.

Bố Trạch: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm

.
08:03, Thứ Sáu, 09/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu, thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án, huyện Bố Trạch đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư, giúp người nông dân trên địa bàn nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, xây dựng thương hiệu sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị.

Những tín hiệu vui

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: "Toàn huyện hiện có 27/30 xã, thị trấn đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng (xã Tân Trạch và Thượng Trạch đã có đề án riêng và xã Hải Trạch không xây dựng đề án).

Ổi Hòa Trạch sẽ được liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở chế biến để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.
Ổi Hòa Trạch sẽ được liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở chế biến để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.

Qua 2 năm triển khai thực hiện chuyển đổi, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự nỗ lực vượt khó của người nông dân, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định".

Ở nhóm cây trồng chủ lực, sản xuất lúa đã có sự chuyển dịch mạnh sang giống chất lượng cao có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày (cơ cấu giống lúa chất lượng cao đã chiếm 71%, lúa năng suất chiếm 29%).

Nhờ đó, vụ đông-xuân năm 2017-2018 tiếp tục được mùa toàn diện; diện tích đạt 5.398,9 ha, năng suất đạt 57 tạ/ha (tăng 2,7% so với vụ đông-xuân năm 2014-2015), sản lượng đạt 30.773,7 tấn (tăng 1,62% so với vụ đông-xuân năm 2014-2015); đạt mục tiêu sản lượng lương thực 45.000 tấn mà huyện đã đề ra.

Bên cạnh đó, với việc đưa nhanh các giống ngô mới năng suất cao vào sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác theo hướng thâm canh, tỷ lệ sử dụng giống ngô lai đạt 95% diện tích sản xuất trên toàn huyện; nhiều giống ngô mới có năng suất cao đã được đưa vào sử dụng, như: NK4300, NK6410, NK6326...

Vụ đông-xuân năm 2017-2018, diện tích sản xuất ngô toàn huyện đạt 921 ha, năng suất đạt 63 tạ/ha, tăng 7,5%; sản lượng trên 5.800 tấn, tăng 4,4% so với vụ đông-xuân năm 2014- 2015.

Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn huyện đã liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi để sản sản xuất ngô làm thức ăn gia súc mang lại hiệu quả cao, như: Nam Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch. Đặc biệt, xã Nam Trạch liên kết với Công ty Lê Dũng Linh (Quảng Trạch) trồng và bao tiêu trên 100 ha ngô lấy thân mang lại hiệu quả gấp 3 lần so với trồng sắn.

Về nhóm cây tiềm năng, từ năm 2015 đến nay, diện tích trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện có xu hướng tăng, đặc biệt ở các địa phương, như: Nông trường Việt Trung, Phú Định, Nam Trạch, Hưng Trạch... Diện tích hồ tiêu toàn huyện hiện đạt 643,7ha (tăng 270,2 ha so với năm 2015), sản lượng đạt 302,2 tấn.

Bố Trạch cũng đã xuất hiện nhiều hộ trồng tiêu với quy mô từ 0,5 ha trở lên. Một số hộ đã đi đầu trong việc áp dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt theo công nghệ Israel vào sản xuất. Bước đầu, trên địa bàn huyện đã thành lập được tổ hợp tác trồng tiêu tại thị trấn Nông trường Việt Trung và xây dựng được nhãn hiệu tiêu Phú Quý.

Diện tích, sản lượng rau, củ trên địa bàn cũng có có sự tăng trưởng đáng kể. Toàn huyện có 2.096,3 ha trồng rau các loại, tăng 474,8 ha so với năm 2015; có 3 cơ sở sản xuất rau sản xuất theo quy trình VietGAP, đáp ứng phục vụ nhu cầu cấp thiết về rau sạch, rau an toàn, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.

