Người phụ nữ phất cao cờ đỏ sao vàng trong ngày khởi nghĩa

  • 06:25 | Thứ Bảy, 19/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó chính là bà Trần Thị Tính (SN 1924, người làng Di Luân, xã Hòa Trạch (cũ), nay là thôn Di Luân, xã Quảng Tùng, Quảng Trạch). Lúc nhỏ, bà được bố đẻ là thầy giáo Trần Đình Phiên, một nhà giáo thức thời, truyền đạt chí hướng tiến bộ và tinh thần yêu nước. Tốt nghiệp Trường tiểu học Pháp-Việt Roòn, bà vào Huế, học tiếp trường Đồng Khánh, tham gia các phong trào của học sinh, sinh viên trong nhà trường. Tốt nghiệp sư phạm, bà về dạy học tại Trường tiểu học Cảnh Dương-Roòn và tham gia hoạt động cách mạng. Trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, bà Trần Thị Tính là cầu nối quan trọng, nắm tình hình khởi nghĩa ở Cảnh Dương, nơi đầu tiên giành chính quyền thành công trong ngày 21/8/1945.
 
Bà trực tiếp vận động quần chúng nhân dân địa phương sẵn sàng đứng lên, cùng lực lượng của làng Cảnh Dương, giành chính quyền tại các làng: Di Luân, Di Lộc và toàn bộ vùng Roòn ngày 22/8/1945. Ngày 23/8/1945, người ta thấy bà đi đầu trong dòng người giành chính quyền tại phủ lỵ Quảng Trạch, tay giương cao lá cờ đỏ sao vàng. Tới phố Thuận Đức, người con gái vừa 21 tuổi ấy, nhanh chóng trèo lên lầu, phất cao lá cờ, miệng hô vang khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm! Việt Minh muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hành động dũng cảm của bà đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần quật khởi của quần chúng nhân dân, cổ vũ họ vùng lên, bẻ gãy xích xiềng nô lệ, đi theo cách mạng.
 
Ngày 7/8/1946, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy lâm thời, do đồng chí Nguyễn Sỹ Đồng (tức Đồng Sỹ Nguyên) làm Bí thư, Chi bộ Hòa Trạch, chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng Roòn được thành lập với 4 đảng viên, là tiền thân của đảng bộ cơ sở 8 xã vùng Bắc Quảng Trạch sau này. Bà Trần Thị Tính vinh dự là một trong bốn đảng viên đầu tiên của chi bộ.
 
Từ đây, chi bộ đã lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Việt Minh, cùng toàn dân diệt giặc đói, diệt giặc dốt và chống giặc ngoại xâm, xây dựng chính quyền cách mạng và tiến hành kháng chiến kiến quốc. Ngày 15/7/1947, Huyện ủy ra quyết định tách Chi bộ Hòa Trạch thành 2 chi bộ: Hòa Nam và Thuận Bắc, để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Chi bộ Hòa Nam lúc này có 12 đảng viên, bà Trần Thị Tính được bầu làm Bí thư Chi bộ.
 
Cuối năm 1947, bà được bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy, phụ trách công tác Tuyên huấn. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ I, tháng 1/1948, bà được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy, hoạt động trong Mặt trận Việt Minh tỉnh. Năm 1951, bà trở lại ngành Giáo dục, làm giáo viên Trường cấp II Quảng Trạch; tiếp đến công tác tại Ty Giáo dục; được cử đi học Trường trung cấp Sư phạm Liên khu 4; tốt nghiệp, bà được giữ lại làm giáo viên nhà trường. Bà được bầu làm Bí thư Chi bộ ty, Bí thư Chi bộ trường. Năm 1956, bà được điều động về Bộ Giáo dục, công tác tại Vụ Sư phạm.
Hội nghị của ngành Mẫu giáo tại Thủ đô Hà Nội năm 1962 (người thứ 3 từ trái sang là bà Trần Thị Tính). Ảnh: Tư liệu
Hội nghị của ngành Mẫu giáo tại Thủ đô Hà Nội năm 1962 (người thứ 3 từ trái sang là bà Trần Thị Tính). Ảnh: Tư liệu
Năm 1960, bà phụ trách bộ môn Tâm lý học-Viện Khoa học Giáo dục. Năm 1963, bà làm Trưởng phòng Mẫu giáo của Bộ, năm 1969 được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Mẫu giáo, rồi Quyền Vụ trưởng. Năm 1982-1983, bà là chuyên gia giáo dục tại Lào và Campuchia. Năm 1984, bà nghỉ hưu, sinh sống cùng gia đình tại TP. Hà Nội.
 
