.

Quảng Bình là đất trường ca

.
12:45, Chủ Nhật, 08/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong kho tàng văn học dân gian Quảng Bình tồn tại một câu ca dao thật đáng chú ý:
"Quảng Bình là đất trường ca
Đất đai chi Bảo Đại mà kéo Tây qua đóng đồn..."
 
Câu ca dao xuất hiện vào giai đoạn muộn so với lịch sử hình thành của loại thể: thời kỳ đã có chữ viết, đã có văn học thành văn và cụ thể là thời kỳ nhân dân Quảng Bình bắt đầu cuộc trường chinh chống lại sự chiếm đóng của thực dân Pháp trên quê hương mình, với đỉnh điểm là ngày Quảng Bình quật khởi 15-7-1947.
 
Đầu năm 1947, thực dân Pháp bằng tiềm lực quân sự hải, lục, không quân hùng mạnh, nhanh chóng đánh chiếm tỉnh Quảng Bình. Ngay sau đó, người Pháp đã thiết lập sự kìm kẹp khống chế toàn bộ tỉnh Quảng Bình với hệ thống đồn bốt dày đặc, tiến hành các vụ bắt bớ, tàn sát đẫm máu dân lành.
 
Trong bối cảnh đó, câu ca dao xuất hiện và lưu truyền trong dân gian, thoạt nghe như một lời cảm thán tự nhiên của nhân dân Quảng Bình: căm hờn sự dã man của quân Pháp, oán trách triều đình Bảo Đại trước đó đã nhu nhược để quân Pháp vào xâm chiếm đất nước, chiếm đóng quê hương. Nhưng bình tâm mà xem xét, ở thời điểm đó, hàm nghĩa của câu ca dao còn vượt lên trên một lời cảm thán, đó là lòng tự hào quê hương, là lời cảnh báo quân xâm lược từ một phẩm chất, một truyền thống nhân văn của vùng đất này: Quảng Bình là đất trường ca! Nhân dân Quảng Bình sẽ kháng chiến chống thực dân Pháp đến cùng bằng tất cả các nguồn lực, trong đó có cả truyền thống nhân văn!
 
Trường ca, theo nghĩa từ điển là “tác phẩm dài bằng thơ, có nội dung ý nghĩa xã hội rộng lớn”. Nhưng nghĩa trường ca như là một trong những phẩm chất tốt đẹp của vùng đất Quảng Bình được thể hiện trong câu ca dao này cần phải hiểu rộng ra là cả một nền văn học, văn hiến, nhân văn. Câu ca dao trên, rõ ràng đã khái quát một cách tự hào về truyền thống văn chương lâu đời của vùng đất Quảng Bình, một vùng đất đầy gian khó về địa dư và thời tiết, một vùng đất từng trải biết bao binh lửa can qua... Dòng chảy văn chương của con người Quảng Bình liền mạch từ truyền thống đến hiện đại, từ văn học dân gian, văn học thành văn chữ Hán, đến văn học thành văn chữ quốc ngữ và ngày càng được phát huy đúng mực. Trải qua năm tháng, không ít các giá trị quý báu của văn chương Quảng Bình, qua các giai đoạn lịch sử đã được khắc tạc vào thời gian một cách đáng trân trọng.
 
Ở thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra, đúng như câu ca dao đã tiên lượng về sự nối tiếp truyền thống, khi nhân dân Quảng Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết một lòng, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, thì lực lượng văn nghệ cũng trở thành một đạo binh tinh nhuệ, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để chiến thắng kẻ thù. Rõ ràng khi nhân dân Quảng Bình tự tin và chủ động tổ chức cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, thì văn học địa phương theo đó cũng vào trận. Có thể nói rằng, phản ánh một cách chân thực và nóng hổi cuộc kháng chiến chống Pháp là tư tưởng chủ đạo của văn học Quảng Bình giai đoạn này. 
 
Những người viết văn, làm thơ kháng chiến thời kỳ này ở Quảng Bình có xuất xứ chủ yếu là những trí thức, học sinh, nông dân, công nhân... từ các miền quê trong tỉnh lên chiến khu tham gia kháng chiến. Họ vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, trực tiếp sản xuất, vừa hoạt động văn hoá văn nghệ, viết báo, viết văn, làm thơ..., trong điều kiện vô cùng gian khó về cơ sở vật chất, giữa sự sống và cái chết cận kề nhau trong gang tấc để tạo nên những sản phẩm tinh thần đắc dụng và có giá trị phục vụ cuộc kháng chiến. Trong số đó, có những người trải qua năm tháng, trải qua học tập, rèn dũa, đã thành tác giả: Xuân Hoàng, Lê Khai, Dương Tử Giang, Nguyễn Văn Dinh, Lê Hồng Cần (Giăng Màn), Phan Văn Khuyến, Văn Nhĩ, Trần Giang Kiều, Phạm Thanh Đàm, Khắc Nội, Nguyễn Linh Giang, Trần Đình Hải, Nguyễn Xuân Hồng, Tứ Sen, Phạm Hữu Tình, Nguyễn Đức Tuân, Nguyễn Văn Hiệp, Lương Duy Tâm, Trương Văn Địch... Có thể còn nhiều tác giả khác nữa mà các tài liệu ngày nay không thể ghi chép lại hết được, bởi các sáng tác thời đó phần lớn thường chép tay, đánh máy, in ronéo, hoặc in ấn trên một số tờ báo đơn sơ ban đầu của địa phương trong điều kiện chiến tranh ác liệt không thể tàng trữ được, nên đã thất truyền.
 
Trên những tờ báo “Ba Rền” (ra đời cuối năm 1947), tờ báo “Liên Minh” (về sau đổi tên là “Dân muốn”, “Đánh Mạnh”), phát hành trong vùng kháng chiến, ở vùng địch hậu đều có Trang văn nghệ đăng tải các sáng tác phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp của các tác giả địa phương. Những tên tuổi này tuy không nhiều, văn chương của họ tuy chưa đặc sắc, nhưng họ xứng đáng là những người mở đầu cho một giai đoạn khác trước của văn học địa phương: Văn học cách mạng, văn học kháng chiến, hình thành và phát triển ngày giữa lòng hiện thực kháng chiến, sản xuất của quê hương.
Nhà thơ Xuân Hoàng, một trong những tác giả tiêu biểu trong thời kỳ chống Pháp và sau này.
Nhà thơ Xuân Hoàng, một trong những tác giả tiêu biểu trong thời kỳ chống Pháp và sau này.
Các sáng tác thời kỳ này chủ yếu là thơ ca cách mạng từ chiến khu được chào đón và lan nhanh về thôn xóm, trong nhân dân, suốt từ những ngày đầu khởi nghĩa cho đến hết cuộc kháng chiến, bởi có lẽ do đây là thể loại dễ in ấn, dễ phổ biến, và hơn thế dễ tiếp nhận, dễ gây hiệu ứng thẩm mỹ đối với trình độ công chúng văn học Quảng Bình thời kỳ đầu kháng chiến. Nhiều người còn nhớ hình ảnh một nhà thơ Văn Dinh trên sân khấu lửa trại hào sảng đọc trường ca Tiếng hát Sông Gianh của nhà thơ Xuân Hoàng trước hàng ngàn công chúng:
 
                         Theo tiếng “Xung phong” bộ đội ào ra.
 
                         Súng nhẹ, lưỡi lê, đại đao, lựu đạn
 
                         Súng ống, ba lô, vịt gà...  quăng thục mạng
 
                        Toán tàn binh tán loạn chạy ra bờ...
 
