Cảnh Giang "Tuổi 75 với thơ tình Sonnet"

  • 07:21 | Thứ Tư, 08/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cảnh Giang (SN 1948, xã Thanh Trạch, Bố Trạch) đến với thơ hơi muộn nhưng lại có sức viết đáng nể. Từ năm 1997 đến nay, anh liên tiếp xuất bản hơn chục tập thơ và trường ca. Trong vườn thơ chung, mỗi người tự chọn cho mình một lối đi riêng. Những năm gần đây, Cảnh Giang tập trung sáng tác theo thể thơ sonnet.     
 
Tuổi 75 với thơ tình Sonnet (năm 2022, NXB Thuận Hóa) tiếp nối mạch nguồn của những tập thơ trước về đề tài quê hương, tình yêu, thế sự… Nhưng ở tập thơ mới này, Cảnh Giang ưu tiên cho mảng thơ viết về những người thân trong gia đình. Đó là người cha mất sớm; đó là người mẹ góa bụa, tháng ngày tần tảo nuôi con; đó là người chị gái hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thời chiến tranh chống Mỹ; đó là người em trai bị vướng phải căn bệnh hiểm nghèo…
 
Bìa tập thơ
Bìa tập thơ "Tuổi 75 với thơ tình Sonnet ".

Vừa mới lên 5, Cảnh Giang đã mồ côi cha. Bởi lúc ấy đang còn thơ dại nên anh chưa biết gì nhiều về người cha xấu số của mình. Lớn lên, anh cùng cậu em trai cất công đi tìm hình bóng của cha nhưng vô vọng. Tuy chỉ được nghe mẹ kể một vài mẩu chuyện, song bóng hình người cha xấu số vẫn luôn hiện hữu trong tâm thức của anh. Cảnh Giang nhớ lại:

Ngày cha đi xa, con tang trắng trên đầu
Mới 5 tuổi, đầu mũ rơm, cúi lạy
Năm chị em con, cút côi từ đấy
Hình bóng mẹ hiền tần tảo sớm hôm.
(Sonnet 592)
 
Kể từ khi cha mất, mẹ anh trở thành cột trụ gia đình. Mẹ ở vậy thờ chồng, nuôi con. Cảnh Giang có những câu thơ viết về mẹ khá xúc động:
 
Anh chia sẻ với người bạn đời:
Cứ ám ảnh trong anh tình yêu của mẹ
Lặn lội nuôi con, đòn gánh mòn vai
Cuốc bộ mưu sinh đâu quản dặm dài
Chợ Mới, chợ Trường, Ba Đồn, chợ Đón…
(Sonnet 570)
 
Là người cùng cảnh ngộ, tôi hết sức đồng cảm khi đọc những dòng thơ này của anh: 
Ai mồ côi mới hiểu cảnh mồ côi
Ba mươi tuổi cha đi, để đàn con cho mẹ
Ba mươi mốt tuổi, nheo nhóc đàn con trẻ
Đòn gánh đè vai, mẹ khuya sớm dặm trường.
(Sonnet 579)
Và:
Bốn chị em khao khát tình thương
Bảy tuổi đầu, chị theo mẹ bán buôn ở chợ
Em gái út chưa biết mặt cha, cứ khóc đòi sữa
Hai anh trai, giữ em chẳng biết dỗ dành…
(Sonnet 579)      
 
Người chị gái mới “bảy tuổi đầu” đã theo mẹ “bán buôn ở chợ” ấy vừa trưởng thành, chưa kịp lập gia đình thì đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước:
Mưa gió cuộc đời, bom đạn chiến tranh
Chị gái hy sinh khi thông ngầm Hói Hạ
Đêm tên lửa vượt sông, máy bay thù bắn phá
Tuổi 19 chị ơi! Mãi mãi với con đường…
(Sonnet 579)
 
Cậu em trai ngày nào cùng Cảnh Giang giữ em gái út “cứ khóc đòi sữa” mà “chẳng biết dỗ dành”, từng đi khắp nơi tìm hình bóng cha, từng xông pha lửa đạn, chưa kịp bước qua ngưỡng 70 thì không may ngã bệnh. Cảnh Giang lưng tròng nước mắt:
Nhìn em đớn đau, anh càng xót xa thêm
Nhớ thuở xuân xanh em vào Nam ra Bắc
Nợ nước thù nhà em đi đánh giặc
Thế mà bây giờ phải bón, phải chăm.
(Sonnet 607)    
 
