Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng: Những "nút thắt" cần gỡ
(QBĐT) - Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng không chỉ góp phần tổng kết kinh nghiệm lịch sử, hoạt động đấu tranh cách mạng của Đảng, của quân và dân ta mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đổi mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Thời gian qua, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng quá trình triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng của nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Kết quả đáng ghi nhận
Những năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu, biên soạn, xuất bản một số công trình, ấn phẩm, tiêu biểu, như: “Lịch sử quan hệ đặc biệt Quảng Bình-Khăm Muộn, giai đoạn 1945-2015”, “Quảng Bình-30 năm đổi mới và phát triển”... Hiện nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đang tích cực tham mưu triển khai nghiên cứu, biên soạn công trình “Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình tập IV, giai đoạn 2000-2020”.
Các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống. Từ năm 2018-2022, có 11 đơn vị đã in và phát hành lịch sử đảng bộ, biên niên sự kiện, lịch sử truyền thống ngành, đơn vị giai đoạn từ năm 1945 đến các năm 2015, 2020 với 14 ấn phẩm, hiện có 5 ấn phẩm đang được nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn; có 5/8 huyện, thị xã, thành phố xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương và lịch sử các ban, ngành, đoàn thể giai đoạn từ năm 1930 đến các năm 2010, 2015, 2020 với 20 ấn phẩm.
Một số huyện, thành phố đã tập trung bổ sung, chỉnh lý các tập lịch sử đảng bộ đã xuất bản, đồng thời xây dựng kế hoạch và tiến hành sưu tầm, khai thác tư liệu chuẩn bị nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ huyện ở những giai đoạn tiếp theo. Thành ủy Đồng Hới biên soạn, xuất bản và phát hành tập “Lịch sử Đảng bộ TP. Đồng Hới, thời kỳ 1975-2020”. Huyện ủy Quảng Ninh, Lệ Thủy chỉnh lý, bổ sung và tái bản lần thứ nhất: “Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Ninh, tập I (1930-1954)”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy, tập II (1954-1975)” và tập III (1975-2000)”. Có 13 ấn phẩm đang được nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn.
Thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, các đảng bộ xã, phường, thị trấn đã tích cực chỉ đạo việc khai thác tư liệu, xã hội hóa nguồn kinh phí phục vụ cho việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh có 132/154 xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ ở các giai đoạn (đạt 85%). Hiện có 7 ấn phẩm đang được nghiên cứu, biên soạn…
“Nhìn chung, các công trình lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương đều bảo đảm chất lượng, tính đảng, tính khách quan, khoa học và thống nhất với lịch sử toàn Đảng, song cũng thể hiện được những nét đặc thù riêng, góp phần giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử cách mạng địa phương, đơn vị, từ đó, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của địa phương, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh tổng hợp để chung tay xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển…”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phan Thanh Dũng cho biết.
Còn đó những khó khăn
Tài liệu lịch sử về địa phương hầu như không có; các nhân chứng “thưa dần”, số còn lại tuổi cao, trí nhớ kém… là những khó khăn mà xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) gặp phải khi triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ xã. Hiện tại, xã đã thành lập Ban soạn thảo gồm 14 người; tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu và ký hợp đồng với thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy để soạn thảo đề cương cho tập sách.
“Dự kiến đến năm 2025, tập sách "Lịch sử Đảng bộ xã Lâm Thủy" sẽ hoàn thành một nửa. Đó là mục tiêu chúng tôi đặt ra, nhưng có hoàn thành hay không thì không thể nói trước được, bởi hiện tại, công tác nghiên cứu, biên soạn tập sách gặp rất nhiều trở ngại. Các nhân chứng lịch sử hầu hết đã “khuất núi”, còn lại khoảng 5-7 người thì đều lên lão, người ít tuổi nhất cũng đã 75, người cao tuổi nhất gần 90 nên trí nhớ sụt giảm, việc khai thác thông tin từ họ rất hạn chế và không thực sự bảo đảm tính khách quan”, ông Hoàng Kim, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Thủy chia sẻ.
Khó khăn mà Lâm Thủy đang gặp phải cũng là “nút thắt” khó gỡ của nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Lệ Thủy nói riêng và toàn tỉnh nói chung khi triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Chính vì chưa gỡ được “nút thắt” này nên quá trình biên soạn tập sách lịch sử đảng bộ của nhiều địa phương vẫn còn “giẫm chân tại chỗ”. Trong số 22 xã chưa xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương thì có không ít xã vẫn đang loay hoay ở khâu thu thập thông tin, tư liệu để soạn thảo đề cương, đặc biệt là các xã miền núi, rẻo cao.
“Hiện tại, cả 3 xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy vẫn chỉ đang ở giai đoạn “khởi động”. Và liệu các địa phương này có “về đích” đúng kế hoạch hay không vẫn chưa có câu trả lời đích xác”, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy Trần Viết Lưu chia sẻ.
Ngoài “nút thắt” về việc thu thập thông tin, tài liệu, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh còn gặp phải không ít “chướng ngại vật” khác, như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương.
Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng ở cấp tỉnh còn thiếu, ở cấp huyện chủ yếu kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng chưa đi vào chiều sâu. Việc đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn, nâng cao chất lượng các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ở địa phương, đơn vị được các cấp ủy quan tâm thực hiện, song kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Nguồn kinh phí, phương tiện hoạt động cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử chưa được quan tâm đầu tư nên các ấn phẩm lịch sử chậm được triển khai và hoàn thành. Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống tuy được quan tâm, song chưa thường xuyên, thiếu liên tục, mới tập trung vào các ngày lễ, kỷ niệm của quê hương, đất nước...
Đó là những khó khăn đã được nhận diện và như khẳng định của lãnh đạo một số ngành, địa phương, nếu không gỡ dần từng “nút thắt” thì sẽ rất khó hoàn thành việc biên soạn, xuất bản các tập sách lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương, nếu có hoàn thành thì chất lượng cũng không cao…
“Để tiếp tục làm tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt quy trình, các bước tiến hành nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản một công trình lịch sử Đảng; đổi mới công tác biên soạn; tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị của các công trình, ấn phẩm lịch sử địa phương với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả. Các địa phương, đơn vị chưa hoàn thành cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành bản thảo, tổ chức hội thảo khoa học, tiến hành các thủ tục xuất bản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống cách mạng của Đảng, của đảng bộ địa phương...”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phan Thanh Dũng chia sẻ. |
Tâm An
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.