Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Tích hợp môn học nhằm tạo thuận lợi cho dạy học cụ thể một cách toàn diện

  • 14:40 | Thứ Ba, 28/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Từ chỗ quen với việc mỗi giáo viên dạy 1 môn, giáo viên cho rằng việc thực hiện giảng dạy các môn tích hợp bậc trung học cơ sở theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều khó khăn, bất cập.
(Ảnh: VIỆT DŨNG)
(Ảnh: VIỆT DŨNG)
Trước phản ánh này, Bộ giáo dục và Đào tạo cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học cơ sở có môn Khoa học tự nhiên được tích hợp từ các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp từ các các môn Lịch sử, Địa lý. Việc tích hợp môn học nhằm tạo thuận lợi cho khai thác các nội dung dạy học cụ thể một cách toàn diện.
 
Chương trình môn Lịch sử và Địa lý bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và nội dung Địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.
 
Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
 
Xác định đây là những môn học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các nhà trường, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.
 
Ngoài ra, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, tập huấn từ nhiều năm qua và tiếp tục được áp dụng khi dạy học theo chương trình mới.
 
Từ chương trình hiện hành, việc khai thác các nội dung bài học từ nhiều khía cạnh theo hướng tích hợp (kiến thức Địa lý trong các bài Lịch sử và ngược lại; kiến thức Hóa học, Sinh học trong các bài Vật lý và ngược lại) đã được triển khai từ nhiều năm qua.
 
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2019 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai biên soạn tài liệu và tập huấn cho giáo viên cốt cán cả nước các modul bồi dưỡng cho giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông (do Chương trình ETEP, các trường đại học sư phạm và các đơn vị liên quan đảm nhiệm). Bộ đã ban hành Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý.
 
Như vậy, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Đối với mỗi giáo viên, việc dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn không có gì thay đổi lớn so với chương trình hiện hành”.
 
Việc thay đổi chủ yếu nằm ở kế hoạch giáo dục của nhà trường (phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu), đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và được các nhà trường triển khai thực hiện. “Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy ban đầu có những khó khăn do quen với việc 1 giáo viên dạy 1 môn và xếp thời khóa biểu chia đều số tiết/tuần, nhưng qua một thời gian thực hiện, Bộ đã kiểm tra, chỉ đạo điểm và nhân rộng, đến nay cơ bản đã được các trường trung học cơ sở thực hiện đáp ứng yêu cầu”.
Theo Thanh Xuân (NDO) 

tin liên quan

Ươm mầm "hạt giống đỏ"

(QBĐT) - Làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh ưu tú để kết nạp vào Đảng, Chi bộ Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã ươm mầm những "hạt giống đỏ".

Chính thức bước vào Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT

Các thí sinh tham gia đội tuyển đã được các nhà trường, thầy cô tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập, ôn luyện, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu để dự thi học sinh giỏi quốc gia.

Bảo đảm quyền lợi của thí sinh trong xét tuyển đại học

Trong bối cảnh các trường đại học ngày càng đẩy mạnh tự chủ, phương án, cách thức tuyển sinh của các trường phong phú, đa dạng sẽ tạo nhiều cơ hội lựa chọn nguyện vọng cho thí sinh.