Chú trọng nguồn lực cho giáo dục mầm non

  • 07:47 | Thứ Sáu, 02/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm xây dựng môi trường giáo dục mầm non (GDMN) an toàn, thân thiện, thời gian qua, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai thực hiện tốt nhiều chương trình, hoạt động, trong đó chú trọng việc sắp xếp, phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở GDMN... Nhờ vậy, GDMN đã có nhiều khởi sắc, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày một nâng lên.
 
Xác định GDMN giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tính cách, đặc biệt là sự phát triển của trẻ sau này, ngành GD-ĐT đã tập trung nhiều giải pháp để phát triển GDMN, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục. Ngành đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên đề, các hội thảo, hội thi, tạo những sân chơi bổ ích nhằm cung cấp kiến thức và tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV) chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác. Qua các hoạt động, ngày càng có nhiều cán bộ, GV tích cực đổi mới sáng tạo trong quản lý, dạy học, tập trung xây dựng bài giảng phong phú để trẻ được “học mà chơi, chơi mà học”.
 
Cô giáo Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường MN Phú Hải (TP. Đồng Hới) cho hay: Để giúp trẻ phát triển toàn diện, nhà trường đã tăng cường các hoạt động trải nghiệm, dạy trẻ những bài học đầu đời về giá trị của lao động thông qua các hoạt động tưới rau, vun đất, nhặt cỏ tại vườn rau của trường. Các cô giáo còn hướng dẫn cho trẻ nhận biết các loại rau, củ, quả, giá trị dinh dưỡng, dạy trẻ cách làm bánh, cách sắp xếp một bữa ăn hấp dẫn, trang bị kỹ năng tự phục vụ bản thân và tạo hứng thú cho trẻ khi ăn.
 
Trường còn tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh, thiết thực cho trẻ, nổi bật là đưa loại hình nghệ thuật múa rối nước vào trường học. Mô hình này không chỉ dạy trẻ nhiều bài học bổ ích mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi dậy sự sáng tạo cho trẻ.
 
Ngành GD-ĐT đã tập trung rà soát quy hoạch, sắp xếp, phát triển mạng lưới trường, lớp MN trên địa bàn phù hợp thực tiễn. Trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 128 phòng học được xây mới, 129 phòng học được cải tạo, sửa chữa và đưa vào sử dụng. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cấp huyện, các phòng GD-ĐT cũng đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn liền mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Đến tháng 5/2022, toàn tỉnh có 183 (100%) trường MN hoàn thành tự đánh giá, 62 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, 78 trường đạt chuẩn quốc gia.
Chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ là nhiệm vụ được các trường mầm non chú trọng.
Chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ là nhiệm vụ được các trường mầm non chú trọng.
Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) đạt kết quả đáng mừng với 151/151 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD MN trẻ 5 tuổi, 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD MN trẻ 5 tuổi. Bên cạnh đó, các đơn vị còn thực hiện đầy đủ, kịp thời về chính sách hỗ trợ đối với trẻ MN. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ngày càng được nâng lên.
 
Bà Đặng Thị Hồng Ân, Phó Trưởng phòng Mầm non-Tiểu học, Sở GD-ĐT cho biết: Một trong những điểm nhấn của bậc học MN là triển khai thực hiện hiệu quả các chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”, “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ MN”. Các trường học đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo địa phương, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, sự tham gia, phối hợp của phụ huynh và phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của đội ngũ GV trong việc sưu tầm các nguyên vật liệu để làm đồ dùng, đồ chơi, học liệu, xây dựng môi trường giáo dục theo hướng “mở”.
 
Hầu hết các trường học đều quan tâm đầu tư xây dựng phòng giáo dục thể chất, các khu vui chơi, phát triển vận động nhằm giúp trẻ có cơ hội được vui chơi, khám phá, trải nghiệm, rèn luyện thể chất. Ngành cũng đã triển khai thực hiện các nội dung của Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” và chú trọng công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại các cơ sở GDMN. Ngoài ra, các phòng GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở GDMN phối hợp với trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, thời lượng 2 tiết/tuần.
 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục được tập trung đẩy mạnh. 100% cơ sở GDMN thực hiện cập nhật, quản lý dữ liệu trên cơ sở dữ liệu ngành, phần mềm phổ cập. 100% trường tổ chức bán trú sử dụng phần mềm dinh dưỡng để tính khẩu phần ăn và quản lý chất lượng bữa ăn của trẻ.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển GDMN vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Cơ sở vật chất một số trường đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các điểm lẻ của những đơn vị thuộc vùng khó khăn. Hiện tại, toàn tỉnh còn 27 phòng học tạm, 12 phòng học nhờ, 187 nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu, 40 sân chơi chưa có đồ chơi ngoài trời, 28 bếp ăn tạm..., thiếu các phòng của khối phòng hành chính và phụ trợ.
 
Công tác xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia ở một số trường còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí đầu tư. Bất cập nữa là ngành đang thiếu cán bộ quản lý, GV MN ở các trường công lập theo quy định... (Cụ thể, thiếu 12 cán bộ quản lý, 166 GV theo Công văn số 1389/UBND-NC của tỉnh và thiếu 439 GV theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).
 
Để thực hiện tốt công tác phát triển GDMN, cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, thời gian tới, ngành GD-ĐT tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Ngành sẽ tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho trẻ đến trường được chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, tạo hành trang vững vàng cho trẻ bước vào bậc học tiếp theo.
 
Hiện toàn tỉnh có 2.319 phòng học cho bậc học MN (tăng 12 phòng so với năm học trước). Trong đó có 1.810 phòng kiên cố, 191 phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật và phòng đa chức năng; 183/183 trường có bếp ăn bán trú; 1.943/2.130 nhà vệ sinh đạt yêu cầu; 418/458 sân chơi có thiết bị đồ chơi ngoài trời; 2.265/2.331 (97,7%) nhóm, lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi... Mạng lưới trường, lớp được duy trì, phát triển với 183 trường MN, trong đó có 170 trường công lập, 61 cơ sở (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo) độc lập tư thục...
 
Nhật Văn

tin liên quan

Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh: Nhiều phần thi sáng tạo, có tính thực tiễn cao

(QBĐT) - Ngày 30/11, Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức tổng kết, trao giải hội thi Giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2022-2023.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

(QBĐT) - Phát huy truyền thống đáng tự hào, những năm qua, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục Bố Trạch đã có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện. Chất lượng đại trà được duy trì, củng cố, giáo dục mũi nhọn nâng cao, phương pháp giáo dục lấy học sinh (HS) làm trung tâm được triển khai sâu rộng, hiệu quả.

Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập khó khăn do COVID-19

Người được hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện là người đang làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch tính từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021.