Nhớ đồng đội qua những vần thơ

  • 06:49 | Thứ Tư, 27/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một sáng tháng 7, cơn mưa giông sắp đến khiến bầu trời như nặng nề hơn, vậy mà người cựu chiến binh (CCB) già vẫn đến tòa soạn Báo Quảng Bình từ rất sớm, kiên nhẫn đợi đến giờ làm việc để run run gửi những dòng thơ được ông viết từ nhiều đêm không ngủ nhớ về đồng đội, về chiến trường xưa. Đọc vài dòng thơ, nước mắt lại chảy dài trên khuôn mặt ông, dường như những trận chiến năm xưa, hình ảnh đồng đội cũ đã hy sinh, bao mất mát, nhớ thương lại trở về trong tâm trí ông. Ông là Lê Bá Hữu, CCB chiến trường Quảng Trị những năm tháng chiến tranh ác liệt.
 
24 tuổi, chàng trai Lê Bá Hữu (SN 1941, quê quán Hạ Trạch, Bố Trạch, nay thường trú ở TDP 3, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới) hăm hở nhập ngũ với khát khao chiến đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 45, Tỉnh đội Quảng Bình. Sau thời gian huấn luyện, 4 tháng sau, ông trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Giai đoạn từ năm 1966-1968 là khoảng thời gian ông chiến đấu ở những chiến trường ác liệt, như: Cửa Việt, Khe Sanh, Dốc Miếu, Cồn Tiên…
 
Và ký ức những hy sinh, mất mát đã trở thành nỗi đau không thể nguôi ngoai trong tâm trí, khiến ông rưng rưng xúc động mỗi khi nhớ về. Gói ghém nỗi nhớ thương đồng đội, ông làm thơ mà theo như ông tâm sự: “Những vần thơ như giúp tôi sống lại năm tháng thanh xuân, tôi như được về lại chiến trường xưa, được gặp lại đồng đội cũ, được chuyện trò kể về những ngày xưa cũ. Nên tôi rất thích làm thơ, tôi đã tự in 5 tập thơ để tặng bạn bè, đồng đội và tặng cho chính mình”.
 
“Hơn 40 năm tôi về thăm A Sầu, A Lưới
Đường 9 Khe Sanh, Cồn Tiên vẫy gọi
Cỏ đã tốt xanh, bạn nghỉ nơi nào
Quảng Trị, Thừa Thiên nắng cháy gió Lào
Nhớ những mùa khô máu chảy…
 
… Thương các em tuổi 18 đôi mươi
Đã hy sinh tuổi xuân đời con gái
Các em ra đi tình còn để lại
Nay em ở đâu để anh đón em về…"
 
(Về thăm lại chiến trường xưa)
 
Năm đó, ông trở lại chiến trường xưa, đồi 31, Gio Linh, Quảng Trị. Chính ở chiến trường ác liệt này, tháng 8/1967 ông đã bị thương nặng, mảnh đạn vẫn còn nằm ở trong đầu, trái gió trở trời lại khiến ông buốt nhói.
CCB Lê Bá Hữu xúc động lần giở những kỷ vật chiến tranh.
CCB Lê Bá Hữu xúc động lần giở những kỷ vật chiến tranh.
Ông kể lại trong nước mắt, chốt trực trên đồi 31 có 5 đồng chí. Chốt trên đồi cát trắng việc xóa dấu vết để máy bay địch không thể phát hiện đóng vai trò quan trọng. Vậy nên đồi cát chỉ cao mấy mét, nhưng bộ đội có khi phải mất hết buổi sáng mới bò lên đến điểm chốt. Phải vừa bò vừa xóa dấu vết, vừa quan sát, vừa ngụy trang. Khi máy bay địch phát hiện ra điểm chốt, chúng tập trung hỏa lực bắn phá. 5 người lính trên chốt hôm ấy chỉ có ông và 1 đồng chí nữa bị thương và còn sống, còn 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh.
 