Gần 40 năm công tác, bà đã có nhiều đóng góp, xác định phương hướng, bước đi của giáo dục mẫu giáo thời kỳ mới hình thành. Năm 1966, bà đã công bố bộ tài liệu quý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của giáo dục mẫu giáo do bà soạn thảo. Đó là những văn bản đầu tiên, xác định phương hướng xây dựng và phát triển giáo dục mẫu giáo. Với tầm nhìn và khả năng định hướng phát triển ngành, năm 1978, bà đã kỳ công nghiên cứu, giúp Bộ ban hành chương trình cải tiến giáo dục mẫu giáo, đây được coi là một đóng góp to lớn, làm tiền đề, khẳng định vị trí và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục mẫu giáo sau này.
 
Dù bất cứ hoàn cảnh, cương vị công tác nào, bà luôn nêu cao ý thức học tập chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và vận dụng sáng tạo trong công tác. Nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuốn sách, bài báo, tài liệu dịch của bà đã được xuất bản và công bố trên báo chí, như: Tổng kết 6 bài học về xây dựng điển hình tiên tiến của ngành mẫu giáo, điều lệ trường mẫu giáo, một số vấn đề về đặc điểm, tâm lý mẫu giáo… Đây là những đóng góp to lớn, thiết thực cho ngành.
 
Năm 1969, người con trai duy nhất của ông bà trúng tuyển Trường đại học Xây dựng, song anh không theo học mà xin phép bố mẹ vào chiến trường đánh Mỹ. Thay vì khuyên con, nên ở nhà nhập học theo chế độ ưu tiên. Người mẹ ấy đã động viên con trai lên đường nhập ngũ vào ngày 4/9/1969. Ngày 7/1/1979, người con ấy là Đại đội trưởng Lê Minh Thao đã mãi mãi nằm lại chiến trường Campuchia. Nén đau thương để hoàn thành nhiệm vụ, đêm đêm, hình bóng con hiện về, khiến tâm trí bà khôn nguôi thương nhớ. Bà đã âm thầm làm bài thơ “Nhớ thương con”, những mong vơi bớt nỗi lòng. Bài thơ được đăng Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, số ra ngày 28/7/1996 có đoạn: “Sáu chín tiễn con đi/ Vào chiến trường diệt Mỹ/Bảy chín đón con về/Hai chữ vàng liệt sỹ…”.
 
Từ những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển giáo dục, bà được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 50 tuổi Đảng, danh hiệu Nhà giáo ưu tú; huy chương “Vì sự nghiệp Giáo dục-Đào tạo”; được công nhận là cán bộ “tiền khởi nghĩa”. Ngày 19/6/1996, người phụ nữ ấy đã qua đời tại Bệnh viện hữu nghị Việt Xô, sau một cơn đau tim, hưởng thọ 72 tuổi.
 
Hơn 70 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, hơn 50 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi, bà luôn xứng đáng là người đảng viên ưu tú của Đảng, người con thân thương của quê hương Quảng Bình quật khởi. Bà là người phụ nữ vùng Roòn, được giác ngộ cách mạng và kết nạp vào Đảng sớm nhất; có học vị và giữ những địa vị cao, là tấm gương cho các chị em phụ nữ khác phấn đấu noi theo.
 
Giữa những ngày rạo rực khí thế mùa thu, kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hồi ức về người con gái từng xông xáo, vận động nhân dân đứng lên giành chính quyền ở tổng, ở làng những ngày tháng 8/1945, tay phất cao cờ đỏ sao vàng, miệng hô vang khẩu hiệu trên lầu phủ lỵ Quảng Trạch trong ngày khởi nghĩa luôn còn mãi.
 
                                                                                                      Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

Hoàn thành đại hội Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

(QBĐT) - Đến cuối tháng 7/2023, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công đại hội Công đoàn, nhiệm kỳ 2023-2028.

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2023

(QBĐT) - Sáng nay, 18/8, Trường Chính trị Quảng Bình phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2023. Tham dự có đồng chí Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh.
 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Đại thắng từ lòng dân

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc khi chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đều nhất tề nổi dậy giành chính quyền.