Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi VPPL về pháo trên địa bàn tỉnh

  • 08:57 | Thứ Bảy, 06/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để phát huy và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) về pháo, hạn chế đến mức thấp nhất việc đốt pháo trái phép vào các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn, ngày 05-11-2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2466/UBND-NCVX yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tập trung tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với các hành vi VPPL về pháo.
 
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ (Nghị định số 137/CP) về quản lý, sử dụng pháo; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) phục vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và của tỉnh.
 
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông, chính quyền các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong Nhân dân quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo; phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kết hợp tổ chức tuyên truyền, vận động và ký cam kết thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, nhất là cam kết không đốt pháo vào dịp Tết và đêm giao thừa trong Nhân dân; sử dụng đồng bộ biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép.
 
Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát các địa bàn, tuyến trọng điểm nhất là trên tuyến biên giới Việt - Lào, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, đường tiểu ngạch, nhà ga, bến xe, cảng, kho tàng, bến bãi và phương tiện giao thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm; phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân các cấp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép; đưa ra xét xử lưu động, công khai một số vụ án điểm để tuyên truyền, răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
 
Cùng với đó, các ngành, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo; tổ chức tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, tuyến biển và các đường tiểu ngạch, đặc biệt chú ý khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, những người đi làm ăn từ Lào về để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo; tăng cường các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn tình trạng vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo trên địa bàn, nhất là các tuyến giao thông, kho hàng, các chợ, trung tâm thương mại...
 
Mặt khác, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, trong đó cần tập trung tuyên truyền rộng rãi nội dung cơ bản của Nghị định số 137/CP; sự nguy hiểm, tác hại, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm; đăng tải các tin, bài về công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ việc liên quan đến pháo trên phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở để Nhân dân biết và thực hiện nghiêm túc, góp phần làm tốt công tác phòng ngừa xã hội.
 
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ chủ trương, giải pháp về công tác quản lý, sử dụng pháo trên địa bàn quản lý; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Tổng kiểm tra và vận động Nhân dân giao nộp vũ khí - vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ và pháo; tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường thời lượng, tần suất tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống truyền thanh cơ sở ở các thôn, bản, tổ dân phố; lắp đặt hệ thống pa-nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép; tổ chức các điểm tiếp nhận, thu hồi để tạo thuận lợi cho Nhân dân giao nộp pháo trên địa bàn.
 
Đặc biệt, căn cứ tình hình thực tế, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo.
 
Cơ quan, đơn vị, địa phương nào buông lỏng chỉ đạo, thực hiện, để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về pháo, nhất là tình trạng đốt pháo trái phép tại địa phương mà không phát hiện, xử lý kịp thời thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh...
PV

tin liên quan

"Tuổi trẻ Quảng Bình làm đẹp biển cùng Huda"

(QBĐT) - Ngày 31-10, tại bãi biển Nhật Lệ, TP. Đồng Hới, Tỉnh đoàn Quảng Bình và Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam - Nhãn hàng Bia Huda phối hợp tổ chức chương trình "Tuổi trẻ Quảng Bình làm đẹp biển cùng Huda" năm 2021.

"Điểm tựa" của bản

(QBĐT) - "Muốn làm trưởng bản thì học Hồ Hơn", đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Võ Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân (Quảng Ninh) khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về Hồ Hơn, người trưởng bản kỳ cựu tròn 30 năm gắn bó với những đổi thay của bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân.

Tuyên truyền về tác hại của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo

(QBĐT) - Ngày 4-11 tại xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh), Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh phối hợp với UBND xã Hàm Ninh, Công an huyện Quảng Ninh tổ chức hội nghị tuyên truyền các quy định của pháp luật và cách nhận biết tác hại, nguy hiểm của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.