.

Bố Trạch: Khuyến khích phát triển đối tượng nuôi thủy sản mới

.
09:00, Thứ Ba, 11/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau ảnh hưởng sự cố môi trường biển, huyện Bố Trạch đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên người dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản trở lại; đặc biệt khuyến khích bà con đa dạng hóa đối tượng nuôi, chú trọng các loại con nuôi mới có giá trị kinh tế cao...

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, để khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng lợi thế vốn có của địa phương, trong những năm qua, huyện Bố Trạch đã có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích sản xuất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất…

Huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn, chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật tiến bộ về nuôi thủy sản giúp các hộ nuôi nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi; phối hợp các cơ sở nuôi thủy sản không ngừng tìm kiếm những biện pháp, chính sách đầu tư phát triển, cải tạo nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi; kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư đa dạng hóa các đối tượng thủy sản.

Đồng thời, huyện đã kịp thời hỗ trợ cho người nuôi giống cá mặn lợ 30 triệu đồng, giống cá nước ngọt nuôi lồng 10 triệu đồng, mua giống tái tạo nguồn lợi thủy sản 100 triệu đồng... Do đó, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn ngày càng mở rộng, đa dạng đối tượng nuôi, nâng cao năng suất và sản lượng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Tính đến hết vụ nuôi năm 2017, toàn huyện có 891 ha nuôi thủy sản mặn lợ, tăng 386,5 ha so với năm 2015. Trong đó, diện tích nuôi tôm đạt 651,2 ha, tăng 237,3 ha; nuôi cua, xen ghép, kết hợp đạt 239,9 ha, tăng 149,2 ha; sản lượng thu hoạch đạt 1.628 tấn, tăng 204 tấn.

Hiện nay, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trên cát ở Bố Trạch được tập trung phát triển ở các xã có thế mạnh, như: Trung Trạch, Đại Trạch, Nhân Trạch, Đức Trạch. Nuôi tôm trên ao đất có lót bạt được tập trung ở xã Đồng Trạch. Nuôi tôm theo hai giai đoạn (giai đoạn 1 gièo trong nhà gièo có mai che khoảng 25-30 ngày, giai đoạn 2 chuyển ra ao nuôi, nuôi đến khi thu hoạch) đã được triển khai và đem lại hiệu quả cho người nuôi tại xã Hạ Trạch.

Các vùng nuôi tôm tại Hoàn Trạch, Phú Trạch, Mỹ Trạch, Bắc Trạch hàng năm được nâng cấp, nạo vét kênh mương, ao nuôi để phát triển theo hướng bền vững, bảo đảm môi trường.   

Ông Hồ Long (xã Đại Trạch, Bố Trạch) mạnh dạn đầu tư nuôi đối tượng mới (ốc hương).
Ông Hồ Long (xã Đại Trạch, Bố Trạch) mạnh dạn đầu tư nuôi đối tượng mới (ốc hương).

Đối với những ao nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, các hộ nuôi đã chủ động chuyển đổi sang nuôi các loại cá có hiệu quả kinh tế cao, như: cá dìa, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá bống bớp ở xã Đồng Trạch, Đại Trạch; chuyển đổi từ nuôi tôm qua ốc hương trên ao cát có lót bạt tại xã Trung Trạch, Đại Trạch. Nhiều hộ nuôi sử dụng mô hình nuôi xen ghép nhiều đối tượng, như: tôm nuôi xen cá kình, cá dìa; tôm xen cua ở xã Hạ Trạch, Mỹ Trạch, Bắc Trạch, Hoàn Trạch, Đồng Trạch, Phú Trạch.

Sau sự cố môi trường biển, nhằm tái tạo môi trường, mỗi năm, UBND huyện cũng đã trích kinh phí 50 triệu đồng để tổ chức thả tái tạo nguồn lợi về biển. Đến nay, huyện đã thả 570.000 con tôm sú và 3.450 con cá chẽm để phục hồi nguồn lợi hải sản.

Đối với nuôi thủy sản nước ngọt, năm 2017, diện tích nuôi toàn huyện đạt 820 ha, tăng 259,9 ha so với năm 2015, trong đó, cá ao tăng 229,9 ha, cá-lúa tăng 30 ha, lồng nuôi cá tăng 281 lồng; sản lượng nuôi nước ngọt năm 2017 đạt 1.292 tấn, tăng 167,7 tấn so với năm 2015.

Năm 2016, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, nên nuôi trồng thủy sản mặn lợ trong các ao, hồ trên địa bàn huyện giảm mạnh về sản lượng, giá cả, nhưng ngược lại nuôi nước ngọt tăng cả về diện tích, sản lượng, giá cả. Các đối tượng nuôi chủ yếu là cá rô phi, cá lóc, cá trắm, chép, mè và được nuôi theo hình thức thức xen ghép.

Bằng việc vận dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện cũng đã khuyến khích mở rộng phát triển nuôi các loài cá có chất lượng và giá trị kinh tế cao, các loài đặc sản, đặc hữu để phục vụ và đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, như: lươn, ếch, ba ba, cá chình ở xã Hưng Trạch, Sơn Trạch... Do đó, đến nay, diện tích nuôi cá trong ao hồ tăng trên 300 ha so với năm 2015.  

Một số địa phương trên địa bàn cũng đã phát triển mạnh mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa có hiệu quả, như: ở xã Đồng Trạch, Vạn Trạch, Hạ Trạch, Mỹ Trạch. Đến nay, diện tích nuôi cá-lúa tăng 30 ha so với năm 2015, chủ yếu ở các xã Đồng Trạch, Vạn Trạch, Hạ Trạch.

