Miếng trầu của Hồ Xuân Hương "mới quệt" hay "đã quệt"?

  • 07:40 | Thứ Tư, 17/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu được lưu truyền bằng miệng trong dân gian, cho nên có nhiều dị bản là chuyện bình thường. Cũng do có nhiều dị bản mà dẫn đến những hướng tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Bài thơ "Mời trầu" minh chứng cho điều đó.
 
Dị bản được các nhà biên soạn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn THPT (NXB Giáo Dục) như sau:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi
 
Hầu hết những bài phân tích "Mời trầu" mấy năm lại đây đều dựa vào dị bản này. Trong tập sách "Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương" (do giáo sư Lê Trí Viễn chủ biên, Sở Giáo dục Nghĩa Bình xuất bản, 1987), các nhà biên soạn phân tích "Mời trầu" như sau: “Nhà thơ xưng tên mình vừa âu yếm trẻ trung vừa mới mẻ ít thấy trong văn học thời ấy.
 
Đây cũng là cách khẳng định bản thân mình, đối diện với cuộc đời. Và miếng trầu kia Xuân Hương vừa mới quệt, còn tươi roi rói, có anh đây Xuân Hương mới quệt liền đó mời anh”. Xuân Hương mời trầu “một cách sốt dẻo, sẵn sàng với tấm lòng cởi mở trân trọng, đón nhận tình yêu”. Nếu nữ thi sĩ mời trầu theo cách những phụ nữ xưa nay thì những lời phân tích như trên là hoàn toàn xác đáng.
 
Căn cứ để các nhà biên soạn phân tích theo hướng tiếp nhận này là chữ “mới”. Vì miếng trầu “mới quệt rồi” nên “còn tươi roi rói”, rất “sốt dẻo”. Nhưng hướng phân tích này, ngẫm nghĩ kỹ, tôi thấy có chỗ chưa thật ổn. Cách mời trầu của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương không giống với cách mời trầu thông thường. Bà không hề có ý muốn tạo sự hấp dẫn với người được mời, rằng là miếng trầu của mình “vừa mới quệt”, còn “tươi roi rói”, rất “sốt dẻo”. Nếu mời để hấp dẫn khách như thế, bà phải nói lá trầu của bà là lá trầu ngon, quả cau của bà rất đẹp. Đằng này bà lại “khai báo” với khách một cách hết sức thành thật: “Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi”.
 
“Trầu hôi” là loại trầu xoàng ít ai dùng. Quả cau “nho nhỏ” cũng ít ai lựa chọn để tiếp khách quý. Nên biết lá trầu, quả cau ở đây chính là “lạch Đào nguyên” và “gò Bồng đảo” trong bài "Thiếu nữ ngủ ngày" nhưng đã “xuống cấp”. Trầu và cau như thế, dù có “mới quệt” đi chăng nữa cũng khó lòng hấp dẫn khách mời. Nếu cho rằng đấy là cách nói nhún nhường, khiêm tốn, tự hạ mình (như nàng Kiều nói với Kim Trọng “Đài gương soi thấu dấu bèo cho chăng?”), thì việc khoe “mới quệt” xem ra cũng không phù hợp chút nào.        
 
Bài thơ này còn có dị bản sau đây:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi
 
Dị bản này có một chữ khác với dị bản được chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn-đó là chữ “đã”. “Đã quệt rồi” chứ không phải “mới quệt rồi”. Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương dám nói cái điều mà những người đàn bà rơi vào hoàn cảnh như bà vẫn muốn che giấu, không dám nói, rằng là: “Này của Xuân Hương đã quệt rồi!“.
 
Đã quệt không xác định rõ thời gian như mới quệt. Chữ “quệt” mà Bà Chúa thơ Nôm dùng ở đây là cách nói bóng gió (hóm hỉnh, tinh nghịch, thanh mà tục) chứ không chỉ đơn thuần là quệt trầu. Cái cung cách mời trầu cho ta biết bà đã hơi đứng tuổi, không như những cô gái mới lớn. Bà muốn nói với “người ấy” rằng: Bà là người đàn bà từng trải, không còn thanh tân nữa!
 
“Người ấy” có thể là bạn cùng lứa với bà. Trước đây, giữa hai người chắc đã từng có tình ý với nhau. Nhưng do một hoàn cảnh nào đó mà “người ấy” không còn nồng mặn với bà nữa. Bà nhắn gửi với “người ấy” những lời gan ruột của mình. “Này của Xuân Hương” là cách nói thân tình với người bạn cùng trang lứa, chứ đâu phải bà cao giọng “khẳng định bản thân”, “đối diện với cuộc đời” như nhiều người gán ghép cho bà. Cung cách mời trầu của bà nhất quán trong toàn bộ bài thơ.
 
Đó là cách mời trầu của một phụ nữ bất hạnh, chưa được tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Nữ thi sĩ vẫn còn khao khát được yêu, được chung sống với người mình yêu. Thế nên bà mới nói: “Có phải duyên nhau thì thắm lại”. Bà muốn nhắn gửi với “người ấy” rằng: Cái quan trọng nhất là chúng mình thực sự yêu thương nhau! Đã phải duyên nhau rồi thì bất chấp tất cả, bỏ qua tất cả. Tình yêu sẽ làm “thắm lại” tất cả. “Thắm lại” có rất nhiều tầng nghĩa: Cùng nối lại tình cảm, cùng nhau làm lại cuộc đời, cùng hòa trộn vào nhau như kiểu ăn trầu...
 
Nữ thi sĩ không chỉ nhắn với người mình yêu mà nhắn với tất cả mọi người của mọi thời đại: “Đừng xanh như lá, bạc như vôi”! Yêu nhau mà không gắn bó với nhau, hòa trộn vào nhau thì có khác gì trầu, cau, vôi bị tách ra. Lá trầu cứ xanh, vôi kia vẫn giữ nguyên màu trắng. Và nói như Nguyễn Du “yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau“! “Thắm lại” rất phù hợp với “quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi“, rất phù hợp với “đã quệt rồi”.
 
Đó chính là sự màu nhiệm của tình yêu. Tình yêu có thể làm thay đổi tất cả! Xanh như lá, bạc như vôi nhưng nếu biết hòa trộn vào nhau bằng một tình yêu đích thực thì vẫn “thắm lại” như thường. Nếu miếng trầu của bà vừa “mới quệt”, “còn tươi rói”  cần gì bà phải khẩn nài với “người ấy”: “Có phải duyên nhau thì thắm lại” nữa.
 
Hồ Xuân Hương khao khát một tình yêu đích thực, không câu nệ hình thức, không câu nệ lề thói. Mặc người đời cứ chạy theo hình thức, đưa đẩy, đãi bôi và cho chuyện “đã quệt rồi” là chuyện động trời. Với bà, điều quan trọng nhất là có yêu nhau thật lòng hay không. Nói như dân gian “yêu nhau cau sáu bửa ba”, miếng trầu hôi cũng có thể biến thành miếng trầu thơm như thường.
 
Đây là một quan niệm hết sức táo bạo, hết sức mới mẻ. Cách bày tỏ tình cảm của Hồ Xuân Hương hóm hỉnh mà nghiêm túc, nôm na mà uyên bác, bộc trực mà kín đáo. Vì thế, theo tôi “đã quệt” mới phù hợp với phong cách độc đáo của nữ thi sĩ tài ba xuất chúng: Hồ Xuân Hương-Bà Chúa thơ Nôm, Danh nhân văn hóa thế giới.
                                                                                                                         Mai Văn Hoan

tin liên quan