Trà xanh thương nhớ

  • 08:13 | Chủ Nhật, 12/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bé tí tôi đã biết uống trà. Là bởi tuổi thơ tôi luôn tò mò và háo hức với mọi thứ trước mắt. Những năm ấy, điện đóm rất phập phù, phương tiện cực kỳ thiếu thốn. Mùa hè nóng nực, cả nhà chỉ độc cái quạt nhựa Liên Xô bố mang về từ nhà ông anh ruột ở Hà Nội.
 
Phía trên thì nặng, đế thì nhẹ, chạy một chốc quạt lại lăn đùng ra. Đêm hè, bố bắc cái chõng ra sân, dưới ánh trăng mờ, bố gọi chú D. sang uống trà. Một ấm trà cóc cáy, một phích sắt hoen rỉ, đựng nước giếng nấu bằng bếp củi hoi hoi mùi khói. Bố thuốc Mai, chú D. thuốc Đà Lạt, họ rủ rỉ, gật gù đến khuya. Hai bóng gầy gò ngồi chụm đầu vào nhau hiện lên đen thẫm giữa đêm trăng trở thành hình ảnh vô cùng thân thương trong đời tôi.
 
Lúc ấy, tôi thường mon men đến cạnh, rón rén bưng cốc trà của bố-cốc trà được làm từ thứ gốm thô sơ-đưa lên uống thử. Cảm giác đầu tiên là đắng chát, nhưng một lúc sau, vị ngòn ngọt lan dần từ đầu lưỡi ra vòm miệng, nhất là khi chiêu thêm ngụm nước lọc càng trở nên ngọt lừ. Sau này, khi đã thành cô gái, tôi biết uống trà một cách nghiêm túc và ngay ngắn, nhận ra điều thật giản dị, vị trà ngon là sự hòa quyện nhuần nhụy giữa đắng và ngọt. Giống như cách chúng ta đang bươn chải giữa cuộc sống này, qua gian nan, cay đắng mới thu hái được thành quả ngọt ngào.
 
Nhà tôi ở ven đồi. Đất vườn toàn sỏi đá, muốn trồng cây gì xuống đất phải dùng choòng thọc xuống mới bới được đất lên. Nhưng nó lại rất hợp với cây chè. Bố tôi trồng được hai dãy, xanh ngơ ngác giữa vùng đất cỗi cằn. Mỗi năm có nhiều đợt phun búp, hồn nhiên bung ra hàng trăm đọt non nõn nà. Tôi đi hái búp chè cùng bố. Lúc sương vừa se trên những phiến lá, hàng nghìn búp nõn tua tủa chĩa lên đầu cành. Bố bảo: Con chỉ cần hái từ hai lá, tính từ dưới lên vừa, dân trồng chè gọi là một tôm hai lá.
 
Tôi cứ sợ bố hái hết mất nên hối hả ngắt. Bởi, cảm giác dùng móng tay bấm vào cọng chè non mởn nó kỳ lạ lắm, như thể tôi đang gom về mình những ngọt ngào mát lành cây cỏ. Bố bảo, cây cũng như người, hợp thổ nhưỡng sẽ sinh trưởng rất nhanh, khỏe hay yếu nó thể hiện ra hết vẻ ngoài. Lá dày, xanh, búp mỡ màng, không bị xoăn là cây khỏe, sẽ cho trà ngon. Chè trồng đất này, vò lá già hãm nước sẽ cho ra thứ nước xanh ngắt, đậm đà khó tả.
 
Thường hái chè xong là phải sao ngay thì trà mới lên hương đúng ý mình. Hồi ấy, hầu như nhà nào cũng chỉ dùng bếp củi. Mà sao chè bằng bếp củi mới ngon đúng điệu.
Minh họa: Minh Quý
                                                                                                   Minh họa: Minh Quý
Dường như chính hương lửa nồng nàn và mùi khói bếp khay khay càng góp phần tạo nên hương vị rất riêng cho những mẻ chè được sao thủ công thuở ấy. Từ công đoạn làm héo chè đến công đoạn sao khô đều phải đảo bằng tay. Khi chảo đạt đến độ nóng thích hợp, bố thả chè vào, nhanh tay đảo tạo ra những âm thanh xèo xèo mê hoặc.
 
Tôi thích nhất công đoạn ấy, chẳng hiểu sao tôi lại mường tượng bố đang xào rau, những “cọng rau” ngậm nước đang bị sức nóng của chảo làm cho héo dần. Rồi bố đổ ra một cái mâm nhỏ, vò những nõn chè nóng sực trong đôi bàn tay sù sì, khỏe khoắn. Đôi tay ấy, cùng đôi tay của mẹ đã nâng đỡ chị em chúng tôi từ thuở lọt lòng cho đến lúc ông về cõi khác. Đôi tay tận tình. Đôi tay thật thà. Đôi tay ấy cùng đức tính khiêm nhường đã giúp ông đi qua nhiều giông bão theo cách nhẹ nhàng nhất.
 
Công đoạn sau cuối chiếm nhiều thời gian và sự tinh tế, đó là sao những cọng chè đã được vò mềm thật khô. Lúc này phải để than vừa phải. Nóng quá thì chè khét mà nguội quá thì chè ôi. Đời này cũng như lúc sao chè, có những điều muốn vội cũng không thể nào vội, như chúng ta cứ phải tuần tự đi qua từng khúc đoạn sinh, lão, bệnh, tử, dù đau đớn hay ngọt ngào. Nên cứ phải là hâm hâm nóng, là chầm chậm tay khỏa, là kiên nhẫn đợi mới cho ra một mẻ chè ngon.
 
