.

Tăng cường phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu

.
17:20, Thứ Bảy, 08/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Những năm qua, nông dân các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Minh Hóa...  tích cực phát triển diện tích cây hồ tiêu, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, một số diện tích cây hồ tiêu, chủ yếu là hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh, bị bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm gây thiệt hại không nhỏ, khiến người trồng tiêu đứng ngồi không yên...
 
Bùng phát bệnh chết nhanh, chết chậm
 
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm năm 2016, bệnh vàng lá chết chậm do nấm Fusarium sp, chết nhanh do nấm Phytophthora capsici gây ra là bệnh hại chính ở các vườn tiêu ẩm thấp, khó thoát nước.
 
Bệnh phát sinh rải rác từ đầu năm 2016 và phát triển gây hại mạnh từ tháng 10 đến tháng 12 với diện tích nhiễm 23,5ha, tập trung tại huyện Quảng Trạch 10ha, Bố Trạch 7ha, Lệ Thuỷ 6,5ha; tỷ lệ bệnh phổ biến 5-7%.
 
Tuy nhiên, diện tích bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, đến thời điểm tháng 3-2017, diện tích này đã lên đến 49ha, trong đó, Bố Trạch 33ha (chủ yếu ở TT.Nông trường Việt Trung, Phúc Trạch, Xuân Trạch); Quảng Trạch 9ha (tập trung các xã Quảng Thạch, Quảng Tiến, Quảng Lưu); Lệ Thuỷ 7ha (các xã Trường Thuỷ, Phú Thuỷ, Văn Thuỷ); tỷ lệ bệnh phổ biến 5-7%, nơi cao 10-15%, cục bộ 80-85%. Trong đó, diện tích bị nhiễm bệnh chết nhanh là 3ha, tập trung chủ yếu ở TT.Nông trường Việt Trung.
 
Cao điểm vào tháng 3-2018, toàn tỉnh có 53ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó huyện Bố Trạch 40ha, Lệ Thuỷ 8ha, Quảng Trạch 5ha; tỷ lệ bệnh phổ biến 5-7%, nơi cao 10-15%, cục bộ 20-25%.
 
Là địa phương có diện tích trồng cây hồ tiêu lớn của huyện Bố Trạch, thời điểm năm 2016, TT.Nông trường Việt Trung có khoảng 200ha hồ tiêu. Ông Phan Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Viêt Trung cho biết, theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, diện tích cây hồ tiêu bị thiệt hại do bệnh chết nhanh, chết chậm của địa phương trên 20ha.
 
Cây tiêu không phải chết đồng loạt mà chết rải rác, từ từ trong vài tháng, nhiều nhất là các tổ dân phố Xung Kích, Quyết Thắng; riêng ở tổ dân phố Xung Kích, 22 hộ có tiêu chết, trong đó 10 hộ tiêu bị chết hoàn toàn. Diện tích cây tiêu bị chết tập trung nhiều tại các vườn tiêu già có tuổi từ 17-20 năm với các triệu chứng, như: lúc đầu héo, vàng lá rồi từ từ chết xuống gốc.
Các nhà vườn cần chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho cây hồ tiêu.
Các nhà vườn cần chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho cây hồ tiêu.
Trên thực tế, bà con ở đây trồng theo kiểu tự phát, không áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc đúng cách; khi trồng không chú ý đào ụ và bố trí hệ thống thoát nước, do đó, khi trời mưa nhiều dẫn đến cây tiêu bị ngập úng, đổ lá và chết. 
 
Đối với diện tích bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, địa phương cũng tích cực chỉ đạo bà con có vườn tiêu bị chết cần phải xử lý vôi bột và 2-3 năm sau mới tiếp tục tái canh để tránh mầm bệnh phát sinh trở lại.
 
Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nguyên nhân khiến bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm "bùng phát" gây hại nặng trên cây hồ tiêu từ năm 2016 đến nay là do thời tiết mưa nắng thất thường kéo dài, dẫn đến ẩm độ trong đất bão hòa, kết hợp với hệ thống tiêu thoát nước của nhiều vườn tiêu không bảo đảm đã tạo điều kiện thuận lợi cho nấm rễ phát sinh gây hại nặng.
 
Bên cạnh đó, nhiều hộ trồng tiêu còn chủ quan trong các biện pháp phòng trừ bệnh, phát hiện chậm. Khi bộ rễ cây đã bị nấm bệnh gây hại nặng làm tán lá có biểu hiện vàng, rụng lá..., người trồng tiêu mới tiến hành phòng trừ nên hiệu quả không cao, thậm chí không cứu vãn được tình thế, nhất là đối với diện tích tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh.
 