Về lại chiến trường xưa, cảnh vật thay đổi, người còn, người mất, những vần thơ chợt cất lên từ chính trái tim và tình yêu của ông dành cho những người đồng đội, đồng chí của mình.
 
“… Nhớ những ngày ngồi trong điểm chốt
Chia nhau từng hớp nước
Quan sát mục tiêu
Máy bay vẽ O mười
Nó bay vòng liệng
Cát bụi đầy dầu…”
 
(Đời lính của tôi)
 
Mặc dù bị thương nặng, nhưng sau khi hồi phục, ông vẫn tiếp tục quay trở lại chiến trường chiến đấu, tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và bị thương thêm 2 lần nữa. Thời gian này, những kỷ niệm đồng đội cùng chiến đấu, chia ngọt sẻ bùi, tình quân dân thủy chung, son sắt khiến ông lưu dấu mãi.
 
Ông kể say sưa về những lần hành quân thiếu nước uống, chia nhau từng giọt nước quý giá, những đêm giành nhau đọc thư người yêu của đồng đội rồi sáng ra người còn, người mất và cả những trận đánh ác liệt khi ranh giới giữa sự sống, cái chết vô cùng mong manh:
 
“Rừng Trường Sơn đã đâm chồi nẩy lộc
Chiến trường xưa đã xanh trở lại
Các anh chị ở lại đây mãi mãi
Dâng các anh các chị bó hoa hồng
Nụ nhung, nụ trắng, nụ vàng ong
Mà lòng xao xuyến bao xúc động
Nhớ những ngày đã chiến đấu cùng nhau.
 
(Về thăm lại chiến trường xưa)
 
Năm 1972, ông xuất ngũ chuyển ngành sang làm công tác thương binh-xã hội của Đồng Hới. Đến năm 1992, ông về nghỉ hưu và vẫn miệt mài với công tác xã hội. Ông Lương Kim Chung, Chủ tịch Hội CCB phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) cho biết, CCB Lê Bá Hữu dù tuổi đã cao nhưng vẫn rất nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động xã hội.
 
Trước đây, ông Lê Bá Hữu là Trưởng ban công tác Mặt trận TDP 3 với 3 nhiệm kỳ, sau đó, ông tiếp tục chuyển sang làm Chi hội trưởng Chi hội CCB của TDP 3. Với tinh thần xông xáo, sôi nổi, vui vẻ, làm việc có chất lượng, ông được anh em hội viên tin tưởng mến phục. Đặc biệt, những bài thơ ông sáng tác về đồng chí, đồng đội cũng rất được anh em chia sẻ, đồng cảm với tình cảm ông dành cho những năm tháng chiến tranh gian khổ.
 
CCB Lê Bá Hữu tâm sự, dù năm nay đã hơn 80 tuổi, sức khỏe giảm sút, nhưng ông vẫn tiếp tục nỗ lực với công tác của Chi hội CCB TDP 3, còn sức còn cống hiến cho cộng đồng và nhất là vẫn làm thơ để nhớ về đồng đội cũ, về những năm tháng thanh xuân nằm lại chiến trường.
 
Mai Nhân
 

tin liên quan

Chương trình nghệ thuật "Sống mãi với thời gian"

(QBĐT) - Tối 26/7, tại TP. Đồng Hới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Công ty CP thương mại JIC Việt Nam-"Hành trình Mỗi nén hương, một tấm lòng" tổ chức chương trình nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022). 

Chương trình nghệ thuật "Khát vọng hòa bình" trên đất thiêng Quảng Trị

Thông qua các tiết mục hát, múa, lời bình nghệ thuật; đồ họa màn hình và phóng sự tài liệu, chương trình đã làm sống dậy một thời kỳ lịch sử rất đỗi hào hùng của dân tộc ta.

Xúc động "Màu hoa đỏ" tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn

Trong không gian linh thiêng của Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, nơi an nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ, khán giả rưng rưng với các tiết mục đầy xúc động của chương trình nghệ thuật "Màu hoa đỏ".