Ý kiến các sở, ngành tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII

  • 05:26 | Thứ Sáu, 09/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong 3 ngày, từ 8-10/12. Báo Quảng Bình xin giới thiệu một số ý kiến của các sở, ban, ngành tại kỳ họp này.
 
Tập trung nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia
                                                                                                                                           
                                                * Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
 
Thời gian qua, Quảng Bình đã quan tâm đẩy mạnh xây dựng hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG). Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng trường đạt CQG giai đoạn 2021-2025, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong việc triển khai nguồn vốn đầu tư công và các nguồn lực khác để xây dựng các hạng mục, công trình cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học.
 
Đến nay, số trường được công nhận đạt CQG còn thời hạn là 259/563 trường, đạt 46% so với đầu nhiệm kỳ (tháng 1/2021 là 41,1%), tăng gần 4,9%. Tuy nhiên, trong thời gian tới, công tác xây dựng trường đạt CQG sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều trường đã quá thời hạn nhưng chưa được đầu tư xây dựng để đánh giá công nhận lại (đến cuối năm 2022, có 186/563 trường, chiếm tỷ lệ 33%).
 
Năm 2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn CSVC trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học với những yêu cầu cao hơn so với trước đây. Trong khi đó, một số địa phương có nguồn ngân sách hạn hẹp nên rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Cơ sở vật chất đồng bộ là điều kiện cần thiết để các trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia.
Cơ sở vật chất đồng bộ là điều kiện cần thiết để các trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ quản lý giáo dục chưa xác định công tác xây dựng trường đạt CQG là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nên chưa có giải pháp quyết liệt để chỉ đạo điều hành, triển khai hiệu quả.
 
Hiện nay, hầu hết các trường trong lộ trình chưa hoàn thành mục tiêu đều chưa bảo đảm tiêu chuẩn về CSVC, chủ yếu là thiếu phòng học bộ môn, phòng hỗ trợ học tập, nhà vệ sinh chưa đáp ứng được yêu cầu...
 
Nhiều trường được thiết kế trước đây không còn phù hợp với quy định mới nhưng lại không có kinh phí để khắc phục, sửa chữa. Mặt khác, việc sáp nhập các cơ sở giáo dục, tinh giản biên chế đã dẫn đến một số trường có số lượng lớp cao, số học sinh/lớp vượt quá quy định… Khó khăn đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng trường đạt CQG.
 
Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng trường học đạt CQG, ngành GD-ĐT mong muốn và đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung huy động nguồn lực đầu tư, đặc biệt sớm giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2022-2025 để tạo điều kiện cho nhà trường xây dựng các hạng mục CSVC, trang cấp thiết bị dạy học bảo đảm đạt chuẩn, đặc biệt là đối với các trường trong Đề án xây dựng trường đạt CQG giai đoạn 2021-2025.
 
Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục được hợp đồng giáo viên đối với các môn học còn thiếu, bảo đảm cơ cấu đội ngũ theo quy định để được đánh giá công nhận đạt CQG.
                                                          Nhật Văn (thực hiện)
 
Kiên quyết xử lý vi phạm về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở
 
* Đại tá Phan Đăng Tĩnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh
 
Những vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản xảy ra ở một số địa phương trên toàn quốc thời gian qua đòi hỏi tính bức thiết trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.700 cơ sở thuộc diện quản lý (4 cấp) về PCCC, trong đó có khoảng 1.500 cơ sở thuộc tỉnh và gần 5.000 cơ sở thuộc quản lý của các cấp địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kiểm tra, tổng rà soát công tác bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh.
 
Mục tiêu là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan.
 Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC ở các cơ cở kinh doanh có điều kiện.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC ở các cơ cở kinh doanh có điều kiện.
Đồng thời, đánh giá đúng thực trạng về PCCC và CNCH đối với cơ sở theo địa bàn; chấm dứt ngay tình trạng cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn hoạt động, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.
 
Tính đến ngày 6/12/2022, về cơ bản đã hoàn thành tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn tỉnh (cấp tỉnh 98%; huyện, thị xã và thành phố 96% và cấp xã, phường, thị trấn hơn 80%), phấn đấu đến hết ngày 10/12/2022 hoàn thành 100%.
 
Qua chiến dịch tổng rà soát, kiểm tra đã phát hiện, xử phạt, tạm đình chỉ, đình chỉ hơn 40 cơ sở không bảo đảm điều kiện về an toàn PCCC, với số tiền xử phạt gần 1 tỷ đồng. Đặc biệt, đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như quán karaoke, bar, vũ trường... kiên quyết đình chỉ và bắt buộc khắc phục tất cả những tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH theo quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC trước khi hoạt động lại.
 
Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn hậu kiểm nhằm chấn chỉnh kịp thời công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH của các cơ sở, nhất là cơ sở kinh doanh, dịch vụ tập trung đông người, có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân để công tác bảo đảm an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, rộng khắp.
P.Vũ (thực hiện)
 
Triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách trong năm 2023
 
* Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch
 
Những năm qua, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Bình nói riêng liên tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Ngay sau khi du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn với thị trường du lịch thế giới, ngành Du lịch Quảng Bình đã triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp linh hoạt, hiệu quả với mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển du lịch.
 
Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2022 dự ước đạt khoảng hơn 2 triệu lượt khách, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Sự nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Bình tại các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế được nâng cao và khẳng định qua bình chọn của các tạp chí du lịch uy tín quốc tế.
 
Để có những kết quả đáng ghi nhận đó, ngành Du lịch đã triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu du lịch, đẩy mạnh công tác quảng bá trên nền tảng số; tham gia xúc tiến du lịch thông qua các sự kiện xúc tiến đầu tư, các hội chợ du lịch…
Ngay sau khi mở cửa du lịch, du khách hào hứng trải nghiệm, khám phá du lịch Quảng Bình.
Ngay sau khi mở cửa du lịch, du khách hào hứng trải nghiệm, khám phá du lịch Quảng Bình.
Ngành Du lịch tỉnh đã triển khai liên kết với các địa phương nhằm tăng cường sự hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng như kết nối các doanh nghiệp, xây dựng các tour du lịch liên vùng hoàn chỉnh, hấp dẫn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế...
 
Với tình trạng dịch chuyển nguồn lao động do dịch Covid-19, nhân lực du lịch Quảng Bình vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Do đó, ngành Du lịch đã tập trung ráo riết vào công tác đào tạo mới, đào tạo lại cho các đối tượng là quản lý, người lao động làm việc trong các đơn vị kinh doanh du lịch thông qua các lớp đào tạo nghề, các lớp bồi dưỡng chuyên ngành.
 
Ngoài ra, ngành Du lịch tiếp tục duy trì, triển khai công tác nghiên cứu quy hoạch, cải cách hành chính, định hướng, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch.
 
Trong năm 2023, để đạt được mục tiêu đón 3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 50 nghìn lượt, ngành Du lịch Quảng Bình tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ chính, như: Tham mưu các chính sách quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch; chú trọng quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch và hỗ trợ du khách, đặc biệt là các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch nhằm khai thác tối đa các tiềm năng du lịch sẵn có của tỉnh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Diệu Hương (thực hiện)
 
Chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu vi phạm về khai thác IUU…
 
* Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản
 
Quảng Bình là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế về biển, trong đó, thủy sản là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Những năm qua, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Quảng Bình đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, góp phần cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), tái cơ cấu ngành thủy sản của địa phương phát triển bền vững, tạo sinh kế lâu dài, ổn định đời sống cho ngư dân.
 
Theo đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá; các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về chống khai thác IUU. Quảng Bình được các đoàn kiểm tra của Tổng cục Thủy sản đánh giá, ghi nhận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU. Trong các năm qua, Quảng Bình không có tàu cá khai thác hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Các cơ quan chức năng đã thực hiện giám sát 100% tàu cá cập cảng, bốc dỡ thủy sản theo đúng quy định.
Các cơ quan chức năng đã thực hiện giám sát 100% tàu cá cập cảng, bốc dỡ thủy sản theo đúng quy định.
Toàn tỉnh hiện có 1.131/1.197 tàu cá từ 15m trở lên lắp giám sát hành trình, số tàu cá còn lại đang thực hiện lắp đặt hoặc xóa đăng ký đối với các tàu không còn khả năng hoạt động theo quy định; 100% tàu cá đã lắp thiết bị được cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi và đây là đội tàu chủ lực của Quảng Bình, hàng năm đều đăng ký và thường xuyên tham gia khai thác hải sản trên vùng biển xa.
 
Ban Quản lý cảng cá cũng đã thực hiện giám sát 100% tàu cá cập cảng, bốc dỡ thủy sản qua cảng theo đúng quy định; Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá thực hiện kiểm tra tàu cá cập cảng tại cảng cá Nhật Lệ, cảng Gianh; kiểm tra tàu cá xuất bến tại cửa sông Nhật Lệ, cửa Gianh và cửa sông Roòn…
 
Từ năm 2020 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính gần 250 trường hợp, với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Khởi tố 1 vụ/1 đối tượng vận chuyển chất nổ để khai thác thủy sản…
 
Quảng Bình sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thủy sản của địa phương; chỉ đạo, kiện toàn các ban chỉ đạo, văn phòng IUU phù hợp điều kiện đặc thù; tổ chức thanh tra, kiểm tra, nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng có liên quan; tăng cường thực thi pháp luật, điều tra xử lý vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu vi phạm về khai thác IUU…
Ngọc Hải (thực hiện)

 

tin liên quan

Khai mạc kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII

(QBĐT) - Sáng nay, 8/12, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 8. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh với các nội dung quan trọng. Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì và điều hành kỳ họp.

Phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ, tập trung trọng tâm vào các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra của năm 2023

QBĐT) - Báo Quảng Bình trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn khai mạc kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII của đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

HĐND tỉnh nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận

(QBĐT) - Chiều nay, 8/12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII nghe các tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh và tiến hành thảo luận.