Điểm sáng Thanh Hóa

  • 07:59 | Thứ Năm, 04/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là xã vùng cao biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng nhờ sự kiên trì bám dân, bám địa bàn của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ra Mai, Bộ đội Biên phòng tỉnh và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) đã trở thành điểm sáng về chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Cuộc đời của bà Hồ Thị Khuôn, 95 tuổi, người Mã Liềng (dân tộc Chứt) ở bản Cà Xen chính là sự minh chứng cho nỗi đau của nạn tảo hôn. Bà được bố mẹ gả lấy chồng từ khi chưa bước vào tuổi thiếu nữ. Mang thai đứa con đầu lòng, bà vẫn đang ở vào cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới” cho nên không biết gì về việc chuẩn bị làm mẹ.
 
Bà Khuôn chia sẻ: “Tôi lấy chồng sớm nên chẳng bao giờ được đi chơi ra khỏi bản. Hàng ngày, phải đi nương, đi rẫy với cái gùi chất đầy cây củi, cây măng, củ sắn, củ mài. Trước đây, phụ nữ Mã Liềng phải lấy chồng sớm nên khổ lắm”.
Tuyên truyền pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân bằng mô hình “Tiếng loa Biên phòng”.
Tuyên truyền pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân bằng mô hình “Tiếng loa Biên phòng”.
Cùng với nạn tảo hôn làm cho người phụ nữ và trẻ em gái chịu nhiều thiệt thòi, cơ cực thì vấn nạn hôn nhân cận huyết thống cũng đã gây ra không ít hệ lụy nghiêm trọng về nòi giống và chất lượng dân số... Do mật độ dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng thiếu sự đồng bộ nên người dân chưa được tiếp cận thường xuyên với những thông tin cần thiết cho đời sống, nhất là các thông tin liên quan đến pháp luật. Đây chính là lý do dẫn đến nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trở thành nỗi nhức nhối kéo dài suốt nhiều thập kỷ trên địa bàn xã Thanh Hóa.
 
Từ những hệ lụy do nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại rất nặng nề, cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Ra Mai đã tích cực phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể địa phương kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân.
 
Trung tá Lê Quang Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết: “Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, trình độ của người dân còn hạn chế..., nên đòi hỏi công tác tuyên truyền của đơn vị cũng phải linh hoạt theo từng đối tượng, đa dạng về hình thức, phương pháp, nội dung. Để đạt hiệu quả, đơn vị đã gắn việc tuyên truyền pháp luật với giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, vận động trẻ em đến trường, xây dựng điển hình... để người dân nhìn thấy và làm theo”.
 
Đồn Biên phòng Ra Mai đã gắn thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2017-2021” với tuyên truyền đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. Luật Biên giới quốc gia, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em... thường xuyên được cán bộ đồn trực tiếp hoặc phối hợp với địa phương phổ biến đến người dân theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”.
 
Ông Hồ Bột, 51 tuổi, dân tộc Chứt ở bản Cà Xen chia sẻ: “Những năm gần đây, việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa rất tốt. Cán bộ đồn biên phòng và xã đến trực tiếp các hộ để phát tờ rơi, giải thích cặn kẽ những vấn đề người dân chưa hiểu, vì thế bà con đã hiểu những tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và thực hiện nghiêm túc”.
 
Nói về hiệu quả của công tác phối hợp giữa địa phương và Đồn Biên phòng Ra Mai trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho biết: “Đồn Biên phòng Ra Mai đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức cùng với nội dung tuyên truyền được chuyển tải một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để bà con tiếp cận một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển bền vững, nâng cao nhận thức của người dân để tự chuyển đổi hành vi trong chấp hành, thực hiện nghiêm pháp luật”.
 
Từ năm 2017 đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã hoàn toàn chấm dứt ở Thanh Hóa. Đó chính là kết quả của sự kiên trì cùng tinh thần cố gắng không biết mệt mỏi của các cán bộ, chiến sỹ biên phòng và chính quyền địa phương.
                                                                         
 Nguyễn Thành Phú

tin liên quan

Từ 31-10, khách đi tàu chỉ cần khai báo y tế điện tử trên PC-COVID

Từ ngày 31-10, hành khách đi tàu hỏa chỉ khai báo di chuyển trên PC-COVID mà không cần khai theo mẫu phiếu thông tin hành khách.

Loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nổi bật tuần qua

Nghị định hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023… là những thông tin chỉ đạo nổi bật trong tuần.

Khởi công xây dựng 2 ngôi nhà nhân ái cho học sinh nghèo

(QBĐT) - Triển khai chương trình "Điều ước cho em", ngày 30-10, Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại (GD&TĐ) khu vực miền Trung -Tây Nguyên phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tỉnh, nhà hảo tâm khởi công xây dựng 2 ngôi nhà nhân ái cho 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Lệ Thủy.