Lâm Hóa-Khát vọng miền xanh

  • 08:26 | Chủ Nhật, 15/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lâm Hóa-chỉ mới nhắc tới thôi đã thấy một miền xanh. Để đến được nơi này chúng tôi đi qua những cung đường lịch sử. Quốc lộ 1. Đường 12A. Đường 15. Trong chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, dọc theo những cung đường ấy là các tọa độ lửa vô cùng ác liệt nhưng bây giờ thì ngút ngàn xanh. Xã Lâm Hóa nằm ở rìa Tây huyện Tuyên Hóa, diện tích hơn 10.000ha, 315  hộ, 1.299 nhân khẩu. Trong đó, gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu thuộc tộc Mã Liềng, dân tộc Chứt. Diện tích tự nhiên tương đối lớn nhưng đất sản xuất nông nghiệp rất ít. Rừng và đất rừng chiếm đa số với độ che phủ lên đến 93%. Vậy nên, gọi Lâm Hóa là miền xanh chẳng quá lên chút nào.
 
Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I  thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tỉnh Quảng Bình có 15 xã, gồm: 11 xã khu vực III, 2 xã khu vực II và 2 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Lâm Hóa là xã duy nhất của huyện Tuyên Hóa thuộc khu vực III. Theo đó, Lâm Hóa đã nhận được sự hỗ trợ phát triển bởi các chương trình, chính sách về giảm nghèo, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo cùng nhiều chính sách về giáo dục, y tế….
 
Gặp anh Cao Phương Hướng, Chủ tịch UBND xã trong một ngày gần đây, anh cho biết: Thời gian qua, UBND Lâm Hóa đã linh hoạt trong chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án Nhà nước hỗ trợ, kết hợp nguồn lực tự có để chủ động xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Nhiều hộ gia đình thực hiện chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng, bảo vệ rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, nông thôn Lâm Hóa đang từng ngày thay đổi.
 
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5%, xã hoàn thành 11 tiêu chí trong bộ 18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, Lâm Hóa tiếp tục tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện, thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư trên địa bàn; đồng thời huy động nội lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt thêm tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
 
Lâm Hóa hãy còn nghèo. Phía trước Lâm Hóa còn nhiều mục tiêu để phấn đấu. Nhưng chủ trương của Đảng ủy, UBND xã Lâm Hóa là không vì thế mà nóng vội. Dù đích đến còn xa cũng cần phải tiến hành vững chắc từng bước một, để mỗi kết quả đạt được đều thực chất, bền vững và mang ý nghĩa sâu sắc đối với dân sinh kinh tế của địa phương.
 
Nhớ lần theo chân Phó Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Đinh Văn Bắc đến thăm các di tích lịch sử cách mạng: Cầu Ka Tang, trận địa pháo bắc Ka Tang ghi dấu một thời chiến đấu oanh liệt của bộ đội, quân và dân Lâm Hóa trong kháng chiến chống Mỹ, thăm bản Kè của đồng bào Mã Liềng với chiếc cầu treo hữu tình bắc qua sông Gianh và một số công trình dân sinh kinh tế trọng điểm trên địa bàn.
Một góc bản Kè, xã Lâm Hóa.
Một góc bản Kè, xã Lâm Hóa. Ảnh: Văn Tư
Bắc nói với tôi về quê hương mình đầy đủ chi tiết đến tận từng con số: Chiến tranh tàn phá dữ dội, nhân dân Lâm Hóa bắt đầu xây dựng lại quê hương từ những hố bom nên còn nhiều vất vả. Quê em nghèo. Một xã mà có đến hơn 50% số hộ nghèo thì quá nghèo rồi còn gì?! Nhưng được cái là từ trong chiến tranh đến hòa bình, dù gian khổ đến mấy, nhân dân Lâm Hóa cũng chưa bao giờ nản chí. Đồng bào chăm chỉ làm ăn và khát khao thay đổi cuộc sống.
 
Bắc kể với tôi về hành trình xây dựng đời sống mới của đồng bào Mã Liềng như một lời minh chứng. Người Mã Liềng mãi đến năm 1992 mới chính thức định cư tại ba bản: Bản Kè, bản Chuối và bản Cáo, xã Lâm Hóa và bản Cà Xen, xã Thanh Hóa. Những năm đầu rời núi về lập bản mới là quãng thời gian cực kỳ gian nan đối với đồng bào và chính quyền các cấp. Gặp chút khó khăn là đồng bào dắt nhau bỏ bản trốn vào rừng. Cán bộ chuyên trách hết lần này đến lượt khác cơm đùm gạo bới tìm kiếm, thuyết phục vận động đồng bào trở về.
 
Điệp khúc ấy liên tục lặp lại nhưng nhờ kiên trì và đồng tâm hiệp lực nên đến hôm nay đời sống người Mã Liềng cơ bản ổn định. Được sự hỗ trợ về mọi mặt từ lương thực, thực phẩm mỗi khi gặp khó khăn đến các loại hạt giống, cây con giống và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt..., đồng bào đã yên tâm định canh, định cư, mở mang sản xuất, xây dựng đời sống mới.
 
Mặc dù diện tích canh tác lúa và hoa màu không cao nhưng các vụ sản xuất trong năm đều được mùa.Kinh tế phát triển là tiền đề để đồng bào nâng cao văn hóa, ổn định đời sống tinh thần. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Mã Liềng, các làn điệu dân ca, truyện cổ dân gian được lưu giữ và truyền thụ qua các thế hệ; phong tục tập quán, tín ngưỡng, như: Đặc điểm về nhà ở, trang phục, ẩm thực, tục thờ cúng tổ tiên, các vị thần được bảo tồn. Nổi bật là lễ hội cúng rừng vào tháng 2 âm lịch cầu mong bình an may mắn cho đồng bào trong bản, lễ đón lúa trổ đòng tháng 7 âm lịch, lễ cúng cơm mới dâng lên tổ tiên tháng 8 âm lịch, lễ cúng tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu ngày 2/9 hàng năm.
 
Càng ngày trong cộng đồng càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, gương mẫu trong xây dựng đời sống văn hóa. Cụ Cao Dụng là người đầu tiên ở bản Kè nghe theo vận động của cán bộ xã, rời núi cao về bản mới. Trồng lúa nước, chăn nuôi trâu bò, lợn gà, trồng rừng và nhận chăm sóc bảo vệ rừng đã mang đến cho gia đình cụ nguồn thu nhập ổn định, điều kiện sống từng ngày được cải thiện rõ rệt. Theo con đường của cụ Cao Dụng, đồng bào ở bản Kè đã và đang cố gắng vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, những người thế hệ 6X, 7X có nhận thức mới đang ngày càng trở nên năng động hơn. Hồ Phình sinh năm 1976 là một điển hình.
 
Từ số vốn được vay theo chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, Hồ Phình chăn nuôi trâu, bò theo đàn, tham gia trồng và bảo vệ  rừng. Hàng năm, anh thu lời lên đến hàng trăm triệu đồng. Đó là con số không tưởng đối với đồng bào Mã Liềng. Hồ Phình trở thành tấm gương sản xuất giỏi của người Mã Liềng và là người đầu tiên ở bản Kè viết đơn xin thoát nghèo. Nghe Đinh Văn Bắc thông báo, vụ hè-thu vừa rồi cụ Cao Dụng, Hồ Phình và dân bản được mùa lúa nên cả bản rất mừng.
 
Đến Lâm Hóa lần đầu hay thứ mấy, cảm giác chìm vào trong lành và bình yên vẫn luôn tràn ngập. Ở đó, cánh rừng tiếp nối cánh rừng, tạo nên những cung sắc tươi xanh trải dài và kéo xa mãi tận chân mây. Với Cao Phương Hướng và Đinh Văn Bắc, quê hương Lâm Hóa của họ dẫu xa xôi và nghèo khó nhưng đang tự tin chuyển mình đi tới. Bởi, bên cạnh sự hỗ trợ mọi mặt của Nhà nước, nhân dân Lâm Hóa cần cù, chăm chỉ vì một cuộc sống ấm no.
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Không thiết thực!

(QBĐT) - Đi học về, thấy mặt cu P. xịu xọ, chị V. vội hỏi.

Tập huấn SMART Desktop cho cán bộ kỹ thuật và kiểm lâm

(QBĐT) - Từ ngày 12-14/10, Ban Quản lý dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học Quảng Bình phối hợp với Tổ chức Fauna&Flora tổ chức tập huấn SMART Desktop cho cán bộ kỹ thuật và kiểm lâm.

Người khiếm thị lan tỏa ý chí thoát nghèo

(QBĐT) - Có rất nhiều hộ người mù, người khiếm thị thoát nghèo đã quay trở lại giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Việc làm đó đã lan tỏa ý chí thoát nghèo của những người yếu thể để họ cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.