Triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU
(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan tại hội nghị bàn giải pháp phát triển thủy sản bền vững ngành Thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) diễn ra sáng nay, 26/8.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Tính đến tháng 8/2023, số tàu cá trên toàn quốc là 86.130 chiếc. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6 đến dưới 12 mét là 38.196 chiếc; tàu cá có chiều dài từ 12-15 mét có 18.220 chiếc; tàu cá chiều dài từ 15 đến dưới 24 mét có 29.126 chiếc và tàu cá chiều dài từ 24 mét trở lên có 2.588 chiếc. Tổng số tàu cá đã đăng ký, nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishsbase) là 71.706 chiếc, còn 14.424 chiếc chưa đăng ký, chiếm 16,7%; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1,16 triệu héc-ta; sản lượng nuôi trồng thủy sản là 2,85 triệu tấn, đạt 47,18% so với kế hoạch (5,37triệu tấn); giá trị xuất khẩu ước đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã dành thời gian trao đổi, bàn giải pháp phát triển bền vững ngành Thủy sản. Trong đó nhấn mạnh một số nội dung, như: Chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống cho ngư dân; chuyển dịch cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi, trồng nhưng vẫn bảo đảm xuất khẩu tăng trưởng hàng năm; công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển các khu bảo tồn biển nhằm nâng cao giá trị kinh tế và giảm thiểu tình trạng khai thác kiểu tận diệt; thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết liệt chống khai thác IUU, sớm gỡ "thẻ vàng'' IUU…
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hiện Quảng Bình có khoảng 6.000 tàu cá; trong đó, khoảng 3.600 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên; trong đó có hơn 1.100 tàu có chiều dài từ 15m trở lên tham gia sản xuất, khai thác thủy sản trên vùng biển xa và tăng cường sự hiện diện hợp pháp trên các vùng biển, góp phần tích cực tham gia khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý, gợi mở để Quảng Bình khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế biển; đặc biệt là những lĩnh vực còn mới như: Phát triển nuôi biển, chuyển đổi số trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý đội tàu cá, khai thác, chế biến thủy sản… để thực hiện mục tiêu phát triển, đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp hóa-hiện đại hóa, có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao và hội nhập quốc tế.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việc cấu trúc lại một ngành Thủy sản từ khai thác tài nguyên thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững, cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên hệ sinh thái gồm: Quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân là định hướng phù hợp theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Bởi vậy, các tỉnh, thành phố có biển cần bám sát định hướng này để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển nói chung và ngành Thủy sản nói riêng phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.
Trong đó, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả để chống khai thác IUU, tiến tới mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC; xây dựng một số vùng sản xuất thân thiện với môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế từ khai thác thủy sản vùng ven bờ sang nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với giao quyền đồng quản lý các diện tích mặt biển cho các tổ chức, cộng đồng, nhân rộng quy mô sản xuất để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái vùng biển.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng lưu ý các địa phương cần tổ chức sắp xếp lại hoạt động chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, tạo chuyển biến nhanh, bền vững trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Thay đổi tư duy về cảng cá, không nên nặng về không gian kinh tế mà phải nghĩ đến không gian văn hóa, sinh hoạt, đời sống ngư dân để phát triển, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để hướng tới mục tiêu lâu dài là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, có tính cạnh tranh cao, “minh bạch-trách nhiệm-bền vững”, có kiểm soát, được quản lý, hoạt động theo khuyến nghị của quốc tế nhằm tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề có tính toàn cầu.
Thanh Hoa