Hầu hết các tác giả bên cạnh việc in ấn các tác phẩm, vẫn thường đọc, diễn xướng các sáng tác của mình vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, cho bất cứ ai muốn nghe, bằng bất cứ hình thức gì, ào ạt, say mê với niềm tin kháng chiến thành công. Và công chúng kháng chiến ở Quảng Bình thời ấy đã hào hứng đón nhận, hào hứng giao hoà với những vần thơ giàu sức cổ vũ, cũng bằng chính những niềm tin đồng điệu ấy. Đó là mảnh đất tốt cho thơ ca phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này.
 
Thơ ca cách mạng Quảng Bình thời kỳ chống Pháp mộc mạc chân chất với một nội dung chính là tập trung phản ánh, ca ngợi cuộc kháng chiến hy sinh, gian khổ, nhưng đầy vẻ vang với tất cả những khía cạnh phong phú của nó.
 
Một sưu tập nhỏ tên các bài thơ dưới đây cho thấy cuộc kháng chiến đã được thơ ca phản ánh một cách khá toàn diện và chất phác. Ở tiền phương: Đánh liên hồi, Chiến thắng Sen Bàng, Độn thổ, Chiến sỹ Minh Lệ, Chống càn, Đánh đồn An Lạc..., ở hậu phương: Rào làng, Chút lòng tản cư, Phân tán trâu bò, Rau lạng cá mòi, Một trận càn, Báo động, Tình ca cây sắn, Bao giờ biển lặng...; tình quân dân: Gửi mẹ, Về với dân, Qua làng, Lòng dân, Bát nước, Bà mẹ Ninh Châu..., đoàn kết dân tộc: Lương giáo Hoà Ninh, Về đây anh…
 
Có thể tìm thấy ở đây một giai đoạn thơ ca sử thi hát ca không mệt mỏi về cái hùng tráng của lịch sử, về những con người anh hùng kiến tạo nên lịch sử ngay trên mảnh đất thần kỳ chật hẹp của quê hương mình bằng phẩm chất của những nhà thơ tham dự. Từ những địa danh bi tráng: Bố Trạch, sông Gianh, Cảnh Dương, Xuân Bồ, Sen Bàng..., những anh hùng kháng chiến vô danh, hữu danh: Du kích, bộ đội, Quách Xuân Kỳ, Trần Thiết, bà mẹ Ninh Châu..., đến những sự kiện kháng chiến: Giải phóng Ba Đồn, cuộc đưa tiễn, sốt rét rừng..., đều được miêu tả chân thật trong thơ với ý thức nhập cuộc, ý thức ngợi ca rõ rệt,với niềm tin có thật vào chiến thắng:
 
                       Nghĩ đến ngày mai ngày độc lập
 
                       Mắt tròn thâu sáng, bỗng long lanh
 
                                     (Trạm đồng  bằng – Xuân Hoàng )
 
Những mảng hiện thực còn tươi rói tràn ngập trong thơ kháng chiến đã gây được không ít ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc là những công chúng kháng chiến, nói được không ít mặt tiêu biểu của cuộc sống đương thời.
 
Có một thể loại đáng chú ý trong giai đoạn thơ ca này là trường ca. Có thể nói trong tiến trình văn học Quảng Bình chưa có giai đoạn nào lại xuất hiện nhiều trường ca như lúc này. Trong một thời gian ngắn, hàng chục trường ca (có độ dài ngót trăm câu mỗi trường ca) nối nhau ra đời và đều được lưu truyền rộng rãi trong công chúng. Hầu hết trong số đó là những trường ca trực tiếp tái hiện và ngợi ca những chiến công vang dội của quân và dân ta như những khúc ca chiến thắng: Tiếng hát sông Gianh, Du kích sông Loan (Xuân Hoàng), Chiến thắng Sen Bàng, Chiến sỹ Xuân Bồ (Dương Tử Giang), Chiến thắng Xuân Bồ (Trần Đình Hiếu), Giải phóng Ba Đồn (Lê Hồng Cần), Đánh đồn An Lạc, Chiến thắng Mỹ Lộc, Xuân Lai (Văn Dinh)... Bên cạnh đó, còn có những trường ca khác ca ngợi những vùng quê nghèo khó mà anh dũng (Về Bố Trạch -  Xuân Hoàng), phản ánh đời sống người thợ, người chiến sỹ (Bài ca người thợ, Chiến sỹ Minh Lệ -  Dương Tử Giang) hoặc phê phán các hành vi phi kháng chiến (Chống hàng ngoại hóa -  Văn Dinh). Nhìn chung, đó là những tráng ca về những người anh hùng chống Pháp trên quê hương với không khí gươm khua ngựa hí đương thời, từng được công chúng đương thời đón nhận say mê và bây giờ đọc lại vẫn thấy xúc động bởi tính chân thật, và bởi cả những phẩm chất thi ca đáng trân trọng:
 
                                  Nửa đêm -   giờ xuất kích
 
                                  Ai nấy thành người câm
 
                                  Nhịn ho nghe lá thì thầm
 
                                  Sương khuya ngấm phổi
 
                                                (Chiến sỹ Minh Lệ-Dương Tử Giang)
 
Văn xuôi Quảng Bình giai đoạn này xuất hiện chưa nhiều, tuy nhiên vẫn có một số truyện ngắn, truyện vừa của Trần Giang Kiều (Tản cư), Xuân Hoàng (Ổ súng máy), Nguyễn Thị Cẩm Thạnh (Chạy giặc) đoạt giải Văn nghệ Liên khu Bốn. Một số phóng sự “Quảng Bình muôn mặt” của Dương Tử Giang, các bài về nếp sống mới của Trương Văn Địch được đăng tải trên các tờ báo, phát trên đài phát thanh và truyện ngắn Hú vía của Thanh Đàm viết về công tác bình dân học vụ, đều với một tinh thần chung là phản ánh, ngợi ca cuộc kháng chiến. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhắc đến một mảng sáng tác văn xuôi khác trong các sách giáo khoa phổ thông với các bài viết của các nhà giáo Hoàng Hữu Xứng, Đoàn Dọc, Nguyễn Văn Lễ, Hoàng Thái, Phan Văn Khuyến... về miêu tả phong cảnh, về văn hóa, về kháng chiến..., dùng cho học sinh, trong đó có nhà giáo Lương Duy Tâm với tiểu thuyết “Đi học” và giáo trình Địa lý Quảng Bình đầy chất văn chương .
 
Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Quảng Bình đã góp phần hình thành nên một đội ngũ các tác giả chuyên nghiệp sống và sáng tạo văn chương cách mạng ngay trên quê hương mình. Trong số họ phải kể đến hai người xuất hiện với tư cách là những tác giả đầu tiên nhóm lên ngọn lửa thi ca cách mạng ở Quảng Bình: Xuân Hoàng và Dương Tử Giang. Xuân Hoàng tham gia kháng chiến năm 1945 với một “túi thơ” đầy ắp và một lòng nhiệt tình cách mạng trẻ trai. Ông là một nhà thơ chuyên nghiệp đi kháng chiếnkháng chiến chuyên nghiệp bằng thơ. Thơ kháng chiến Xuân Hoàng xuất hiện với một số lượng lớn, miêu tả chân thật nhiều mặt của cuộc sống kháng chiến. Những mảng hiện thực còn tươi rói tràn ngập trong thơ kháng chiến của Xuân Hoàng đã gây được không ít ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc, nói được không ít mặt tiêu biểu của cuộc sống đương thời:
 
                         Bức tranh thời đại còn nguyên nét
 
                         Con ngẫm mà yêu những lớp người
 
                         Áo rách giày lem, đời hoạt động
 
                        Tìm trong đêm đói những lời vui.
 