Về cây ăn quả, Bố Trạch đã có 1.046ha, tăng 200 ha so với năm 2015. Nhiều chủng loại cây ăn quả cũng đã đưa vào sản xuất, như: bơ, dứa, ổi, cây trồng có múi, thanh long ruột đỏ, mít Thái Lan... Một số cây trồng nhiều là chuối, cây có múi, ổi. Bước đầu trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung có thương hiệu, như: ổi Hòa Trạch, Hưng Trạch; chuối Hưng Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch...

Đối với loại cây dược liệu, trước đây, quy mô trồng cây dược liệu còn nhỏ lẻ, chủ yếu là các cây dược liệu ngắn ngày có giá trị kinh tế thấp. Đến nay, diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện đã được mở rộng với nhiều chủng loại cây có giá trị kinh tế cao.

Toàn huyện hiện có 38,4 ha cây dược liệu, tăng 34,4 ha so với năm 2015; có 28 ha thuộc danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020 (gồm cà gai leo, chè hòe, đinh lăng, kim tiền thảo, ba kích).

Phần lớn diện tích trồng cây dược liệu đều có liên kết và hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Thu nhập của các hộ tham gia trồng cây dược liệu đạt trung bình trên 70 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn huyện cũng đã có 1 hợp tác xã sản xuất và cung ứng cây giống dược liệu với quy mô 2 ha (HTX sản xuất tổng hợp Phúc Đồng, Phúc Trạch), 2 cơ sở chế biến dược liệu đang được xây dựng.

Để phát triển nông nghiệp bền vững

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bố Trạch có được kết quả bước đầu nhiều triển vọng, tuy nhiên phía trước vẫn còn nhiều những khó khăn, thách thức. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn để hỗ trợ bà con trong sản xuất.

Vì vậy, các địa phương trên địa bàn cần chủ động lồng ghép, tranh thủ các nguồn vốn từ các dự án ODA, dự án phi Chính phủ, vốn phát triển sản xuất từ Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn khuyến nông, vốn hỗ trợ công tác chuyển đổi của tỉnh, vốn tín dụng ưu đãi và nguồn vốn trong dân để tiếp tục đầu tư sản xuất có hiệu quả.

Thu hoạch dưa hấu ở thị trấn nông trường Việt Trung.
Thu hoạch dưa hấu ở thị trấn nông trường Việt Trung.

Đồng thời, huyện đã đề ra các giải pháp để tiếp tục phát triển sản xuất và có những chính sách phù hợp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, huyện xem xét, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ chuyển đổi đối với một số loại cây và ưu tiên hỗ trợ đóng gói, xây dựng nhãn mác, thương hiệu đối với một số sản phẩm tiềm năng thực hiện theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó, huyện tập trung chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác phù hợp, có chất lượng, đạt kinh tế cao hơn. Đồng thời, huyện chú trọng phát triển các loại cây trồng có tiềm năng, có khả năng hình thành hàng hóa nhằm tăng giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất cao su kém hiệu quả sang trồng các loại cây tiềm năng theo quy hoạch; liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở chế biến để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho một số sản phẩm, như: ổi Hòa Trạch, Hưng Trạch, cà gai leo, hoa Lý Trạch...

Huyện cũng có cơ chế để quảng bá các sản phẩm đã có nhãn hiệu, thương hiệu trên địa bàn huyện, như: nấm sạch Tuấn Linh, tiêu Phú Quý, rau sạch An Nông...; khuyến khích các cơ sở nói trên mở rộng quy mô, liên kết các tổ hợp tác, nông dân thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.

Đặc biệt, huyện tăng cường công tác kiểm tra nguồn gốc, chất lượng giống cây, con trên địa bàn; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, tổ chức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tận người dân, nhất là đối với các loại cây trồng mới, như: rau VietGAP, cây dược liệu, nấm; xây dựng các mô hình chuyển đổi có hiệu quả để nhân dân học tập và làm theo.

Từ đó, huyện nỗ lực đưa ngành nông nghiệp Bố Trạch phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân hàng năm của người dân trên địa bàn đạt 48 triệu đồng trở lên.

Hương Trà
 

,