Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ:

Đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng về vốn vay

  • 06:19 | Thứ Tư, 27/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 11). Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Ngân hàng đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng về vốn vay.
 
Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được Quốc hội, Chính phủ, UBND tỉnh và NHNN Việt Nam giao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023, NHNN Chi nhánh Quảng Bình đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng, trong đó đẩy mạnh hỗ trợ về vốn vay.
 
Cụ thể, NHNN Chi nhánh Quảng Bình yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Kế hoạch số 772/KH-QUB về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của NHNN Chi nhánh Quảng Bình trong điều kiện mới gắn với phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng.
 
Trong đó, các tổ chức tín dụng cần tập trung phân loại các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng nhằm bảo đảm việc hỗ trợ phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch. Ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu… theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng về vốn vay theo chỉ đạo của NHNN Chi nhánh Quảng Bình.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng về vốn vay theo chỉ đạo của NHNN Chi nhánh Quảng Bình.
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao năng lực tài chính, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN về cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, chia cổ tức, tăng cường trích lập rủi ro để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong các năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, nâng cao khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực, khó lường của dịch Covid-19.
 
Cũng theo ông Đinh Quang Hiếu, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đồng hành, hỗ trợ về vốn vay đối với doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì thế, hơn bao giờ hết, cần triển khai các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán phù hợp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, thực hiện nghiêm và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lãi suất, phí cho vay; chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp.
 
Theo tinh thần của Nghị quyết số 11, để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, các ngân hàng chính sách xã hội sẽ thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, xây dựng mới, cải tạo nhà ở với tổng nguồn vốn vay là 15 nghìn tỷ đồng.
 
Ngoài ra, các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% được giảm 2% thuế suất đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, bảo hiểm, kim loại, sản phẩm khai khoáng, sản phẩm hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…
 
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, hạn chế tối đa tổn thất cho đơn vị, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và quyền lợi người gửi tiền. Mặt khác, các ngân hàng cũng tiếp tục áp dụng toàn diện các giải pháp nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.
 
“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu, đặc biệt đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… Qua đó, bảo đảm khả năng thanh khoản và tuân thủ các quy định về giới hạn, tỷ lệ, an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật”, ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng NHNN, Chi nhánh Quảng Bình cho biết.
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu

(QBĐT) - Ngày 25/4, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 680/UBND-KT về việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu. 

100% đơn vị hành chính sự nghiệp và tổ chức khác đăng kí thành công hoá đơn điện tử

(QBĐT) - Ngày 26/4, thông tin từ Chi cục Thuế khu vực Quảng Trạch-Ba Đồn cho biết, đến thời điểm hiện tại, 100% các đơn vị hành chính sự nghiệp và tổ chức khác trên địa bàn thị xã đăng kí thành công hoá đơn điện tử.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý hợp tác xã

(QBĐT) - Ngày 25/4, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý cho 45 cán bộ thuộc Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc các HTX trên địa bàn TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch.