Nhà thơ Hải Kỳ, ưu thế niềm yêu

  • 08:29 | Chủ Nhật, 05/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi còn công tác với nhau, nhiều lần tôi nói với bạn bè: Nếu rồi đây có sinh viên ngữ văn nào làm luận văn tốt nghiệp tôi sẽ mách nước tìm đến nhà thơ Hải Kỳ với đề tài: Hải Kỳ-mỗi người tình một bài thơ nỗi niềm. Bởi nhà thơ Hải Kỳ có một ưu thế, đó là thơ viết về tình yêu.
 
Thì cũng nói cho vui ấy thôi, thực ra tôi với Hải Kỳ là bạn vong niên, trong tình bạn có lúc mình dám cả tin với mình. Nhà thơ Ngô Minh cũng đã nói công khai trước bạn bè: “Hải Kỳ chỉ có Văn Tăng là người vẽ được chân dung đúng đắn”. Nhận xét ấy quả đồng điệu. Bài thơ “Gửi lòng bè bạn” tôi viết tặng Hải Kỳ từ năm 1980 cách đây hơn 40 năm khi ngày Hải Kỳ rời bục giảng vào giảng đường Trường đại học Sư phạm Huế tu nghiệp. Bài thơ có 4 câu toát lên thần thái con người Hải Kỳ:“Mày như đứa trẻ lắm dỗi hờn/Tao ngậm thóc khi lòng tao đã hiểu/Ba mươi tuổi mày mới tìm được cha/Mẹ thân yêu bức hình thờ đôn hậu…”.
 
Làm bạn với Hải Kỳ, biết hoàn cảnh bạn để lắng chịu. Bởi nếu không biết, cá tính do hoàn cảnh riêng tạo nên mà phải giận nhau rồi xa nhau đó là điều đáng bứt rứt. Với lại, tình bạn văn chương làm gì có hơn kém mà ganh với đua. Như ai đó đã nói: Phá bỏ một tình bạn rất dễ, xây dựng được một tình bạn mới thật là khó. Có thể nói, từ những thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước cho đến những năm sau này, không có bài thơ nào Hải Kỳ sáng tác ra mà tôi không được đọc. Tôi đã từng nói với Hải Kỳ: “Bài thơ mày cần đọc cho tao/Mất nửa ngày đường tìm về miệt biển/Tao mừng quýnh mỗi lần mày đến/Thu bộn bề đi tìm gió ngoài sông”
 
Nếu không có niềm hòa cảm với người mình tặng thơ thì làm sao Hải Kỳ viết được nhanh bài “Hoa Phượng”. Chuyện cô sinh viên tên Phượng ấy trên một chuyến xe về quê nghỉ hè quen biết tình cờ. Khi biết cô cùng chung quê, thì cái duyên nợ đã tạo thêm gần gũi. Bài thơ đậm đà chất quê như một điều thú nhận nhịp đập trái tim: “Phượng ơi, em đến như không/Như không mà có mà đong thật nhiều/Lắc đầy mới biết mình yêu...". 
Các nhà thơ (từ trái qua phải): Mai Văn Hoan, Đỗ Hoàng, Hoàng Vũ Thuật và Hải Kỳ (người đứng). <em>Ảnh:</em> <strong>T.M.V</strong>
Các nhà thơ (từ trái qua phải): Mai Văn Hoan, Đỗ Hoàng, Hoàng Vũ Thuật và Hải Kỳ (người đứng). Ảnh: T.M.V

 Nếu như không có buổi sáng đẹp Thiên An cùng bạn gái dạo gót ngoạn cảnh chùa thì làm sao có được những câu thơ da diết: “Chao ôi cây nối liền cây/Người sao chẳng biết cầm tay với người”. Và, nào biết được trong sự im lặng không cầm tay ấy với họ còn gì đẹp hơn nữa ngoài những câu thơ như thế?

Có những ngày vui nơi làng quê phía Tây Đồng Hới, khi đứng ngắm trời chiều, khỏa chân trên làn nước, nước bắn tung tóe tỏa sắc cầu vồng làm cho hồ Đồng Sơn ánh mặt trời dát vàng đặc sánh long lanh đến nao lòng. Trong khoảnh khắc đẹp ấy có được bài thơ “Ngôi nhà trái tim” thúc giục lòng nhau trong sự  im lìm: “Hồ như tấm gương soi/Mặt tâm tình muôn thuở/Thương rồi da diết nhớ/Sao đầy mà lặng yên?".
 
Khi nhận tin bạn từ cố đô Huế đi ra Hà Nội mà cung đường con tàu sẽ băng qua Đồng Hới nơi Hải Kỳ ở, làm cho anh không yên lòng. Rồi bằng tưởng tượng cái nhìn, cái vẫy tay trong khát vọng, trong day dứt, làm cho hồn bút lại xuất thần: “Ai nhìn hóa Vọng phu kia/Tôi nhìn cho đến đứt lìa chân mây/Cho vơi triều nhớ biển đầy/Tuần trăng em khuyết cho gầy ngóng trông” (Tôi nhìn cho đến...).
 
Ở Huế, Hải Kỳ lên “Chơi chùa Báo Quốc”, lên với cõi Phật ngày lễ trọng, thấy từng đôi trai gái bên nhau, để nỗi niềm cứ vương vấn, dù rất biết: “Quấn mùi hương gỡ thế nào cho ra”. Chính Hải Kỳ đã tự căn dặn mình nhưng mình lại vướng lấy mùi trần thế. Sự tự mâu thuẫn ấy với người làm thơ đâu có lạ vì anh cũng đã từng: “Ở đây là cõi siêu phàm/Vương mùi hương ấy lại mang lấy tình”. Rồi Hải Kỳ không thể không bộc lộ lòng mình. “Anh thì sợ lúc chia xa/ Hương em chẳng nhớ thơm qua bên này”.
 
Chơi chùa Báo Quốc thì vậy, còn đến nơi “Dòng Chúa cứu thế” đêm Noel thì sao. Hải Kỳ lấy “Dạ khúc nô-en” khéo léo thổ lộ: “Thiên thần cánh trắng như mơ/Trong tôi bay liệng bây giờ là em...”.
 
Cảm xúc nào cũng thế, Hải Kỳ không nói gần nói xa. Từ đáy lòng cứ thế mà bộc lộ nỗi niềm không cần giấu giếm. Hải Kỳ có nói cho anh đâu, trong dạ khúc ấy biết bao đôi nam thanh nữ tú cùng sát vai nhau, mà người con gái luôn là những thiên thần tạo nên sự sáng tạo: “Em như là tứ lạ/Cho tôi tìm trăm nơi/Nếu tôi thành thi sĩ/Em-bài-Thơ-của-tôi”…
 
Tôi biết, Hải Kỳ mất mẹ trong một trận bom ở Đồng Hới, với Hà em trai còn thơ dại, hai anh em đùm bọc nhau những ngày dài gian khó côi cút khi còn ôm sách tới trường. Ba Hải Kỳ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ hòa bình 1954 kẹt lại bên chiến tuyến phía Nam. Mỗi lần Hải Kỳ đi bên bạn tình, hay bên người con gái dịu hiền nào lại nhắc anh nhớ về mẹ, một hình tượng “em” luôn lớn lao khắc vào trong tim.
 
Bởi thế viết thơ tặng cho bạn gái, anh không chút ngần ngại nào, trong tình cảm ấy, thấy trong mỗi người bạn mình luôn có một phần mẹ mà anh khát khao hụt thiếu: “Có em viết tặng bài thơ/Lại như thấy mẹ đứng chờ xa xôi”. Người tình, em gái hay người mẹ pha trộn vào nhau nhập nhòa trong ý tưởng thơ anh nghe như vô lý mà có lý.
 
Hải Kỳ là vậy, anh chín trong vần lục bát, chín trong từng ngôn từ chọn lựa từ bao giờ để khi có cơ hội là bật ra thành tứ, thành câu, thành chữ mềm mượt, thành nét tài hoa. Đó là sự độc đáo của bút pháp. Cùng bạn đi trên “Đường khuya” cái bóng đêm cho anh sự cảm nhận: “Gắng qua cho hết nẻo tình/Theo vào cho hết gập ghềnh trong mơ/Xem ta cho thấy hững hờ/Xem người cho thấy dối lừa như em…”.
 
Khi Hải Kỳ đã yêu là yêu rất mực, đã ghét thì cũng không thể buông tha, nhất là điều giả trá, sự lọc lừa. Hải Kỳ tuyên ngôn với mình: “Nếu không yêu cái tận cùng trung thực/Không căm thù cái giả trá nhường kia…”. Bởi cuộc đời, sự yêu và sự ghét như hai thế trên bàn cân. Phía nào nặng thì bàn cân sẽ lệch. Nhưng con người sống trên đời phải biết tôn trọng cả cái yêu cái ghét. Yêu ghét là sự đối lập như âm với dương nó cách biệt, nó đối trọng nhau nhưng lại phải hài hòa sinh khí, có yêu mới biết thế nào là ghét, có ghét mới biết thế nào là yêu. Cái rạch ròi của triết lý cuộc sống chính là vậy.
 
Còn với người tình đích thực, người kết tóc xe tơ phải chịu những ngày đi xuất ngoại xa vắng vì bát cơm manh áo thì Hải Kỳ đã dốc bầu tâm sự, dốc nỗi u buồn nỗi nhớ mong khi “Tôi ra cửa biển” để nhìn sóng vỗ nhìn chân trời tít tắp, tìm chút nguôi ngoai mà không dễ được: “Biết là nhớ cũng bằng không/Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm/Tôi rơi vào cuối ngọn nồm/Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi”. Và khi biết tình ấy “Chẳng là như chỉ với kim” thì Hải Kỳ đã biến mình làm chàng Ngưu Lang chịu cảnh “đầm đìa mưa ngâu” với mình.
 
Vắng xa người tình trăm năm ai chẳng u hoài hòa cảm. Nhưng Hải Kỳ đã nói lên được bằng thơ: “Nỗi buồn như tấm gương soi/Gặp em không gặp thì tôi gặp mình”. Hầu hết thơ tình Hải Kỳ là cái gì đó luôn hiện ra, rõ mà ảo mờ, tưởng đã nắm trong tay nhưng rồi hẫng hụt, có mà lại không, khi đã thèm rồi nhưng lại cứ khát, đọc “Hoa hồng hình như...” là đậm nét nhất: “Hình như tôi ngạc nhiên, hình như tôi thảng thốt”, “Hình như tôi đã gặp bông hồng”,“Tự bao giờ tôi hình như đã“Bị gai rồi, hình như có như không”. Hoặc trong “Tương phản”: “Sẽ chẳng là gì cả chẳng là anh”, “Chẳng là em chẳng bạn bè thân thuộc”.
 
Trong nhiều tuyển tập thơ quốc gia, thơ tình Hải Kỳ được tuyển chọn nhiều bài, nhiều lần đăng và nhiều bạn đọc yêu thích chính là bởi cái ưu thế riêng của thơ nhà thơ. Nhận xét thơ Hải Kỳ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng tâm sự: “Trong văn chương dành cho tình yêu bây giờ người ta vẫn gặp một anh chàng tình nhân quen mặt: Tài hoa, mê cuồng, lão luyện như một trang hiệp sĩ trăm trận để rồi dù được dù mất chỉ còn đọng lại trong trái tim một chút khinh bạc làm khô kiệt hết mọi con suối tinh khiết trên trái đất”.
 
Nhận xét về thơ Hải Kỳ như vậy thì còn nào hơn nữa. Một Hải Kỳ “tài hoa, mê cuồng, lão luyện như một trang hiệp sĩ trăm trận..”. Đọc thơ Hải Kỳ ta cứ thấy mạch thơ như mạch nước ngọt, lại êm thắm, dịu dàng dù có chút u uẩn, mềm mại nhưng da diết, có lúc đượm màu triết lý: “Cỏ này xanh suốt mai sau/Tình yêu cứ muốn mang màu cỏ non”.
 
Bởi thế Hoàng Phủ Ngọc Tường còn nhận xét: “Trong tình yêu hắn vẫn thấy mình giàu có, vốc đầy tay bên những hương nồng của hoa liễu bên đường, no nê như con cừu ăn tha hồ ánh cầu vồng rực rỡ trên thảo nguyên. Hắn chân thành cảm ơn đồng nội đã mang tặng mình vị đắng day dứt của cỏ may, và than ôi! Hắn xin “đăng ký dại khờ...”. Thực ra sự dại khờ ấy “để khôn ngoan chết bên bờ sông Thương”. Cũng là khôn ngoan của ưu thế ấy.
 
5 tập thơ: Ngọn gió đi tìm (1987-tái bản 2001), Đồng vọng (1989), Nằm đếm trời sao (1997), Đối thoại lục bát (1999), Giấc mơ (2009) mới thấy Hải Kỳ đã gửi gắm lòng mình thiết tha đến vậy. Cái đa tình chưa hẳn là nhiều người tình, mà với Hải Kỳ nhiều người tình trong thơ là sự phong phú của hồn thơ khi anh cần nắm bắt nó. Tôi nghĩ thơ tình Hải Kỳ vẫn còn mãi ưu thế và không có sự lỗi thời khi mà tuổi trẻ còn bao nhu cầu mới trong tình yêu thì mãi mãi thơ Hải Kỳ không cũ, không ế muộn.                                                            
                                                                                Văn Tăng

tin liên quan

Lan tỏa văn hóa đọc từ quán cà phê sách

(QBĐT) - Cùng nhâm nhi món đồ uống yêu thích và trên nền nhạc nhẹ nhàng, du dương lại thong thả đọc từng trang sách,… Đó là thú vui tao nhã của những vị khách tại quán cà phê Kiwi Book nằm trên đường Lê Quý Đôn, ở phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới).

 

Tọa đàm, giao lưu vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 

Để bảo tàng là điểm đến hấp dẫn

(QBĐT) - Là nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc, địa phương, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới hoạt động trưng bày và triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản.