Ân tình cánh võng mẹ ru
(QBĐT) - Tôi tin rằng trong cuộc đời mỗi con người ai cũng qua quãng thời ấu thơ nghe tiếng ru của mẹ trong cánh võng “ầu ơ”; cứ thế mà lớn lên, mà trưởng thành. Cánh võng ấy, lời ru ấy theo ta đi suốt cuộc đời, lặn vào trong tâm thức để trên đường đời có lúc chênh chao, có lúc hẫng hụt, có lúc vô phương hướng, nhịp võng ru ngày ấy cân bằng ta lại, định vị ta và hướng tâm ta về với cội nguồn, mạch nguồn. Đó là điểm tựa vững chãi ngàn đời, là bầu sữa nuôi lớn tâm hồn, nhân cách ta về lẽ sống làm người.
Nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết rất hay rằng: "Mẹ ru cái lẽ ở đời-Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn-Bà ru mẹ … mẹ ru con-Liệu mai sau các con còn nhớ chăng”. Mẹ ơi! Mai sau chúng con vẫn luôn nhớ những trưa hè ở đồng quê thôn dã, ngoài vườn lũy tre xanh kẽo kẹt vít võng thì trong nhà, dưới mái hiên nhà cánh võng tre đan bằng liếp tre có những thanh giằng bằng tre cũng đưa võng kẽo kẹt.
Cái tiếng kẽo kẹt êm ả đều đều ấy như một khúc biến tấu, khúc nhạc đồng quê đưa con vào giấc ngủ. Và trong giấc ngủ bềnh bồng mơ màng bay bổng ấy có cả tiếng sáo diều vi vu; tiếng sáo hay tiếng gió, tiếng gió hay tiếng đồng, tiếng đồng hay tiếng người từ trong hồn cốt quê kiểng mà thăng hoa, mà dào dạt lan tỏa mà ân tình biết mấy!
Nhiều lúc tôi tự hỏi: Ai đã dạy bà, dạy mẹ câu hát ru mà hay đến thế! Không ai dạy cả, đó như là một nguồn mạch tiếp nối thế hệ một cách tự nhiên và vô hình những giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng ân tình đắp bồi nuôi dưỡng những tâm hồn con trẻ qua gạn đục khơi trong. Lời ru bao giờ cũng thân thiết trìu mến; nghe tiếng hát ru trẻ thơ cảm nhận được sự yêu thương, nâng niu của bà, của mẹ, của chị, đó như là sự vỗ về ấp ôm; đó như là những bước đệm tạo đà vươn tới; đó như sự truyền năng lượng sống tích cực lạc quan, là sự tin cậy gửi gắm.
Lời ru như là tri thức sơ khai giàu hình ảnh thực tế cụ thể mà lấp lánh óng ả chuốt vàng những sợi tơ lòng dệt nên tấm thổ cẩm muôn sắc màu, muôn cung bậc, góp phần định hình tính cách tâm hồn trẻ thơ. Qua nhịp võng đung đưa bình thản, bình an và lời ru xao xuyến da diết, lòng nhân ái được hình thành, trẻ thơ biết thương yêu ông bà, cha mẹ, anh chị, những người thân trong nhà rồi rộng lớn hơn ra cả xã hội cả thiên nhiên quanh mình. Đó là cái đẹp, cái thiện ban đầu.
Cũng có lúc lời ru như nốt trầm sâu thẳm, như cánh võng chùng xuống. Ru con mà nói hộ lòng mình, ru con để mình tĩnh tâm, ru con để mình cân bằng lại bao chênh chao đường đời: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ-Năm canh dài mẹ thức đủ năm canh” hay “Con cò lặn lội bờ sông-Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”. Lời ru có lúc thắt lại lưng chừng, nhưng không bao giờ ai oán, không bao giờ trách cứ, không bao giờ trách phận, mà cứ bát ngát, mở ra bao hy vọng, mở ra bao ước mong. Đó là sự nhìn nhận với đức khiêm nhường, là sự vị tha bao dung, nhân ái kể cả khi: “Gió đưa cây cải về trời-Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.
Có thể con trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của lời ru, nhưng qua nhịp võng, nhịp ru qua bàn tay khi nhanh, khi chậm, qua dáng người và đôi mắt nhìn vời vợi của mẹ, qua sự giao cảm, linh cảm giữa huyết thống, trẻ thơ phần nào đã tiếp nhận, đã giao cảm được cái âm điệu, cái âm thanh, cái hơi thở của cuộc sống, cuộc đời đưa em vào cõi mộng mơ như phù sa dòng sông đắp bồi mùa màng cây lúa.
Nhiều lần về thăm quê Bác ở làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) tôi thường đứng lặng bồi hồi rất lâu bên cánh võng đung đưa của mẹ Hoàng Thị Loan từng ru Bác Hồ những làn điệu dân ca. Cạnh đó là bộ khung cửi dệt vải đã lên bóng thời gian mà sau này một kiến trúc sư tài hoa đã cấu trúc thiết kế phần mộ của thân mẫu Bác Hồ cách điệu như một khung cửi dệt vải.
Chắc tiếng võng lời ru ngày ấy của mẹ đã truyền cho Bác những bài học yêu thương đất nước giống nòi con Lạc cháu Rồng đầu tiên. Con sông Lam, dòng sông dân ca bắt đầu từ lời ru của mẹ trên cạnh võng đay thân quen thấm vào Người nguồn mạch văn hóa dân gian, dân tộc để đến với văn hóa bác học, văn hóa nhân loại.
Sau hàng chục năm bôn ba nước ngoài trở về Tổ quốc thân yêu, Bác vẫn không quên được lời ru, câu ví dặm hát phường vải của quê hương; Bác đã sửa chữ “nước” thành chữ “nác” cho một nghệ nhân khi đoàn dân ca Nghệ Tĩnh vào Phủ Chủ tịch hát cho Người nghe trong câu: “À ơi! Ai biết nác sông Lam răng là trong là đục-Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh-Thuyền em lên thác xuống ghềnh-Nước non là nghĩa là tình ai ơi”.
Nguyễn Ngọc Phú
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.