                     (Gửi con gái 15 năm sau   - 1951)
 
Còn Dương Tử Giang, tuy không sinh trưởng ở Quảng Bình, nhưng cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của ông gắn chặt với mảnh đất này như có tình máu mủ, sinh thành. Với nhiều tác phẩm thơ phong phú, đa dạng của mình, cùng với Xuân Hoàng và các tác giả khác, Dương Tử Giang mang đến cho thơ ca Quảng Bình thời kỳ này một hơi thở mới: hơi thở thời đại với nhiều hơn những “khoảng nghỉ” trữ tình giàu phẩm chất thi ca:
 
                             Trăng vào nòng súng
 
                             Đôi bóng thì thầm
 
                             Vách đất nhà tranh, tình dân cao rộng . . .
 
                                                                (Chiến sỹ Minh Lệ)
 
Sự phát triển của Văn học Quảng Bình cả về đội ngũ sáng tác lẫn tác phẩm giai đoạn này đã góp phần to lớn vào sự thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp trên quê hương.
 
Trưởng thành từ trong kháng chiến, rất nhiều tác giả, đã trở thành lực lượng sáng tác nòng cốt của văn nghệ Quảng Bình trong những năm hoà bình lập lại sau này, là tiền đề  làm xuất hiện một tình hình mới: ngày 21-6-1961 Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình chính thức ra đời, lấy tên là Hội sáng tác văn nghệ Quảng Bình. Cùng với Hội văn nghệ Hải Phòng, Hội sáng tác văn nghệ Quảng Bình là một trong hai hội ra đời sớm nhất toàn miền Bắc sau, hoà bình lập lại, nối tiếp truyền thống Quảng Bình là đất trường ca...
Trần Hùng
,
  • Dòng sông quê

    (QBĐT) - Dòng sông quê tôi chảy giữa miền Trung
    Mở điệu hò khoan qua miền cát trắng
    Đi dưới vòm xanh đầy nắng
    Nghe triều lên rượi mát bàn chân
     
    08/07/2018
    .
  • Chị tôi

    (QBĐT) - Chị tôi xưa ở Trường Sơn
    Một thời con gái vui buồn đã qua
    Mắt môi lặng lẽ về già
    Ruộng vườn ngõ trước heo gà ngõ sau.
     
    07/07/2018
    .
  • Bến quê

    (QBĐT) - Bến quê

    07/07/2018
    .
  • Tháng Bảy

    (QBĐT) - Tìm em tháng bảy mưa giăng
    Tí tách hiên nhà góc phố
    Ngọt ngào hôn từng lá nhỏ
    Vội vàng mưa nấp áo em
     
    06/07/2018
    .
  • Tìm thấy bản sao Tuyên ngôn Độc lập Mỹ quý hiếm tại Anh

    Một bản sao quý hiếm của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ đã được tìm thấy trong một kho lưu trữ ở thành phố Chichester miền Nam nước Anh. 
     
    05/07/2018
    .
  • Tạm dừng phát hành bộ sách 'Lịch sử Việt Nam phổ thông'

    Ông Phạm Chí Thành, quyền Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, cho biết đã có chỉ đạo tạm dừng phát hành bộ sách "Lịch sử Việt Nam phổ thông".
     
    04/07/2018
    .
  • Xúc động chương trình nghệ thuật 'A lô! Lèn Hà'

    (QBĐT) - Tối 2-7, chương trình nghệ thuật đặc biệt "A lô, Lèn Hà" đã diễn ra tại Di tích lịch sử Quốc gia Lèn Hà (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa) và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTC3 và QBTV…

    03/07/2018
    .
  • Ngôi đền cổ nhất thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ trở thành Di sản Thế giới

    Ngày 1-7, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã xếp hạng ngôi đền cổ nhất thế giới Gobekli Tepe của Thổ Nhĩ Kỳ và Công viên Quốc gia Chiribiquete của Colombia vào danh sách Di sản Thế giới. 
     
    03/07/2018
    .