Mới lướt qua tiêu đề Tuổi 75 với thơ tình Sonnet, tôi hơi ngạc nhiên. Đã 75 tuổi-cái tuổi “gần đất xa trời” rồi mà tình yêu vẫn còn lai láng vậy sao?  Đọc kỹ tập thơ, tôi mới ngộ ra rằng: Nhà thơ với tình yêu không có tuổi. Chỉ khác là tình yêu của cái tuổi “tri thiên mệnh” không còn những phút giây bồng bột, sôi nổi, ngất ngây như cái thuở mười chín đôi mươi. Hầu hết thơ tình trong Tuổi 75 với thơ tình Sonnet là sự hoài niệm:   
Về với sông quê ta mới vơi buồn, vơi nhớ
Tưởng như bên em, say đắm đêm nào
Một thuở xuân xanh ta cùng ngắm trăng sao
In đáy nước một trời hy vọng.
(Sonnet 591)
 
Là sự nuối tiếc:
Mai mười bảy rồi, ôi ngày tháng bao la!
Vầng trăng ấy trôi đi đâu biền biệt
Ta về với tháng ngày tha thiết
Hoa của lòng ấm áp bến bờ xưa
 (Sonnet 616)   
 
Phần lớn thơ trong Tuổi 75 với thơ tình Sonnet được Cảnh Giang viết ở “Sông quê”. “Sông quê” trở thành biểu tượng của tình yêu quê hương xứ sở. Hiếm có người nào gắn bó với “Sông quê” như anh:
Dòng sông quê bồi hồi cơn sóng dậy
Ôm xóm làng, tưới mát cánh đồng quê
Sông như em vẫn khuya sớm đi về
Như mẹ ta xưa thân cò lam lũ
(Sonnet 650)
 
Trải qua bao gian nan, thử thách, bao đắng ngọt cuộc đời, Cảnh Giang đúc kết:
Chỉ có dòng sông mới hiểu hết ta thôi
Cuồn cuộn chảy, một đời dâng hiến.
 
Toàn bộ thơ trong tập Tuổi 75 với thơ tình Sonnet được anh viết theo thể thơ có nguồn gốc từ nước Ý thời cổ đại. Khi mới ra đời, thể thơ này có những quy định hết sức chặt chẽ. Giữa thế kỷ XX, sonnet mới gia nhập vào Việt Nam. Sinh thời, nhà thơ Xuân Hoàng rất mê thể thơ này. Mê đến mức ông chuyển gần như toàn bộ thơ tình làm theo thể tự do của mình sang thể sonnet và xuất bản tập Thơ tình gồm 100 bài sonnet (NXB Thuận Hóa, 1991).
 
Sonnet của Cảnh Giang phần lớn mỗi dòng có 8 âm tiết và gieo vần liền kề (chữ cuối câu 2 vần với chữ cuối câu 3):
Thuở chúng mình một thời xao xuyến
Phà sông Gianh qua lại đêm ngày
Ôn lại tuổi xuân nồng cháy ngất ngây
Dòng sông quê hiền hòa bao kỷ niệm.
(Sonnet 639)
 
Cảnh Giang chuyển cả thơ lục bát, thơ 5 chữ sang thơ sonnet:
Đêm nay ngắm ánh trăng rằm
Nhớ người, nhớ cảnh xa xăm nơi nào
Trăng mười bảy của khát khao
Của trời của đất đâu nào riêng ta!
(Sonnet 625)
Thơ tình tuổi bảy mươi
Luyện rèn thêm bộ não
Còn mong gì cơm áo
Tuổi gần đất xa trời.
(Sonnet 624)
 
Sonnet Cảnh Giang hầu hết nghiêng về tự sự. Cảnh Giang thường làm thơ theo lối kể chuyện. Thấy kể bằng thơ chưa đủ, anh còn chua thêm phần chú thích ở phía dưới bài thơ. Với gần 700 bài sonnet đã công bố, có thể khẳng định anh là một trong những “kỷ lục gia” về thể thơ sonnet ở xứ ta hiện nay.                                  
                                                              Mai Văn Hoan

tin liên quan

Tọa đàm, giao lưu vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 

Để bảo tàng là điểm đến hấp dẫn

(QBĐT) - Là nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc, địa phương, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới hoạt động trưng bày và triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản.

Lan tỏa văn hóa đọc từ quán cà phê sách

(QBĐT) - Cùng nhâm nhi món đồ uống yêu thích và trên nền nhạc nhẹ nhàng, du dương lại thong thả đọc từng trang sách,… Đó là thú vui tao nhã của những vị khách tại quán cà phê Kiwi Book nằm trên đường Lê Quý Đôn, ở phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới).