Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 2: Từ văn bản đến hành động
(QBĐT) - Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình hành động số 01) đã chỉ rõ: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp, phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư”. Khi phát triển du lịch trở thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội, mỗi cấp ngành, địa phương và doanh nghiệp không thể khoanh tay, đứng ngoài cuộc.
Địa phương vào cuộc
Thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) là "trái tim" du lịch của Quảng Bình. Sở hữu di sản thiên nhiên thế giới, việc phát triển du lịch đã mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, tạo việc làm và góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân nơi đây. Thế nhưng, nhiều năm qua, tình trạng trâu, bò thả rong gây mất mỹ quan đô thị cùng nạn chèo kéo, bán hàng rong trở thành vấn đề nhức nhối trong phát triển du lịch của địa phương này.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình hành động số 01-CTr/HU, ngày 30/3/2021 của BCH Đảng bộ huyện Bố Trạch, BCH Đảng bộ thị trấn Phong Nha xây dựng Chương trình hành động về phát triển dịch vụ du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2020-2025. Trong đó, một trong những nhiệm vụ chính là nâng cao nhận thức xã hội về xây dựng văn hóa du lịch. Đảng ủy thị trấn chú trọng chỉ đạo xử lý triệt để tệ nạn chèo kéo, cò mồi, ăn xin, hành vi gây mất an toàn, phiền hà cho du khách... tại các điểm du lịch, khẳng định Phong Nha là điểm du lịch thân thiện, mến khách.
Theo ông Hồ Ngọc Thanh, Bí thư Đảng ủy thị trấn, để chương trình hành động không là lý thuyết suông mà phải thực sự trở thành hành động cụ thể, mang lại hiệu quả thực tế, Đảng ủy đã chỉ đạo ráo riết trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, dẹp nạn chèo kéo du khách. “Đối với nạn trâu bò thả rong, chúng tôi đã thành lập hai tổ tuyên truyền để vận động các hộ gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường và hạn chế tình trạng trâu, bò thả rong; triển khai ngay việc họp dân để phổ biến kế hoạch và thực hiện ký cam kết đối với những hộ có nuôi trâu, bò trên địa bàn các tổ dân phố. Chúng tôi cũng yêu cầu chi ủy các chi bộ và toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc, gương mẫu đi đầu. Đối với nạn ăn xin gây phản cảm với khách du lịch, chúng tôi tìm gặp từng đối tượng để tuyên truyền, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể. Với những đối tượng không có thu nhập, khó khăn, chúng tôi đang vận động nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên để bà con không phải ra đường ăn xin”, ông Thanh chia sẻ thêm.
Để xây dựng và phát triển Làng văn hóa-du lịch Cự Nẫm theo đúng đề án đã xây dựng, Đảng ủy, chính quyền xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) đã triển khai phổ biến kịp thời mục đích, tầm quan trọng của đề án cho toàn bộ đảng viên ở 19 chi bộ trên địa bàn. Nắm bắt được xu thế phát triển của địa phương, trên địa bàn xã Cự Nẫm có nhiều mô hình dịch vụ du lịch đua nhau mọc lên. Tuy nhiên, phần lớn đều xây dựng không theo quy hoạch hoặc xây trái phép trên đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp. Vì vậy, địa phương này đang triển khai các hoạt động, trong đó, chú trọng lập quy hoạch chi tiết khu vực dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Cự Nẫm, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã lập tờ trình về việc xin chủ trương lập quy hoạch chi tiết các khu vực thương mại dịch vụ để thực hiện đề án với hơn 64ha đất. Hiện, UBND huyện cũng đã thống nhất với chủ trương này và đang chờ tỉnh thông qua. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hành lang pháp lý cho các hộ dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh du lịch theo đúng quy định.
Xã hội hóa du lịch
Ngay khi Chương trình hành động số 01 của BCH Đảng bộ tỉnh được ban hành, cùng với nhiều địa phương khác, Thành ủy Đồng Hới cũng ban hành Chương trình hành động số 04 về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó nhấn mạnh phát triển du lịch là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trình, phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Theo Bí thư Thành ủy Đồng Hới Trần Phong, chương trình hành động đặt ra nhiệm vụ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch là kêu gọi đầu tư cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí. Hiện thực hóa chương trình hành động, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi, kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các dịch vụ tại khu vực biển Nhật Lệ, biển Bảo Ninh. TP. Đồng Hới cũng đã chủ động phối hợp với Sở Du lịch và các ngành liên quan cho ý kiến đối với những đề xuất phát triển sản phẩm du lịch mới, trong đó có đầu tư và khai thác các tuyến phố đêm, phố đi bộ tại khu đô thị Bảo Ninh (xã Bảo Ninh).
Thực hiện Chương trình hành động số 01 của BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể, với mục đích huy động tối đa mọi nguồn lực và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển du lịch. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện dự án đã cam kết, đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sử dụng các sản phẩm phục vụ du lịch.
Để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, cuối tháng 6/2022, Sở Du lịch và Công ty CP Đất Xanh miền Trung đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Quảng Bình, giai đoạn 2022-2025. Theo đó, công ty sẽ hỗ trợ tổng số tiền 100 tỷ đồng để triển khai các hoạt động, như: Lễ hội ánh sáng và âm nhạc điện tử quốc tế thường niên, các sự kiện du lịch Quảng Bình; thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đồng bộ, có hệ thống để nâng tầm dịch vụ du lịch Quảng Bình…
Sự kiện lễ hội khinh khí cầu vừa được tổ chức tại bãi biển Bảo Ninh đã thu hút 50.000 lượt khách tham quan. Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó tổng Giám đốc kinh doanh, Tập đoàn Onsen Fuji, đơn vị tổ chức sự kiện cho biết: “Cùng với lễ hội khinh khí cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để mang hình ảnh của một Quảng Bình tiềm năng, an toàn, khác biệt, một biểu tượng nghỉ dưỡng quốc tế tại quê hương đến với cộng đồng du khách và nhà đầu tư. Đồng thời, chúng tôi cũng kỳ vọng có thể góp phần tạo nên diện mạo mới cho Quảng Bình qua sự xuất hiện của biểu tượng nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế-Dolce Penisola”.
Sự nỗ lực của các cấp chính quyền, mỗi người dân, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã mang đến luồng gió mới cho ngành Du lịch Quảng Bình. Sở hữu tiềm năng vô giá để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, tuy nhiên, Quảng Bình chưa có nhiều công trình, tổ hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của du khách trong khu vực và quốc tế. Hơn lúc nào hết, đây chính là cơ hội cho sự hợp tác giữa địa phương và các nhà đầu tư lớn, kích cầu xã hội hóa trong phát triển du lịch.
Diệu Hương
Bài 3: Khơi thông “điểm nghẽn”
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.