Cần quy định rõ các nội dung nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích
(QBĐT) - Hôm nay, 28/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, khoá XV nhằm thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã khai mạc.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận về một số nội dung của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (DVVTCI) thuộc dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo đó, đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tiếp thu nghiên cứu, tham vấn để chỉnh lý dự thảo luật. Báo cáo của UBTVQH đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật rất rõ các ý kiến đại biểu, trong đó có ý kiến của đại biểu tỉnh Quảng Bình. Ban Soạn thảo luật đã cung cấp đầy đủ tài liệu, đặc biệt là bảng so sánh dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến tiếp thu, chỉnh lý đối với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và Luật Viễn thông hiện hành rất cụ thể, rõ ràng, đại biểu dễ tiếp cận nghiên cứu, tham gia ý kiến.
Cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH, đại biểu Nguyễn Minh Tâm có các ý kiến về Quỹ DVVTCI. Theo đó, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo đánh giá tổng kết về hoạt động của Quỹ DVVTCI Việt Nam gửi Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố. Báo cáo đã khẳng định sự cần thiết cũng như hiệu quả hoạt động của quỹ thời gian qua. Hoạt động VTCI và việc cung cấp DVVTCI thông qua sự bảo đảm từ quỹ đã phát huy vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ VTCI để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong việc triển khai các hoạt động VTCI ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu vực kinh tế-xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn, giúp giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách số, thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền.
Tán thành với việc tiếp tục duy trì Quỹ DVVTCI, song theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, để phát huy tối đa vai trò của quỹ với mục tiêu là hỗ trợ, thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc cung cấp DVVTCI thì trong luật này cần quy định rõ các nội dung liên quan đến mục tiêu hỗ trợ, nguyên tắc hoạt động, cơ chế đặt hàng; quy định về đóng góp và sử dụng nguồn tài chính của quỹ để bảo đảm tính minh bạch và phát huy vai trò của quỹ với tư cách là cùng với ngân sách Nhà nước đảm đương một số nhiệm vụ chi phục vụ phát triển KT-XH, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng phân tích, theo báo cáo, trong Chương trình cung cấp DVVTCI đến năm 2020 có 8/22 nhiệm vụ không thực hiện được, trong đó có các nhiệm vụ về hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông là những nhiệm vụ có kinh phí dự kiến chiếm tỉ trọng lớn, dẫn đến tồn quỹ, chênh lệch lớn trong thu, chi tài chính quỹ.
Giai đoạn từ năm 2015-2020, tổng thu các khoản đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông vào quỹ là 8.185 tỷ đồng; tổng thu từ nguồn vốn khác vào quỹ khoảng 338 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng kinh phí thực hiện cung cấp DVVTCI đến năm 2020 chỉ là 1.537 tỷ đồng. Ngoài ra, nộp ngân sách nhà nước 1.327 tỷ đồng; chi hỗ trợ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng hơn 345 tỷ đồng; chi hoạt động quản lý khoảng 189 tỷ đồng.
Từ những con số nêu trên cho thấy hiệu quả, mục đích sử dụng quỹ chưa được như mong muốn.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng phân tích các số liệu trong báo cáo về nhu cầu hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng và nhu cầu về hỗ trợ sử dụng DVVT là rất lớn. Do đó, để tiếp tục duy trì và sử dụng hiệu quả quỹ, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá những nội dung nào cần tập trung thực hiện thời gian tới; có thể quy định cụ thể tỷ lệ phân bổ kinh phí từ quỹ cho từng chương trình cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả.