Nghị quyết cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Niềm tin và kỳ vọng

  • 15:52 | Thứ Sáu, 20/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 19/5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị để bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật  (ANTT) các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi (MN) của tỉnh. Hội nghị là tiền đề để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, các đại biểu dự hội nghị đã chia sẻ nhiều ý kiến thiết thực, quan trọng, đồng thời bày tỏ niềm tin và kỳ vọng lớn về hành trình phát triển mới.

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy điều hành hội nghị bàn giải pháp phát triển vùng biên giới, ĐBDTTS và MN
Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy điều hành hội nghị bàn giải pháp phát triển vùng biên giới, ĐBDTTS và MN.

Phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng  ĐBDTTS và miền núi MN của tỉnh là một trong những nội dung quan trọng mà tỉnh tập trung thực hiện trong những năm qua. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, bên cạnh những kết quả đạt được, trên hành trình phát triển, các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Vùng biên giới, ĐBDTTS và MN Quảng Bình có diện tích khoảng 3.845km2, chiếm hơn 47% diện tích toàn tỉnh và dân số hơn 45 nghìn người; có 9 xã biên giới với hơn 200km tiếp giáo với nước bạn Lào. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh.

Nhằm tạo cơ sở để tỉnh bổ sung nguồn lực phát triển bền vững vùng ĐBDTTS và MN, các xã biên giới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Để bảo đảm nội dung nghị quyết sát với thực tiễn, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện tại và tầm nhìn đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị với sự tham gia của các sở, ban, ngành, đặc biệt là sự có mặt của ban thường vụ Đảng ủy 18 xã, thị trấn khu vực biên giới, vùng ĐBDTTS và MN.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.

Minh Hóa là địa phương có 7 xã thuộc khu vực biên giới, vùng ĐBDTTS và MN. Chủ tịch UBND xã Hóa Tiến Đinh Ngọc Thủy hồ hởi chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự hội nghị để thảo luận, góp ý về tình hình KT-XH, bản sắc văn hóa, ANTT của các địa phương thuộc khu vực biên giới, vùng ĐBDTTS và MN. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với đồng bào. Qua xem xét dự thảo nghị quyết, tôi rất phấn khởi, thống nhất cao với quan điểm, mục tiêu và các nhóm giải pháp. Tôi mong muốn sau khi ban hành, nghị quyết sẽ nhanh chóng được triển khai, sớm về với đồng bào để góp phần nâng cao đời sống, phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa và ANTT của địa phương".

Đồng tình với những ý kiến chia sẻ nêu trên, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa (Minh Hóa) Hồ Thị Thoi nhấn mạnh những đổi thay của Trọng Hóa nói chung, đời sống ĐBDTTS nói riêng những năm gần đây. Theo chị Thoi, bên cạnh sự ổn định về đời sống vật chất, giữ gìn bản sắc văn hóa của ĐBDTTS là yếu tố quan trọng. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của đồng bào và cán bộ xã Trọng Hóa. Nghị quyết ban hành sẽ tạo cơ sở quan trọng và điều kiện thuận lợi để giúp địa phương lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi hướng dẫn đồng bào trồng và chăm sóc cây xanh.
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa (Minh Hóa) Hồ Thị Thoi hướng dẫn đồng bào trồng và chăm sóc cây xanh.

Đến từ xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa), nơi vẫn còn rất nhiều khó khăn, ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã không chỉ trăn trở với vấn đề phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào, mà giữ gìn những nét đẹp truyền thống của tộc người Mã Liềng (dân tộc Chứt) là nỗi băn khoăn rất lớn của ông.

“Việc tỉnh tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến và ban hành Nghị quyết về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là niềm vui rất lớn. Nghị quyết không chỉ góp phần bổ sung nguồn lực mà là cơ sở quan trọng để địa phương làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tôi tin tưởng khi nghị quyết được triển khai, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào sẽ ngày càng được nâng cao!”, ông Phúc chia sẻ.

Là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, những năm gần đây, với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, tỉnh, huyện và địa phương, ban, ngành, Thượng Trạch (Bố Trạch) đã có những đổi thay mạnh mẽ.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu gửi lời cảm ơn sự quan tâm của tỉnh và chia sẻ niềm vui khi được tham dự hội nghị đầu tiên mà tỉnh tổ chức để lắng nghe ý kiến các địa phương vùng ĐBDTTS và miền núi, biên giới; thảo luận, góp ý cho nghị quyết đầu tiên về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN tỉnh. Cùng với niềm vui khi hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch sẽ được dùng điện lưới và đường lên xã được nâng cấp, mở rộng, Chủ tịch UBND xã Đinh Cu cũng khẳng định quyết tâm của bà con trên hành trình mới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm lớp học tại bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm lớp học tại bản Đoòng (Bố Trạch).

Hai xã của huyện Quảng Ninh là Trường Sơn và Trường Xuân đều có chung nỗi băn khoăn, trăn trở là mặc dù diện tích rộng lớn, nhưng vấn đề đất ở và đất sản xuất cho đồng bào đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Bên cạnh đó, tình trạng một số hộ đồng bào sau khi được cấp đất đã chuyển nhượng cũng là tồn tại cần tháo gỡ trên hành trình phát triển. Bà con nơi đây cũng mong muốn có nước sạch phục vụ sinh hoạt, quan tâm đầu tư phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững… Những mong mỏi của đồng bào Trường Xuân, Trường Sơn đã được lắng nghe và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan xem xét sớm giải quyết các đề xuất, kiến nghị của đồng bào theo đúng quy định.

So với những địa phương khác trong tỉnh, các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN của huyện Lệ Thủy có những đặc thù khác biệt hơn. Tuy nhiên, họ đều có niềm vui chung khi lần đầu được trực tiếp chia sẻ, thảo luận, đề đạt những nguyện vọng cho đồng bào, cán bộ địa phương và góp phần hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị
Đại biểu phát biểu tại hội nghị.

Đặc biệt, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Thủy và Ngân Thủy (Lệ Thủy) đều có chung quan điểm, những tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương là trồng rừng và chăn nuôi. Tại dự thảo nghị quyết, phần nội dung phát triển các ngành kinh tế, ở mục tập trung phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đặt lên hàng đầu, sẽ mở ra những hy vọng mới để 2 địa phương phát huy hiệu quả những tiềm năng đó.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy phấn khởi chia sẻ về các giải pháp đồng bộ và cụ thể để phát triển du lịch trong dự thảo nghị quyết bởi địa phương đang sở hữu những tiềm năng về du lịch, dịch vụ; đồng thời, khẳng định: “Nghị quyết ban hành sẽ tạo động lực mạnh mẽ để chúng tôi tự tin và có điều kiện để phát huy những tiềm năng thế mạnh của quê hương!”.

Tại hội nghị, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành đã trực tiếp trao đổi, có ý kiến cụ thể đối với những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo các xã khu vực biên giới, vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh. Tất cả các ý kiến được tiếp thu, tổng hợp để bổ sung và hoàn thiện dự thảo nghị quyết nhằm sớm ban hành, tạo cơ sở vững chắc nhằm đưa các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN vững tin trên hành trình mới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng:“Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tạo cơ sở chính trị để tỉnh bổ sung nguồn lực phát triển bền vững vùng biên giới, ĐBDTTS và miền núi. Cùng với sự quan tâm của tỉnh, là những người đại diện cao nhất cho nguyện vọng, ý chí, tâm tư của đồng bào, đội ngũ cán bộ các địa phương nói trên cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần đưa vùng biên giới, ĐBDTTS và miền núi ngày càng phát triển!”. 

 

Ngọc Mai

 

tin liên quan

Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh

(QBĐT) - Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Cựu chiến binh huyện Quảng Ninh luôn trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới, xây dựng tổ chức hội trong sạch vững mạnh, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác nội chính năm 2022

(QBĐT) - Chiều 19/5, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác nội chính, năm 2022. 

Chủ tịch Quốc hội đón, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Singapore

Chiều 18/5, Lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin và Phu nhân đã diễn ra trọng thể tại Nhà Quốc hội với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phu nhân.