Nhớ lắm tháng ba

  • 07:27 | Thứ Tư, 20/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm nay, sau Tết âm lịch là đợt nắng kéo dài khiến người ta quên mất những cơn rét còn sót lại của mùa đông. Bầu trời như cao hơn khi nỗi nhớ về ngày cũ vơi đầy theo năm tháng. Tháng ba có cái gì đó mênh mang bởi tiết trời từ xuân sang chớm hạ rất lạ kỳ. Chỉ biết thầm gọi một bông hoa, tên một người là đủ ấm áp, mê say. 
 
Mỗi khi tháng ba đến, tôi lại nhớ về mệ cùng kỷ niệm, hai mệ cháu làm món dưa chuối để qua cơn đói mỗi ngày. Hồi ấy, ra giêng, hầu hết nhà nào trong xóm tôi cũng hết gạo. Món chuối muối, sắn, khoai độn cơm đã nuôi lớn bao thế hệ lớn khôn, trưởng thành. Mỗi khi nghĩ lại, tôi muốn bật khóc thấy dáng mệ đổ trên sân cùng đôi quang gánh trĩu nặng đi vay thóc nhà người ta khi mùa giáp hạt đến.
 
Những bước chân loạng choạng dưới cơn mưa, tấm áo loang vết mủ khi làm dưa chuối hằn lên trong tâm trí tôi. Đôi khi, tôi giật mình, muốn bơi ngược lại thời gian để được sống trong nỗi nhọc nhằn thuở ấy. Nhưng nhận ra, đôi bàn tay chỉ có thể chạm vào khoảng trời ấu thơ cùng những hoài niệm xa xăm... Dòng đời trôi về phía trước, quá khứ ở sau lưng, chỉ còn hiện tại rưng rưng khi tháng ba về.
 
Ngày ấy, ăn Tết xong, làng tôi chìm trong cơn đói. Nhà tôi đông anh em, bữa ăn mệ chia đều mỗi đứa một bát rồi mệ ngồi nhìn chúng tôi ăn. Mệ lặng lẽ nuốt giọt bâng khuâng, hạnh phúc vì cả nhà ăn như tằm ăn nong. Thuở ấy, bọn trẻ chỉ biết cầm đũa, cầm thìa là không cần ai cho ăn cả, cứ thế cắm cúi ăn. Ăn ngon lành sung sướng...
 
Tôi nhớ, trước thềm nhà, mệ lụi cụi thái mỏng gốc chuối ra từng khoanh cho vào thùng rửa sạch rồi ướp muối. Nhớ lắm bàn tay mệ sần chai, loem luốc vì mủ chuối. Những vết nhơ ngày ấy đã làm sáng đời tôi. Nhớ hình dáng mệ lọm khọm nhặt từng miếng chuối mỏng tinh thơm rửa sạch, mỗi khi tay mệ ép nước muối tôi nghĩ đến lòng mệ đang gửi vào đó sự gợn đục khơi trong và sự ấm áp, bao la.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Những chum hũ chuối muối tựa các ngôi sao tượng hình trong ký ức thi thoảng chớp sáng trong tôi, nối liền hiện tại và ký ức. Nay, mệ không còn, cuộc sống âm thầm mang theo những thứ quý giá nhất nếu ta không biết cách lưu giữ. Ngôi nhà xưa đã đổi khác, khu vườn đã được quy hoạch lại song tiếng nói và bàn tay của mệ vẫn da diết trong tôi giữa dòng đời ồn ã, tấp nập. Màu trắng của từng thớ chuối như nỗi đa đoan của đời sống nhiều trắc trở cứ trùng trình trong tôi.
 
Mỗi lần về nội, nhìn ra sau vườn, tôi vẫn hình dung ra được dáng người thấp thoáng, nhỏ bé, tỉ mẩn vun từng luống rau giữa cơn mưa phùn giá rét cùng chiếc nón sờn rách, bạc màu. Tôi vào căn bếp xưa, lấy chiếc bát cũ ra đứng nhìn. Từng bát cơm độn sắn và món chuối muối hiện lên thật rõ. Hình như mệ từ vườn nhìn vào cười hiền, khóe mắt hằn dấu chân chim, giọng mệ trầm ấm giữa trưa tháng ba.
 
Tôi sững người nuốt vội giọt ký ức, mơ ước tìm được chiếc vé tuổi thơ dẫu biết rằng năm tháng hững hờ, có chờ đợi ai. Phía bên kia vườn, khe khẽ thanh âm của lũ trẻ đang bi bô học bài. Dòng suy tư như chợt tan ra, sâu hút và tôi nhận ra rằng cần bước chậm lại giữa dòng đời đang trôi để chộn rộn vỡ tan và thấy được niềm vui đi qua mỗi ngày.
 
Cũng như nội, mạ tôi ngày nào cũng rửa rau, chao cỏ và rửa chuối bên dòng Kiến Giang. Trong ánh nắng cuối ngày soi tỏ con nước xanh thẳm, mắt mạ bừng lên màu đỏ của loài hoa mưng đậu trên nhánh sông đi ngang nhà. Ngày xưa và hôm nay cũng thế, cây mưng găm vào tôi như một dấu son. Mưng đưa mệ đến với ông nội bằng làn điệu hò khoan nhân nghĩa và mưng đưa ba tìm đến mạ dọc con nước này.
 
Khi còn tại thế, mệ tôi dặn: “Món chuối muối chấm với trứng vịt là sản vật của tổ tiên người Lệ Thủy, còn hoa mưng trên sông nước này như thêu gấm dệt hoa, cố mà giữ lấy.” Tôi nhìn lên cây mưng đầu ngõ, thấy màu xanh nõn thì thầm cùng đất đai như đang kể chuyện xưa. Có lẽ, đã đến lúc nhà tôi sẽ phục hồi lại vạt cây chuối sau hè và làm đẹp hơn cây mưng hiện có. Hai loài cây này có sức sống lạ kỳ và giúp con người sống bằng sự trong veo cùng niềm trắc ẩn.
 
Mà cũng lâu lắm rồi, tôi chưa ăn lại món chuối muối, mạ tôi cũng không còn xuống sông chao gánh nước, rửa rau, thái chuối. Nhưng vào tháng ba này, khi vang lên tiếng râm ran của lũ chim sâu chuyền cành trong tiết trời ưng ửng nắng, tôi lại thấy lấp ló mùi của ký ức đang bừng sáng. Mùi của đất đai đang vỡ, mùi ngai ngái những bộ áo quần ẩm ướt tuổi học trò và vị nồng ấm của hương chuối đang lan tỏa trên đầu lưỡi. Lòng lại bồi hồi, xao động. Tháng ba ơi!
Ngô Mậu Tình

tin liên quan

Màu hoa bưởi tháng ba

(QBĐT) - Trắng màu hoa bưởi tháng ba
Men theo làn gió là đà đưa hương
Cho lòng thêm chút vấn vương!
Mùa hoa của thuở nhớ thương ngập lòng

"Giữ lửa" văn hóa truyền thống

(QBĐT) - Huyện Lệ Thủy được biết đến là vùng địa linh, nhân kiệt với nhiều di tích lịch sử và trầm tích di sản văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các làn điệu dân ca, hò khoan đã và đang lan tỏa, tạo nên những mảng văn hóa đa sắc màu, trở thành vốn di sản quý đang được các nghệ nhân, địa phương chú trọng bảo tồn và phát huy.

Ký gửi tháng ba

(QBĐT) - Tháng ba nói gì
mà hoa gạo thắp lửa
ngọn hải đăng chấp chới giữa mù sương
dẫn đường ta về lại quê hương