.

Hải Thành: Làng trong phố

.
10:15, Chủ Nhật, 09/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Dẫu đã nhiều năm được nâng cấp thành “phường” trực thuộc thành phố Đồng Hới, nhưng người dân nơi đây vẫn quen gọi Hải Thành là “làng”. Nằm bên bờ biển Nhật Lệ xinh đẹp, Hải Thành đang từng ngày trở nên hiện đại, năng động hơn trên hành trình phát triển du lịch. Nhưng qua bao năm tháng, vẫn còn đó một ngôi làng duyên dáng, mộc mạc với những nét đẹp truyền thống của cư dân làng biển.

Tiền thân là làng Đồng Hải hợp nhất cùng xóm nhỏ Đồng Thành nơi cửa biển Nhật Lệ, sau bao thăng trầm và đổi thay tên gọi, người dân nơi đây vẫn quen gọi phường Hải Thành là “làng”.

Buổi sáng ở làng biển Hải Thành mang nhiều âm hưởng phong phú. Lúc lũ trẻ rộn ràng đi học cũng là thời điểm những bác ngư dân thong dong mang cần câu trở về nhà, gương mặt rạng ngời và áo quần đẫm mùi biển cả. Đường về nhà của bác ngư dân thật dài khi chốc chốc bác phải dừng lại để “khoe” giỏ cá tôm với những người hàng xóm.

Phía sau diện mạo hiện đại của phường trung tâm thành phố...
Phía sau diện mạo hiện đại của phường trung tâm thành phố...

Dọc đường, chị bán bánh bèo, o hàng bánh lọc, mệ bán xôi bắp… thoăn thoắt đôi tay bán hàng cho khách cũng không quên hỏi han chuyện cá tôm và ồ lên vui vẻ khi ngắm cá tôm tươi rói…

“Làng” Hải Thành đã và đang nổi tiếng với nhiều món bánh trái như bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc. Trong đó có những món ngon đã trở thành thương hiệu nổi tiếng như bánh bột lọc mệ Xuân. Không công thức cầu kỳ, cũng không phải có truyền thống từ lâu đời, nhưng từ đôi bàn tay khéo léo, đầy sự tinh tế của người dân làng biển, các món bánh trái của Hải Thành đã thu hút đông đảo người dân và du khách.

Có những hàng quán nằm sâu trong hẻm nhỏ vẫn tấp nập khách hàng. Thưởng thức những món ngon trong không gian yên tĩnh, nơi sự ồn ào của đô thị chưa chạm đến, trò chuyện với những người dân mộc mạc, chân chất luôn trìu mến gọi nơi mình sống là “làng”, mang lại một cảm giác dịu dàng và khó quên.

Nên có những du khách, dù nghỉ trong những khách sạn lớn, vẫn muốn tìm về quán nhỏ để trong khi thưởng thức các món bánh có thể ngắm o chủ quán miệt mài cho ra lò những mẻ bánh mới và hỏi han đôi ba câu chuyện đời thường…

Hải Thành cũng là một trong những làng biển nổi tiếng với các sản phẩm được chế biến từ hải sản, đặc biệt như nước mắm, ruốc, cá, mực khô… Mùa nào thức ấy, tháng sáu, tháng bảy, khắp làng đậm mùi khuyết biển muối được mang phơi để làm ruốc. Mùi mắm nục, mắm cá cơm… giang được nắng thơm lừng từng ngõ nhỏ.

Mùa đông, những chum vại mắm tay áo, mắm ngừ, trích, nục sau nhiều tháng ủ kín, phơi nắng giờ được mở ra, bổ sung hương vị đậm đà cho từng bữa cơm, nhất là trong những ngày biển động. Hương vị quen thuộc, thân thương ấy không chỉ làm ấm lòng những người dân làng biển mà còn theo chân những người con xa xứ tận trời tây để giúp họ vơi đi nỗi nhớ quê…

Nằm bên bờ Nhật Lệ, với những lợi thế lớn trong phát triển du lịch, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hoá của làng biển Hải Thành phát triển vô cùng mạnh mẽ. Hệ thống khách sạn, nhà hàng, trong đó có những thương hiệu mạnh của các tập đoàn lớn đã đầu tư xây dựng trên địa bàn phường, mang lại một diện mạo mới, thu hút đông đảo du khách. Người dân nơi đây cũng dần thích nghi với những đổi thay đó và nhanh chóng nhập cuộc.

Nhưng phía sau những đổi thay ấy, sâu trong từng ngõ nhỏ, có một không gian làng biển vẫn tồn tại, hiện hữu bất chấp thời gian, bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hoá. Những ngôi nhà ba gian truyền thống với cột trụ và mái hiên rêu phong, sân lát gạch hoặc giản đơn là cát trắng cùng lối đi nhỏ dẫn từ cổng vào nhà.

Bên hông nhà là những dải lưới, chiếc cần câu, chiếc nón, hình ảnh thân quen gắn với cuộc đời người ngư phủ. Những ngôi nhà trong ngõ nhỏ thân thiện với cây na, cây ổi, ngoài hiên nắng là từng dãy chiếc lu sành thơm phức mùi mắm mỗi bận mở ra… Tết đến, sân nhà rực rỡ hoa lay ơn, thược dược, mai vàng… đẹp như một bức tranh xưa cũ.

Ở ngôi làng ấy, khi người đàn ông lênh đênh trên biển, những người đàn bà đảm đang tháo vát chạy chợ, làm bún bánh, chế biến tôm, cá, mực phụ chồng mưu sinh. Không thua kém chồng, qua thời gian, họ làm giàu thêm hương vị ẩm thực đặc biệt của làng, để Hải Thành trở thành địa chỉ nổi tiếng của nhiều món ngon. Ngoài bánh lọc, bánh nậm, bánh bèo, Hải Thành còn cung cấp bánh ướt, bún, bột bánh canh các loại cho các chợ trong thành phố.

... là những nét đẹp mộc mạc, truyền thống của ngôi làng biển
... là những nét đẹp mộc mạc, truyền thống của ngôi làng biển

Buổi chiều những ngày mưa gió hay biển được mùa, bên hiên nhà, người làng biển rộn ràng tụ tập nhau nướng tôm, nướng cá. Mùi tôm cá nướng thơm lừng từng con ngõ. Bên ly rượu, những câu chuyện dài bất tận từ tình hình thời sự thế giới đến chuyện con nước thuỷ triều và tôm cá. V

à cũng những ngư dân mộc mạc ấy, mùa xuân, mùa hạ, họ nô nức tham gia lễ hội Xuân thủ kỳ yên, lễ hội cầu mùa và hoá thân thành những trai bơi hừng hực khát khao chiến thắng trong lễ hội bơi trải “lục niên cảnh độ” của các làng biển trong vùng.

Những ngư phủ, dù sở hữu chiếc “bơ nan” bé nhỏ hay những chiếc tàu lớn hiện đại, đánh bắt xa bờ, thì trong huyết quản họ, tình yêu với ngôi làng nhỏ luôn hiện hữu qua những điều bình dị đời thường, nơi tình làng nghĩa xóm, tính cộng đồng gắn kết bền chặt.

Nên mặc nhiên qua bao năm tháng, giữa lòng thành phố vẫn tồn tại một ngôi làng biển, nơi bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bắt gặp những nụ cười hồn hậu của vợ chồng người ngư phủ và bao tinh hoa ẩm thực của người kẻ biển.

Diệp Đồng

 

,