của Ban điều hành, sản xuất.
Theo quy chế, măng được khai thác là những búp măng còn non, có độ mập, quá trình khai thác phải bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững của khu rừng, không khai thác triệt để làm suy giảm nguồn nguyên liệu và ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng.
Sau khi thu mua măng tươi, tổ sản xuất sẽ phân loại, chọn lọc những búp măng đủ tiêu chuẩn để sơ chế và đưa vào nhà sấy. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhuần nhuyễn trong từng thao tác, bảo đảm kỹ thuật, thời gian ở từng khâu để mẻ măng ra lò có màu vàng đều, giòn thơm, đạt chất lượng.
Theo ông Cao Phương Hướng, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa, việc thành lập và vận hành Tổ hợp tác lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng cũng như quá trình xây dựng, phát triển mô hình sản xuất măng khô Mã Liềng đã tạo cơ hội cho bà con tiếp cận và đổi mới tư duy sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Nếu như trước đây đồng bảo Mã Liềng ở các bản chỉ biết lấy măng về để ăn và bán cho người dân địa phương với giá cả bấp bênh thì hiện nay đã có tổ hợp tác thu mua với sản lượng và giá cả ổn định.
Vào vụ thu mua của tổ hợp tác, bình quân mỗi ngày, một thành viên trong nhóm khai thác cũng có thu nhập từ 250-300 nghìn đồng từ công hái măng. Hiện nay, một số chương trình, dự án đang hỗ trợ đồng bào ở các bản trồng và chăm sóc cây dược liệu dưới tán rừng, hy vọng thời gian tới không chỉ có măng khô mà một số sản phẩm khác sẽ được tổ hợp tác đưa vào khai thác, chế biến.
Măng khô Mã Liềng được sản xuất theo quy trình lồng ghép giữa tri thức bản địa và công nghệ phơi sấy hiện đại. Bên cạnh đó, các sản phẩm khai thác từ rừng tự nhiên về được chọn lọc kỹ để đưa vào chế biến nên măng có màu vàng sáng, thịt dày, đường vân đẹp, khi sờ vào măng rất khô, không có cảm giác ẩm tay. Măng có mùi thơm đặc trưng dễ chịu và độ dai vừa phải, có thể dùng để chế biến các món ăn như xào, nấu canh, nấu miến… Ngoài ra, măng khô Mã Liềng còn được dùng làm quà biếu, một món quà mang đậm nét văn hóa và hương vị của miền núi.
Ông Châu Văn Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao cho biết: Mô hình Tổ hợp tác lâm nghiệp cộng đồng Mã Liềng là kết quả của quá trình nghiên cứu, tư vấn xây dựng chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ cho cộng đồng người Mã Liềng tại xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa do CEGORN thực hiện. Thông qua mô hình này, các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực cho người Mã Liềng được quan tâm, giúp họ tự tin tham gia vào quá trình vận hành và chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu, xây dựng các quy trình ứng dụng lồng ghép tri thức bản địa trong quản lý, khai thác, sản xuất và chế biến măng khô Mã Liềng; hướng dẫn cho người dân nhận biết về thương hiệu và bảo vệ thương hiệu, quảng bá thương hiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP...
Qua tính toán, phân tích kinh doanh cho thấy, lợi ích từ chuỗi giá trị sản phẩm măng khô Mã Liềng chưa lớn nhưng đã tạo ra việc làm và thu nhập cho nhiều người. Việc xây dựng mô hình chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng khô Mã Liềng không chỉ mang lại giá trị gia tăng mà còn là giải pháp nâng cao trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong quản lý và phát triển rừng bền vững.
Sản phẩm măng khô Mã Liềng hiện nay đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và được liên kết phân phối bởi Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình. Măng được đóng trong hai loại bao chứa: Loại 150gam và loại 380gam. Thương hiệu "Măng khô Mã Liềng" đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận và UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào tháng 4/2021.
|
Văn Tư
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.