Để lúc chao qua lượt nước tráng thôi đã nghe dậy lên hương chè thanh mát, tự nhiên như thể bạn vừa bước qua một lùm cây trà đang trổ hoa. Lại nói về hoa trà, đó là một loài hoa cánh trắng nhụy vàng, thơm thơm mùi trà đặc trưng khó lẫn, mộc mạc như những cô thôn nữ mới lớn, ngây ngô đón ong bướm về hút nhụy.
 
Thời gian qua đi, vườn chè nhà tôi thêm xanh tốt. Lượng búp chè thu hoạch được nhiều thêm lên, thời gian sao chè của bố lâu hơn. Tôi vẫn giữ vẹn nguyên niềm vui thích mỗi lần cùng bố thu hái búp chè. Càng về sau này, việc hái chè bố giao hẳn cho mấy chị em tôi. Đi làm về, tranh thủ bếp lửa còn đượm, bố sao chè quên cả bữa trưa.
 
Có những mùa xuân, búp chè rộ lên như một rừng chông mềm mại, xanh xanh màu cốm non, mướt mát như đôi má cô gái xuân thì. Chị em chúng tôi cẩn trọng ngắt từng búp nõn. Bố bảo, nay nhiều các con hái một đinh một lá thôi. Đứng giữa hàng chè, tưởng đã nghe hương trà thoang thoảng. Chao ôi! Mùa xuân! Mùa của chồi non lộc biếc! Mùa làm tâm hồn con người thơ thới, yêu đời.
 
Nhưng rồi, đến cả việc uống trà bố cũng chểnh mảng. Chú D. chuyển nhà, hai người lâu lâu mới ghé qua thăm nhau vồi vội rồi đi. Ngay cả chuyện ghé thăm nhau cũng chấm dứt vì chú D. mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Bố mất một người bạn tâm giao, một người bạn trà rủ rỉ mỗi tối. Bố giảm uống trà rồi gần như nghỉ hẳn. Mỗi lứa búp trổ ra không ai hái lại già đi, mẹ tôi cắt chè xanh bán cho những người buôn lẻ ở chợ. Tôi nhìn hàng chè còn đẫm sương đêm, từng chiếc lá già xanh thẫm dày cong dưới ánh nắng mai dìu dịu, hỏi bố:
 
-  Sao bố không còn uống trà? Búp vẫn trổ mỗi ngày mà bố?
 
-  Con cứ hái, bố dạy con sao rồi bán. Uống trà vào bố mất ngủ con ạ!
 
Tôi nhìn vào đôi mắt sâu của bố, đôi mắt tôi thừa hưởng trọn vẹn, ngộ ra chúng ta dẫu có những thói quen tốt đến mấy, thì vào một thời điểm không còn thích hợp vẫn phải từ bỏ.
 
Các chị tôi trưởng thành rồi lập nghiệp xa quê. Mình tôi hái trà, mình tôi hì hụi nhìn bố hướng dẫn rồi tập tọng làm theo. Những mẻ đầu tiên, bố chiêu ngụm trà do con gái sao, không cần ngẫm lâu, bố đã nhận xét: Nước trà bị đỏ, hương trà không thanh, con cho lửa yếu nên trà hơi uổi. Mẻ ấy, tôi gắng uống, uống để nhắc mình mẻ sau cần cố gắng hơn. Cuộc sống này, ngay cả việc quét nhà rửa bát cũng cần phải học vài lần mới có thể khéo léo, huống chi việc sao trà kỳ công. Mất vài lần thất bại, tôi tiến bộ hơn thật, bởi từ chỗ tiếp thu lý thuyết đến áp dụng vào thực hành thuần thục là một quá trình không dễ dàng.
 
Và tôi cũng vỗ cánh bay xa, những búp chè chỉ còn chấp chới trong giấc mơ bồng bột. Hàng chè cứ thế non nõn, rồi xanh, rồi già. Nay bố tôi về miền mây trắng đã lâu, hàng chè, ơn trời, vẫn còn nguyên đó, mỗi năm có vài đợt thương lái đến mua chè xanh tận vườn, họ cắt ngang thân để đợi chè cho lứa mới. Những thân cây đã già đi nhiều lắm sau chừng ấy thời gian tận hiến. Có thể, nhiều năm, nhiều năm sau nữa, vật đổi sao dời, hàng chè thương nhớ sẽ đi vào dĩ vãng thì đó cũng là khúc đoạn chúng cần phải đi qua.
 
Thỉnh thoảng, tôi vẫn mua vài lạng trà ngon, pha bằng thứ gốm Bát Tràng tinh xảo, bằng nước giếng khoan nấu bằng ấm siêu tốc. Thiếu vị hoi hoi khói bếp, nhưng đó là một cách tôi tưởng nhớ người bố kính yêu của mình!
Nguyễn Hương Duyên

tin liên quan

"Lối mở" cho xã hội hóa hoạt động nghệ thuật

(QBĐT) - Những năm trở lại đây, việc các tổ chức và cá nhân đứng ra vận động tổ chức những hoạt động nghệ thuật, như: Workshop, trại sáng tác, nhiệm trú sáng tác, triển lãm... đã tạo nên sinh khí mới trong đời sống mỹ thuật đương đại. 

Cam kết thực hiện tiêu chí cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá người làm báo

(QBĐT) - Ngày 10/3, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023. 

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam

(QBĐT) - Sáng 10/3, Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Bình tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023).