Do bị dịch bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, thời điểm các năm 2016, 2017, bình quân năng suất hồ tiêu của tỉnh chỉ còn gần 8,4 tạ/ha, sụt giảm 1,1 tạ/ha so với năm 2015; kéo theo đó là sụt giảm về sản lượng cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người trồng tiêu.
 
Chú trọng triển khai các biện pháp phòng trừ
 
Sau nhiều nỗ lực của ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân để khắc phục tình hình bệnh, đến thời điểm cuối tháng 8-2018, toàn tỉnh còn 23,5ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết chậm; tỷ lệ bệnh phổ biến 5-7%, nơi cao 10-15%. Trong đó, huyện Lệ Thủy 8,5ha, tập trung các xã Trường Thủy, Văn Thủy, Thái Thủy; huyện Bố Trạch 8ha, chủ yếu ở các xã Tây Trạch, Phú Định, TT.Nông trường Việt Trung; huyện Quảng Trạch 7ha, tập trung tại các xã Quảng Thạch, Quảng Lưu, Quảng Tiến... Diện tích bị bệnh chủ yếu là cây tiêu đang thời kỳ kinh doanh, khai thác nên ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng.
 
Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người trồng hồ tiêu, Chi cục đã tích cực và chủ động hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ và xử lý.
 
Từ sau các đợt mưa cuối tháng 10-2016 đến nay, Chi cục luôn tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở để hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng trừ; đồng thời, tích cực phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện hướng dẫn bà con khẩn trương khôi phục sản xuất, trong đó, chú trọng việc tiêu thoát nước, xới xáo, chăm sóc vườn cây, phun thuốc phòng trừ nấm hại rễ kết hợp bón thêm phân lân để cây tiêu nhanh chóng phục hồi.
 
Đối với diện tích hồ tiêu bị bệnh nặng, khô lá, khô cành, rụng lá…, bà con tiến hành nhổ bỏ, đào gốc, đem đốt để tiêu hủy và xử lý hốc tiêu bằng vôi bột hoặc dung dịch thuốc bảo vệ thực vật.
 
Những cây tiêu đang bị gây hại nhẹ, lá đang chuyển dần sang màu vàng và những cây chưa bị gây hại cần thực hiện xử lý kết hợp với các biện pháp kỹ thuật, như: sử dụng các loại chế phẩm sinh học gây ức chế và tiêu diệt nấm bệnh; thường xuyên cắt tỉa phần cành lá nằm sát mặt đất từ 20-30cm; vệ sinh vườn tiêu thông thoáng, sạch sẽ; tạo hệ thống thoát nước tốt; bón phân cân đối và hợp lý...
 
Theo đánh giá, tiềm năng phát triển cây hồ tiêu của tỉnh ta trong thời gian tới vẫn còn rất lớn, tuy nhiên, việc phát triển trồng mới và tái canh hồ tiêu phải được triển khai trên những vùng đất phù hợp và tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
 
Riêng vườn tái canh, vườn đã trồng cây lâu năm thanh lý chuyển sang trồng hồ tiêu phải luân canh cây họ đậu 1-3 vụ để cải tạo đất. Các nhà vườn bên cạnh việc đầu tư chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên các vườn hồ tiêu hiện có cũng cần chú ý bổ sung hệ thống mương rãnh thoát nước trong mùa mưa; đồng thời, thăm vườn thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh phát sinh, nhất là trước và sau mùa mưa; trong chăm sóc, cần chú trọng sử dụng chế phẩm sinh học chứa vi sinh đối kháng, như: MK8, Tricoderma…, để phòng bệnh chết nhanh, chết chậm.
 
"Mặc dù Chi cục luôn tích cực triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách xử lý và chăm sóc đối với diện tích tiêu bị bệnh, nhưng bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm do nấm gây ra trên cây hồ tiêu hiện chưa có thuốc đặc trị, không chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mà còn ở các vùng trồng tiêu trong cả nước.
 
Do đó, biện pháp kỹ thuật phát huy hiệu quả nhất mà bà con trồng tiêu cần chú trọng là phải thường xuyên kiểm tra vườn tiêu và triển khai phòng trừ dịch bệnh ngay từ đầu để hạn chế thiệt hại, nhất là trong thời điểm bắt đầu bước vào mùa mưa như hiện nay", ông Lê Xuân Tứ nhấn mạnh thêm.
 
 Ngọc Lan
 

 

,