Những nội dung chính trong ngày làm việc thứ hai của Quốc hội

  • 06:15 | Thứ Tư, 24/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ngày 23/5, Quốc hội nghe Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, thảo luận về Luật Giá sửa đổi...
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ngày 23/5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
 
Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
 
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
 
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
 
Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung nêu trên. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tại phiên thảo luận đã có 21 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu thể hiện sự đồng thuận cao với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết kèm theo.
 
Nhiều ý kiến đại biểu góp ý về nội dung, tiến độ thời gian trình một số dự án luật, dự thảo nghị quyết. Các đại biểu cũng góp ý kiến về các vấn đề cụ thể, tập trung phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay (gồm công tác xây dựng chương trình, điều chỉnh chương trình, rà soát pháp luật, tổng kết thực tiễn, tăng tính dự báo của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và nâng cao chất lượng các dự án).
 
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều biện pháp bảo đảm tiến độ chuẩn bị trình các dự án luật, nghị quyết theo đúng chương trình đã được Quốc hội quyết định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, chấp hành nghiêm chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhất định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ Quốc hội nói chung và các chương trình cụ thể được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
 
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
 
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu Quốc gia.
 
Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). 
Quang cảnh phiên họp chiều 23/5. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp chiều 23/5. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).
 
Tại phiên thảo luận đã có 17 ý kiến đại biểu phát biểu. Các ý kiến đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như: áp dụng luật, tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác; các hành vi bị cấm; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá; Quỹ Bình ổn giá; thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá; nguyên tắc, căn cứ, phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; việc định giá đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ hoa tiêu; thẩm định giá, dịch vụ thẩm định giá, thẩm định giá của Nhà nước; hiệp thương giá, kê khai, niêm yết, tham chiếu, kiểm tra các yếu tố hình thành giá; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và thẩm định giá; các hành vi bị nghiêm cấm.
 
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 
Ngày 24/5, Quốc họp họp phiên toàn thể tại hội trường. Sáng, Quốc hội nghe Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
 
Chiều 25/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
 
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.
 
Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam./.
 
Theo TTXVN/Vietnam+

tin liên quan

Công đoàn Trường đại học Quảng Bình: Thi đua để phát triển toàn diện

(QBĐT) - Cùng với việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, những năm qua, Công đoàn Trường đại học Quảng Bình (ĐHQB) còn triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. 

Triển khai quyết định của Đoàn rà soát 1187

(QBĐT) - Sáng 23/5, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị triển khai Quyết định rà soát các cuộc thanh tra, kiểm tra về kinh tế-xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi)

(QBĐT) - Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).