Chung tay bảo tồn di sản văn hóa-Bài 1: Miệt mài giữ "ngọc"
(QBĐT) - Quảng Bình là xứ sở của nhiều làn điệu dân ca, các lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Nhiều năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị của di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT); trong đó có sự đóng góp rất lớn từ các nghệ nhân dân gian (NNDG) bởi họ là hạt nhân trong việc gìn giữ, truyền dạy, quảng bá và phát huy giá trị của di sản trong cuộc sống hiện đại.
Chúng tôi muốn nói đến NNDG-những người “giữ lửa” và “truyền lửa” niềm đam mê với văn hóa truyền thống ở các làng quê trên địa bàn tỉnh. Họ vừa nắm giữ vốn tri thức dân gian, vừa miệt mài truyền dạy để những tinh hoa văn hóa của dân tộc sống mãi với thời gian.
Như “con tằm lặng lẽ ươm tơ”, nhiều NNDG đã gắn trọn cuộc đời cho việc gìn giữ, truyền dạy các làn điệu dân ca cho thế hệ sau, như: Cố nghệ nhân (NN) Phạm Thị Thứu (CLB ca trù Đông Dương, xã Quảng Phương), cố NN Phạm Ngọc Thức (CLB dân ca Cảnh Dương) ở huyện Quảng Trạch… Ở các địa phương đều có những NN tiêu biểu và họ giữ vai trò là người “cầm trịch” trong hoạt động của các CLB ca trù, hát ru, hát kiều, hát sắc bùa, hò khoan Lệ Thủy...
Điển hình là NN nhân dân Phạm Thị Niếu (xã Nhân Trạch, Bố Trạch) nắm giữ, truyền dạy các làn điệu hò và nghệ thuật trình diễn múa bông, chèo cạn của cư dân vùng biển cùng các NN ưu tú, như: Lê Thành Lộc thực hành, truyền dạy hát ru Cảnh Dương; Lê Thị Hồng Hạnh, Đặng Thị Hồng Hới, Đặng Ngọc Linh, Nguyễn Hữu Điệp, Nguyễn Thị Lý (Lệ Thủy)… nắm giữ nghệ thuật trình diễn, truyền dạy hò khoan Lệ Thủy.
NN ưu tú Đặng Thị Hồng Hới, người biết hát hò khoan từ nhỏ và đã có 35 năm tham gia trình diễn, truyền dạy hò khoan Lệ Thủy cho hay: Năm 2018, CLB “Yêu câu hò xứ Lệ” được thành lập và bà giữ vai trò chủ nhiệm. Đến nay, CLB có 20 thành viên, trong đó có 3 NN ưu tú, 2 NNDG Việt Nam. Các thành viên trong CLB rất nhiệt tình trong việc sưu tầm lời cổ, soạn lời mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lưu giữ, quảng bá hò khoan.
Ngoài việc xây dựng các video clip, CLB còn sử dụng mạng xã hội để đăng tải các tiết mục, video clip đặc sắc nhằm lan tỏa tình yêu hò khoan đến với bạn bè, nhất là những người con của quê hương Lệ Thủy đang sinh sống, công tác ở các địa phương trong nước và ở nước ngoài. Đây cũng là một trong những CLB hoạt động sôi nổi, sinh hoạt đều đặn và để lại nhiều dấu ấn tại các hội thi, hội diễn dân ca do tỉnh, huyện tổ chức. Bản thân NN Hồng Hới đã sưu tầm được nhiều bài hò cổ, như: Hò giao duyên, hò đối đáp, hò xa cách… và soạn lời mới cho nhiều bài, tiết mục dựa trên giai điệu cổ.
Không chỉ vùng đồng bằng, các địa phương vùng biển Quảng Bình cũng có nhiều làn điệu dân ca độc đáo, điển hình là hát ru Cảnh Dương. Điểm khác biệt ở hát ru ở Cảnh Dương là không bắt đầu điệu hát bằng cụm từ “à ơi, ầu ơ” như nhiều địa phương khác mà mở đầu hoặc kết thúc bằng câu “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông...”. Hát ru ra đời từ thực tế lao động sản xuất của ngư dân nên lời hát đậm chất văn hóa miền biển, sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương và chủ yếu do đàn ông lĩnh xướng.
Chủ nhiệm CLB dân ca Cảnh Dương NNDG Lê Thành Lộc chia sẻ: “Tôi lớn lên từ lời ru của mẹ. Đó là những câu hát nói về công đức sinh thành, tình nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa xóm, chứa đựng trong đó nhiều bài học quý giá, dạy con người biết sống lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, gìn giữ nếp nhà. Chúng tôi tự hào là con trai làng biển Cảnh Dương không chỉ biết hát ru mà còn miệt mài giữ những câu hát mãi được lưu truyền và trở thành một phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Quảng Bình cho biết: Toàn tỉnh hiện có 40 người được phong tặng danh hiệu NNDG Việt Nam (5 người đã mất), trong đó có 10 NN ưu tú, 1 NN nhân dân. Đa số NN là người khởi xướng thành lập và giữ vai trò chủ chốt trong CLB đàn hát dân ca, CLB văn nghệ dân gian ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. |
Vùng miền núi Quảng Bình cũng là nơi có rất nhiều làn điệu dân ca độc đáo, nổi tiếng là dân ca Minh Hóa với các làn điệu đúm, ví, hò thuốc, hát ru, hát sắc bùa… và dân ca của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Gắn liền với sự phát triển của các CLB dân ca là những NN “gạo cội”, như: Đinh Thị Phương Đống, Đinh Thị Thoan, Đinh Thị Hạ, Cao Tiến Dòng… (Minh Hóa), Trần Văn Phúc, Hồ Ai (Trường Sơn, Quảng Ninh)… Họ luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong các hoạt động nhằm tạo sức sống bền vững cho di sản.
Ngoài những CLB ra đời sớm, phát triển mạnh, như: CLB văn hóa văn nghệ truyền thống Nhân Trạch (Bố Trạch), CLB ca trù Đông Dương, xã Quảng Phương, CLB hát Kiều Quảng Kim, CLB ca trù Quảng Trung (Quảng Trạch), CLB tuồng bội Khương Hà (Bố Trạch)… có những CLB ra đời sau nhưng hoạt động khá nền nếp, như: CLB dân ca Hải Thành (TP. Đồng Hới), CLB ca trù Linh Giang (Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông TX. Ba Đồn), CLB đàn hát dân ca Hồng Hóa (Minh Hóa)…
Nhiều gương mặt trẻ đang tiếp nối thế hệ đi trước, đóng góp tích cực vào việc gìn giữ DSVHPVT cho muôn đời sau như các chị: Trương Thanh Oai, Đào Thị Thu Huế (CLB đàn, hát dân ca Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh Quảng Bình), Phạm Thị Tuyết, Ngô Thị Trà Nhi (CLB ca trù Linh Giang, TX. Ba Đồn), NN trẻ Hoàng Việt Anh (CLB đàn, hát dân ca Minh Hóa)…
Việc thành lập các CLB mà vai trò chủ chốt là NNDG đã làm sống lại nhiều loại hình văn nghệ dân gian có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Hoạt động của CLB không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân các vùng, miền mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa quê hương.
Nh.V
Bài 2: Để di sản văn hóa phi vật thể “sống” mãi thời gian