.

Ông Lê "chuyển đổi"

.
08:41, Thứ Hai, 12/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Về thôn Bình An, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, hỏi đến cựu chiến binh (CCB) Trương Minh Lê, hầu như ai cũng biết và đều nhắc đến biệt danh “ông Lê chuyển đổi” hoặc "ông Lê chủ nhiệm", "ông Lê giám đốc"...

Sau hơn 8 năm trong quân ngũ, trở về với đời thường, CCB Trương Minh Lê đóng góp tích cực xây dựng quê hương. Với phẩm chất của người lính, đầu năm 2000, ông được tính nhiệm bầu làm Chủ nhiệm (nay là Giám đốc) Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Minh Trung thuộc xã Gia Ninh. HTX có 22 thành viên và trên 900 hộ được hỗ trợ sản xuất thuộc 4 thôn Bắc Ngũ, Trường An, Bình An và Đắc Thắng.

Các thành viên và người lao động HTX làm ruộng 3 ở vùng: Gia Cát, Ông Đồng và Ông Đồng mở rộng với diện tích 353 ha. Tại vùng Ông Đồng mở rộng, do ven phá Hạc Hải, nước ngập ruộng quanh năm nên từ bao đời, người dân nơi đây chỉ cấy lúa.

Nước phá Hạc Hải lên xuống thất thường khiến năng suất của 176 ha lúa ở khu vực này cũng rất bấp bênh. Năm nào được mùa nhất, năng suất cũng chỉ đạt 36 tạ/ha, năm mất mùa chưa đến 20 tạ/ha. Trước thực trạng đó, ông Lê trằn trọc suy nghĩ, bằng mọi giá phải chuyển đổi 176 ha từ ruộng cấy sang ruộng gieo.

Năm 2012, Ban quản trị HTX mở cuộc họp, mạnh dạn nêu phương án chuyển đổi từ ruộng cấy sang ruộng gieo để cho năng suất, sản lượng cao. Tại cuộc họp, do tư tưởng bảo thủ, trì trệ nên nhiều bà con không đồng tình, phản đối phương án chuyển đổi. Sau nhiều thảo luận, cuối cùng, các thành viên HTX cũng đã thỏa thuận.

Ông và các thành viên trong Ban quản trị huy động máy móc và sức dân đào đắp đê bao có chân đê rộng 6m, mặt đê rộng 5m, dài gần 3.000 m khoanh vùng toàn bộ diện tích ruộng cấy (đầu năm 2018, tuyến đê bao đã được cứng hóa, mọi phương tiện đi lại thuận lợi). Phía trong đê là hệ thống ao, mương chứa nước với diện tích mặt nước 60 ha, tạo nên mô hình cá- lúa.

Ông Trương Minh Lê nhớ lại: “Việc đắp tuyến đê bao chuyển đổi từ ruộng cấy sang ruộng gieo là một cuộc "cách mạng" về chuyển đổi ở HTX. Tôi nhớ mãi Tết năm 2016, sau khi gieo xong, một đợt mưa to kéo dài nhiều ngày, ruộng lúa mới gieo đều bị ngập nước.

CCB Trương Minh Lê (phải) đang trao đổi về các hoạt động nhân đạo, từ thiện với ông Hồ Hải Ngoại, Chủ tịch Hội CCB xã Gia Ninh.
CCB Trương Minh Lê (phải) đang trao đổi về các hoạt động nhân đạo, từ thiện với ông Hồ Hải Ngoại, Chủ tịch Hội CCB xã Gia Ninh.

Lúc đầu, HTX huy động 2 máy bơm để bơm nước từ trong ruộng ra ngoài đê để tháo úng, trời vẫn đổ mưa, HTX huy động tiếp 2 máy nữa. Cả 4 máy đều bơm liên tục đến ngày 27 Tết, nước vẫn còn ngập, nhiều người bất lực bỏ về nhà để chuẩn bị đón Tết, riêng tôi vẫn bám trụ tại đồng để động viên công nhân vận hành máy bơm, mãi đến chiều tối 29 Tết mới hoàn toàn tháo được úng trong toàn bộ diện tich ruộng.

Lúc đó, tôi mới an tâm về nhà đón Tết”. Sau chuyển đổi thành công ở vùng Ông Đồng mở rộng, HTX tiếp tục chuyển đổi 15 ha ruộng cấy ở Biền Bắc Ngũ thuộc vùng Gia cát và 27 ha ở vùng Nhà thờ Ông Đồng sang ruộng gieo và lúa cũng luôn cho năng suất cao.

Từ khi làm chủ nhiệm rồi sau đó chuyển qua giám đốc HTX(theo luật mới), cho đến bây giờ, ông Lê tâm đắc nhất ba điều: điều thứ nhất là chuyển đổi thành công diện tích ruộng từ cấy sang gieo, nếu so sánh giữa ruộng cấy và ruộng gieo, việc chuyển đổi đã làm lợi cho người lao động mỗi hécta gần 9 triệu đồng; điều thứ hai là sau khi chuyển đổi, ông đã tìm hiểu, đưa vào gieo giống lúa mới BTR1 ở toàn bộ 353 ha diện tích lúa của HTX, giống lúa này luôn cho năng suất cao, ổn định.

Với giống lúa BTR1, thời gian sinh trưởng 120 ngày, năng suất thu hoạch ở vùng đất này luôn đạt đến 80 tạ/ha. Điều tâm đắc thứ ba của “ông Lê chuyển đổi” là HTX đã đưa cơ giới vào sản xuất, thu hoạch. Vào các vụ mùa, HTX chuyên sử dụng 6 máy cày, 4 máy gặt đập liên hợp và 8 xe công nông vận chuyển. Từ khi làm đất, xuống gieo đến lúc thu hoạch, gặt tuốt lúa, chuyển thóc từ ngoài ruộng về tận nhà, hộ dân đều sử dụng máy móc cơ giới và do HTX đảm nhận.

HTX Minh Trung thực sự là “bà đỡ” cho người nông dân. Đã nhiều năm HTX luôn hỗ trợ, dịch vụ các khâu từ chuyển giao kỹ thuật, làm đất, cung ứng giống lúa, phân bón, nước tưới tiêu, bảo vệ thực vật, nuôi cá- lúa, bảo vệ đồng, xây dựng, thu hoạch đến vận chuyển thóc về tận nhà.

Nhờ đó, xã viên làm ruộng luôn lợi về công lao động, đỡ vất vả, tạo việc làm cho nhiều lao động, năng suất lúa thường xuyên đạt cao gấp nhiều lần so với trước đây, nên mọi người ai cũng phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào HTX. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình giàu trong HTX đạt trên 50%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,5%; nguồn vốn của HTX trên 7 tỷ đồng, trong đó, vốn hoạt động bằng tiền mặt 1,1 tỷ đồng.

Ông Hồ Hải Ngoại, Chủ tịch Hội CCB xã Gia Ninh cho biết: “Làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, CCB Trương Minh Lê luôn tâm huyết xây dựng HTX, đặt lợi ích của người lao động lên trên hết, hỗ trợ các hộ gia đinh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.

Mặt khác, hàng năm, ông cùng HTX luôn chăm lo đến công tác xã hội, làm những việc thiện, giúp đỡ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở trong xã. Từ năm 2012 đến nay, ông thay mặt HTX tặng 80 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 16 triệu đồng, ngoài ra, hỗ trợ các cuộc thi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở xã với tổng số tiền trên 30 triệu đồng".

Thái Toản

 

,