Nuôi cá lồng cũng tiếp tục phát triển mạnh ở các xã có lợi thế, như: Sơn Trạch, Liên Trạch, Hưng Trạch và hồ Thác Chuối của thị trấn Nông trường Việt Trung. Số lồng cá hiện nay tăng 281 cái so với năm 2015. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, cá chép. Nhờ huyện có các chính sách hỗ trợ kịp thời nên người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi các đối tượng mới, có giá trị kinh tế cao, như: cá chình, cá leo, tại xã Sơn Trạch.

Ông Hồ Long, Tổ trưởng tổ hợp tác (THT) nuôi trồng thủy sản ở xã Đại Trạch cho biết, THT Đại Trạch có 24 pham nuôi (quy mô lớn hơn hồ) của 24 hộ dân. Được sự động viên của các cấp chính quyền huyện, hiện nay, THT mở rộng diện tích nuôi trồng lên 30% so với trước; một số hộ chuyển đổi đối tượng nuôi mới, vừa đưa lại hiệu quả kinh tế cao vừa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng.

Bản thân ông Hồ Long cũng đã mạnh dạn chuyển đổi và mở rộng nuôi cá bống bớp, ốc hương, mô hình đang phát triển tương đối ổn định, hy vọng đến cuối năm nay sẽ có kết quả như mong đợi. Nếu suôn sẻ, năm tới, ông Long nhân rộng mô hình đối tượng nuôi mới này. Ông cũng mong muốn được hỗ trợ từ phía các cấp, các ngành để có thể xây dựng mô hình bài bản, quy mô lớn hơn.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng NN và PTNT huyện cho biết thêm, hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định, phát triển khá bền vững. Tính từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 1.432 ha, tăng 5% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng thủy sản đạt đạt trên 990 tấn, tăng 7%.

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản giúp người nuôi tận dụng triệt để những tiềm năng có sẵn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, phù hợp với đặc điểm, tiêu thụ sản phẩm của địa phương, Bố Trạch sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nuôi trồng bền vững tại các vùng nuôi tập trung ở Hạ Trạch, Hoàn Trạch, Đồng Trạch, Phú Trạch và các vùng nuôi tập trung ven biển; khuyến khích chuyển đổi các diện tích nuôi tôm hay bị dịch bệnh sang nuôi cá chẽm, dìa, bống, bớp.

Đồng thời, huyện phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với cá trắm sông Son; tiếp tục đa dạng hóa con nuôi và nâng cao hiệu quả, giá trị đối với nghề nuôi cá lồng ở các xã dọc sông Son; đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi các vùng đất lúa bị trũng có nguồn cấp nước bảo đảm nhưng trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình cá - lúa và nuôi trồng thủy sản.

Huyện cũng tiếp tục phát huy hiệu quả nuôi cá trong các hồ chứa, đập thủy lợi bằng việc cho thuê diện tích mặt nước đối với các cá nhân, tổ chức, kết hợp kế hoạch thả giống cá tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm của huyện nhằm nâng cao sản lượng cá và khai thác tối đa diện tích mặt nước của các hồ chứa, đập thủy lợi trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, huyện tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng con giống, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ nuôi trồng thủy sản tại cơ sở; củng cố và phát triển các tổ chức hợp tác nuôi trồng thủy sản (quản lý cộng đồng) nhằm từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa các loại dịch bệnh.

Hương Trà
 

,
  • Năng suất lúa hè-thu ước đạt 49,5 tạ/ha

    (QBĐT) - Những ngày qua, tranh thủ thời tiết nắng ráo thuận lợi, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương xuống đồng tập trung thu hoạch lúa hè-thu.

    11/09/2018
    .
  • "Thu thuế trước hết phải thu được lòng dân"

    (QBĐT) - Nhân dịp  kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống ngành Thuế Việt Nam (10-9-1945 - 10-9-2018), phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh về những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của ngành thuế Quảng Bình trong thời gian qua.

    10/09/2018
    .
  • Chia sẻ kinh nghiệm mô hình canh tác lúa cải tiến

    (QBĐT) - Vừa qua, tại xã Sơn Lộc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình canh tác lúa cải tiến SRI vụ hè- thu năm 2018.

    10/09/2018
    .
  • Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt gần 54.000 tấn

    (QBĐT) - Thông tin từ Cục Thống kê Quảng Bình cho biết, trong  8 tháng năm 2018, sản lượng thủy sản toàn tỉnh thực hiện đạt gần 54.000 tấn (sản lượng trong tháng 8 đạt hơn 10.200 tấn), so với cùng kỳ năm trước tăng 9,7%.

    10/09/2018
    .
  • Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp-Kỳ 2: Khơi dậy tiềm năng

    (QBĐT) - Du lịch nông nghiệp được kỳ vọng là "cú hích"đưa các làng quê phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này tạo được sức hút, lộ trình vẫn còn rất dài và gian nan, rất cần những chiến lược dài hơi và đồng bộ.

    10/09/2018
    .
  • Hải Thành: Làng trong phố

    (QBĐT) - Dẫu đã nhiều năm được nâng cấp thành "phường" trực thuộc thành phố Đồng Hới, nhưng người dân nơi đây vẫn quen gọi Hải Thành là "làng".

    09/09/2018
    .
  • Tạo thế "chân kiềng" thương mại-dịch vụ và du lịch

    (QBĐT) - Thương mại-dịch vụ là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của thị xã Ba Đồn, trong khi du lịch là lĩnh vực hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.

    08/09/2018
    .
  • Tăng cường phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu

    (QBĐT) - Những năm qua, nông dân các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Minh Hóa...  tích cực phát triển diện tích cây hồ tiêu, mang lại giá trị kinh tế cao. 

    08/09/2018
    .