Đọc "Đêm nằm nghe ký ức" của Ngô Minh Oanh

  • 07:19 | Thứ Hai, 18/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là tập thơ đầu tay của PGS.TS. Sử học, Nhà giáo ưu tú Ngô Minh Oanh (SN 1957), quê ở xã Cam Thủy (Lệ Thủy). Phần lớn các bài thơ ở Đêm nằm nghe ký ức (NXB Hội Nhà văn 2023) được ông viết từ lâu nhưng khi nghỉ hưu mới có điều kiện tập hợp để xuất bản.
 
Từ đầu sách, ta đã thấy ông đắm đuối cùng dòng Kiến Giang, con sông gắn bó với cuộc đời ông từ bé: Gáo nước mẹ tắm cho tôi đầu đời/Được múc lên từ bến sông quê/Tôi, mầm cây non bắt đầu cắm rễ/Vào mạch nguồn đất mẹ để sum suê. Không có ân huệ nào thánh thiện bằng với nơi ta cất tiếng khóc chào đời. Ân huệ với dòng sông, ông đã ví mình như cây non, biết cắm rễ vào đất mẹ. Sâu xa hơn, khi ông tinh tế nhận ra: Nước dạy tôi biết bơi trước khi biết chữ/Sông cho tôi biển cả tầm nhìn/Tưởng chỉ chảy ngang qua thoáng chốc/Nào ngờ sông mải miết dọc đời tôi (Trĩu nặng sông quê).
 
Một lần thăm đền Âu Cơ, ông bồi hồi nhớ đến mẹ: Các vua Hùng có mẹ Âu Cơ/Tôi có mẹ tôi một đời lam lũ/Đứt ruột tiễn các con tỏa bao miền xứ sở/Mẹ đi đường gần hướng con chí đường xa/Con nhìn thấy mẹ trong mẹ Âu Cơ/Còn mẹ Âu Cơ hiện hình trong mẹ (Thăm đền Âu Cơ nhớ mẹ). Trường siêu liên tưởng ấy của ông, chắc chắn bắt nguồn từ cảm nhận bao la về tấm lòng người mẹ, về đức hy sinh không chỉ với chồng, con, gia đình, mà cả với đất nước, dân tộc.
Trang bìa tập thơ Đêm nằm nghe ký ức.
Trang bìa tập thơ Đêm nằm nghe ký ức.

 

Mỗi chúng ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một nơi bình yên nhất để trở về, đó là quê hương. Nơi chân ta bước đi nhưng tâm hồn luôn gửi lại, nơi ta được sinh ra, nơi mẹ cha ngày đêm lam lũ nuôi dạy ta khôn lớn. Với ông, điều đó không thể nào chối bỏ. Vậy, những câu thơ này ông viết cho ai? Nếu không có cái giọng trọ trẹ miền Trung/Chắc gì tôi đã nhận/Quê hương nắng nỏ gió lào/Tôi lớn lên phiêu dạt những nơi đâu/Sống chốn quê người nước trong gạo trắng/Lam lũ quê mình cứ dần quên lãng/Cái cuốc biếng cầm, củ sắn biếng ăn/Tôi như con chim tìm mùa trốn rét/May mà đêm về còn biết thao thức với quê hương (Tự thú). Thì ra, Tự thú là cách để ông cảnh tỉnh những cánh chim xa đàn, trọng nơi phồn hoa, coi thường cố hương lam lũ. Ông tự ví mình như con chim tìm mùa trốn rét và gợi mở một lối về: May mà còn biết thao thức với quê hương.

Người dân quê ông, ai cũng biết lâm trường là nơi chuyên ươm giống, trồng rừng trên cát và ông dành thời gian chia sẻ nặng nhọc cùng người ươm hạt: Giấu trong lần vỏ cứng những hạt cây/Một mầm sống như còn phong kín/Chị làm gió gọi lá mầm thức dậy/Mang nước nguồn cho hạt bật chồi xanh/Có gì diệu kỳ trong hạt giống nhỏ xinh/Chị gặp ở đây niềm vui sinh nở/Dẫu cái phôi hãy còn bé nhỏ/Đã nghe xôn xao đại thụ của rừng (Với người ươm cây). Câu thơ được chiết từ mạch nguồn cuộc sống, lúc nào cũng tràn trề khát vọng. Chủ thể trữ tình là cô công nhân lâm trường, và không chỉ riêng cô, từ tri thức trực giác, chủ thể sáng tạo cũng đang nghe xôn xao đại thụ ngày mai.
 
Bước đi trên con đường nồng nàn hoa sữa ở TP. Đồng Hới, ông viết: Anh yêu thành phố này và anh tìm đến/Nơi em lớn lên trên cát trắng bạc màu/Nắng rát mặt người, đông về buốt giá/Không ngăn được dòng nhựa tuôn trào thao thiết chảy trong em (Phố đêm hoa sữa và em). Là người con Lệ Thủy, trong máu thịt luôn có chút hơi hướng của làn điệu hò khoan. Ngô Minh Oanh tìm thấy mình trong Hò khoan của mẹ: Con-câu hò nối giữa tình mẹ cha. Ông thốt lên: Hò khoan của mẹ, mẹ ơi/Con đi xa đến nửa đời còn nghe.
 
 Ông đã đặt chân đến nhiều địa danh ở trong nước, đến đâu, ông đều có thi phẩm về vùng đất ấy và điều trước nhất, ông luôn dành chỗ cho Tổ quốc thân yêu. Tôi đọc được cảm xúc của ông khi viết về cao nguyên, trong bài Cảm nhận Pleiku: Anh như dòng Dakla/Ngược về phố núi/Gió cao nguyên không cản được đường anh/Lúng liếng rượu cần, lúng liếng mắt người ơi/Câu khan ngấm vào anh nỗi nhớ/Em nồng nàn trong từng nhịp thở/Mới biết Pleiku không vì rượu mà say.
 
Ở bài thơ ông chọn đặt tên cho cả tập: Đêm nằm nghe ký ức, vừa giàu chất đời, chứa chan tự sự, khi ông trở lại cao nguyên, thăm cái thị xã nghèo ngày ấy: Ký ức ùa về theo mỗi bước chân/Rượu cẩm tím tình bè bạn/Đồng nghiệp gặp nhau nói cười hớn hở/Cuộc sống kéo ta về đời thực/Đôi lúc xấu hổ với mình bởi những tính toan. Ở ông có một lối viết lạ, tự vin vào mình những nhỏ nhen ở người đời, để rồi tự giày vò mình, xấu hổ với mình bởi những tính toan. Lối viết đã tác động đa chiều tới biết bao độc giả. 
 
Ai cách xa mà không mong đoàn tụ, trải qua hai ngàn ngày xa Tổ quốc, xa người thân, Ngô Minh Oanh vẫn lặng thầm gieo hy vọng. Với những câu thơ ngày trống vắng/Gói yêu tin đầy đặn tháng ngày xa. Bởi trong ông luôn ấp ủ một niềm tin: Phía bên kia mùa đông là nỗi khát khao/Mong tình ta vững bền muôn thuở/Hành trang ngày về thêm nụ cười rạng rỡ/Vì anh đã tin vào phía ấy, mùa xuân (Phía bên kia mùa Đông).
 
Sống ở xứ người, ông nhớ Tổ quốc đến cồn cào, nỗi nhớ khiến ông nhiều lần tự vấn: Tổ quốc là gì? Để rồi độc thoại: Tổ quốc là lời ru của mẹ/Đêm đêm nuôi lớn hồn con (Tổ quốc ở trong tôi). Bài thơ mở ra luồng suy tư, sự trăn trở cho không ít người; Xa cách trùng khơi kiếm tìm hạnh phúc/Nước mắt rơi chỉ thấm đất xứ người! Dạng thức này còn được ông đề cập khá sâu ở các bài Cadan, Tản mạn với Noosa, Trước bức tường Béclin, Tháp Bayon, Hoàng hôn thung lũng Chip-prê, Đêm trắng…
 
Là giảng viên lịch sử và triết học, "đứa con" tinh thần đầu lòng của ông đã có nhiều phát hiện sắc sảo. Ngô Minh Oanh từng bộc bạch: “Khó khăn nhất là vượt qua điểm khởi phát!”. Tin rằng, với lòng đam mê và tinh thần tự làm mới mình, ông sẽ cống hiến cho độc giả nhiều hơn thế.
                                                                                                                   Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

Những lời hát ru của làng Cảnh Dương

(QBĐT) - Trong các loại hình văn học dân gian, có thể khẳng định hát ru là một trong những loại hình ra đời sớm nhất.

Chung tay bảo tồn di sản văn hóa-Bài 2: Để di sản văn hóa phi vật thể "sống" mãi thời gian

(QBĐT) - Những năm qua, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) nói chung, DSVHPVT được UNESCO ghi danh trong danh mục các DSVHPVT đại diện của nhân loại và Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng được triển khai thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Nghiêng

(QBĐT) - Cơn mưa run rẩy níu mùa
mặt trời xám đám mây chiều muộn
anh vội vàng
sự bình yên của tuổi vỡ tan