Những lời hát ru của làng Cảnh Dương

  • 07:53 | Chủ Nhật, 17/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong các loại hình văn học dân gian, có thể khẳng định hát ru là một trong những loại hình ra đời sớm nhất. Đó là những bài hát nhẹ nhàng mà phần lời được lấy từ các thể thơ dân gian, như: Ca dao, đồng dao, hò, vè; các đoạn thơ lục bát, những truyện Nôm viết theo thể lục bát; cũng có khi được người hát ứng tác… để giúp đứa trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Hát ru là sự kết hợp giữa lời ca với âm điệu, nhịp điệu, giai điệu, chất giọng. Âm điệu, nhịp điệu, giai điệu thường đơn giản cốt sao cho du dương, trầm bổng, êm tai.
 
Trong thời buổi các phương tiện giao tiếp chưa phát triển như ngày xưa, lời ru còn được sử dụng để giãi bày, tâm sự, gửi gắm tình cảm. Bà mượn hát ru để tâm sự với con cháu, mẹ thông qua hát ru để dạy dỗ những đứa trẻ, vợ hát ru để giãi bày với chồng điều khó nói… Trong nhịp sống hiện đại, để bảo tồn, phát huy những lời hát ru là điều không hề dễ dàng. Những lời hát ru đang có nguy cơ mai một dần.
 
Làng Cảnh Dương (Quảng Trạch) là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Người Cảnh Dương có giọng nói khá đặc biệt rất dễ nhận diện. Điều đó góp phần làm nên nét khác biệt của hát ru ở vùng quê này. Cũng như các vùng miền khác, hát ru Cảnh Dương hình thành và phát triển từ khi mới thành lập làng đến nay. Lời hát ru phần lớn cũng bắt nguồn từ ca dao, thơ lục bát, truyện thơ viết theo thể lục bát được lưu truyền rộng rãi từ đời này qua đời khác.
 
Bởi vậy, trong kho tàng lời ru Cảnh Dương ta bắt gặp không ít lời những bài ca dao, thơ lục bát, truyện thơ lục bát quen thuộc. Số lượng lời hát ru được người Cảnh Dương sáng tác tuy không nhiều nhưng rất quan trọng. Nó góp phần làm nên nét riêng đặc sắc của hát ru Cảnh Dương. Ngay với những lời hát ru quen thuộc cũng được người Cảnh Dương chế tác và hát với chất giọng riêng, cách luyến láy riêng, giai điệu riêng, lời đệm riêng… tạo nên nét độc đáo không hề giống bất cứ ở địa phương, vùng miền nào.
 
Chẳng hạn như bài: Chiều chiều ra đứng bến sông/Muốn về thăm mẹ mà không có đò qua lời ru của người Cảnh Dương nghe rất lạ, bởi chất giọng có âm vực cao so với các địa phương khác, lại chen vào các từ đệm, như: “Hò hẻ hò hè”, “bồn bổn bồn bồn” hòa cùng nhịp võng, nhịp sóng.  
 
Vì ở vùng biển, lại thuần ngư nên trong kho tàng những lời hát ru Cảnh Dương cũng như các làng biển khác phần lớn liên quan đến nghề đánh bắt thủy sản. Trong kho tàng những lời hát ru Cảnh Dương có khá nhiều bài đề cập đến tình cảm vợ chồng, tình yêu trai gái và thường gắn liền với nghề đánh bắt xa bờ. Đây là tâm trạng của người phụ nữ Cảnh Dương đối với chồng, đối với người yêu đang đánh bắt ngoài khơi: Trông ra ngoài biển tù mù/Thấy anh câu đục, câu đù mà thương. Không bóng bẩy, văn hoa, lời ru chân thành, mộc mạc mà chan chứa tình cảm. Phải thấu hiểu cảnh ngộ, cảm thông sâu sắc, người hát ru Cảnh Dương mới chia sẻ với những cặp vợ chồng, những đôi trai gái phải sống xa nhau: Hôm qua anh gối tay nàng/Hôm nay ra biển anh gối đàng dây neo.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý

Sự đối lập “hôm qua” với “hôm nay”, giữa “gối tay nàng” và “gối đàng dây neo” làm người nghe không khỏi ngậm ngùi, thương cảm. Bởi thiếu thốn tình cảm vì luôn phải sống xa nhau nên những người vợ làng Cảnh Dương thường cầu xin: Trông cho trời nổi gió Đông/Cho ghe thuyền chạy, cho chồng tôi lên. Mỗi lần: Ra đi từ đất Cảnh Dương/Càng thương, càng nhớ vấn vương trong lòng.

Phụ nữ Cảnh Dương hết sức thấu hiểu công việc nặng nhọc của chồng, của người yêu: Một mình cả chống liền chèo/Lấy ai tát nước sang lèo cho anh. Họ mong muốn sống bên nhau, nương tựa vào nhau: Chồng chài, vợ lại thả câu/Lân la sông biển nuôi nhau tháng ngày. Thông qua những lời hát ru, ta thấu hiểu được những cảnh ngộ éo le của những người dân làng biển Cảnh Dương thời trước: Tháng ba trong nước em ơi/Bớt tiền riêng giấu mẹ mà nuôi anh cùng; Đi câu thì sợ lỗ mồi/Ở nhà con đói đứng ngồi không yên.

Mặc dù vậy, họ luôn khao khát hạnh phúc lứa đôi: Mấy lời nhắn với anh câu/Cá ăn thì giật, để lâu mất mồi. Họ đầy bản lĩnh và tự tin: Công anh đã bủa lưới ra/Không tôm thì tép, không nha thì còng. Chính nhờ niềm tin ấy họ vượt lên hoàn cảnh, vượt lên số phận, duy trì cuộc sống gia đình từ đời này qua đời khác. Không những thế, họ luôn tìm niềm vui trong công việc.
 
Trong kho tàng những lời hát ru Cảnh Dương có bài khá độc đáo: Một đêm năm bảy nàng hầu/Không bằng con cá cắn câu cong cần. Các tác giả dân gian sử dụng biện pháp so sánh hóm hỉnh, thông minh, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống của người dân lao động. Đây là khoái cảm có thật của người đi câu cá. Có đến sáu phụ âm “C” được đặt liền nhau ở câu thứ 2: Con-cá-cắn-câu-cong-cần làm cho người nghe như nhìn thấy độ cong của chiếc cần câu hiện ra trước mắt.
 
Người làng Cảnh Dương động viên nhau: Muốn câu con sủ ba đòn/Con sơn, con ngạnh sông Roòn thiếu chi. Theo tôi biết, cá sủ là loại cá sống ở nước mặn, đẻ trứng ở vùng nước lợ (cửa sông), sinh trưởng ở vùng nước ngọt 1-2 năm đầu đời rồi mới quay ngược lại vùng nước mặn. Có con cá sủ dài gần 2m, nặng hơn 160kg. Vì vậy, phải dùng đến “ba đòn” và sáu người mới khiêng nổi. Đó là giống cá quý hiếm, thường sống ở dưới rạn san hô. Tiếc là rạn san hô ở Cảnh Dương đã không còn nữa và giống cá sủ cũng bỏ đi đâu mất. Tên cá sủ chỉ còn lưu dấu trong kho tàng những lời hát ru Cảnh Dương mà thôi.
 
Thuở nhỏ, tôi đã nghe bà nội ru chú em tôi đang nằm võng: Chiều chiều ông Đội đi câu/Cái be, cái chén, cái bầu sau lưng. Vào Huế tôi lại nghe: Chiều chiều ông Ngự đi câu/Cái be, cái chén, cái bầu sau lưng. Nghe những lời ru Cảnh Dương, tôi cũng phát hiện có bài tương tự: Chiều chiều ông Đũi đi câu/Cái be, cái chén, cái bầu sau lưng. Đây là hiện tượng thường thấy ở phần lời nhiều bài hát ru ở các địa phương, vùng miền khác. Lời bài hát ru hầu hết đã có sẵn từ thời nào, các bà, các mẹ, các chị chỉ thay đổi tên người đi câu cho phù hợp với địa phương mình. Bởi, hầu như ở làng quê nào cũng có những ông Đội, ông Ngự, ông Đũi kỳ cục như vậy. Các ông đi câu mà không thấy vác cần câu, mang mồi, giỏ mà lại mang “cái be, cái chén, cái bầu sau lưng”.
 
Với phần lời những bài hát ru như vậy, rất khó xác minh nguồn gốc. Có điều, người làng Cảnh Dương không chịu dừng lại ở sự rập khuôn có sẵn mà còn mạnh dạn sáng tạo, chế biến thành: Chiều chiều ông Lữ đi câu/Bà Lữ đi xúc, con dâu đi mò. Ông Lữ này đi câu là đi câu thật (khác với ông Đội, ông Ngự, ông Đũi chủ yếu là tìm thú vui nhàn tản). Cùng với ông Lữ còn có "bà Lữ đi xúc" và cô "con dâu đi mò". Sự mới mẻ, sáng tạo này rất khó tìm thấy ở bài hát ru ở địa phương, các làng biển khác.
 
Hát ru Cảnh Dương là món ăn tinh thần vô giá. Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3427/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hát ru Cảnh Dương chính thức được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Trần Quang Bình (nguyên giảng viên Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục Bình Trị Thiên; giảng viên, Trưởng khoa Khoa Quản lý giáo dục Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên-Huế)-một người con của làng Cảnh Dương giàu tình yêu và tâm huyết với quê hương đang dành nhiều công sức sưu tầm, biên soạn công trình “Những lời hát ru Cảnh Dương”-một việc làm hết sức ý nghĩa.
Mai Văn Hoan

tin liên quan

Chung tay bảo tồn di sản văn hóa-Bài 2: Để di sản văn hóa phi vật thể "sống" mãi thời gian

(QBĐT) - Những năm qua, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) nói chung, DSVHPVT được UNESCO ghi danh trong danh mục các DSVHPVT đại diện của nhân loại và Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng được triển khai thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Nghiêng

(QBĐT) - Cơn mưa run rẩy níu mùa
mặt trời xám đám mây chiều muộn
anh vội vàng
sự bình yên của tuổi vỡ tan

Hội Báo toàn quốc năm 2024: Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng

Với chủ đề "Báo chí Việt Nam-Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân," Hội Báo toàn quốc năm 2024 quy tụ sự tham gia của hơn 600 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.