Tạo điều kiện để tăng trưởng, đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Chiều 29/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành Phiên họp bất thường tháng 8/2022 để xem xét về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Dự phiên họp có đại diện các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài chính, Giao thông vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội...
Tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao vốn cho các bộ ngành và địa phương
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được một số Tờ trình của Chính phủ về việc cho ý kiến danh mục các dự án đầu tư thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất “điều hòa” vốn đầu tư công trung hạn 5 năm. Chính phủ cũng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với khoản vốn còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa phân bổ hết.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hai nội dung Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đều thuộc lĩnh vực đầu tư công, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên tiến độ giao vốn, giải ngân đầu tư công chậm. Đặc biệt là gói chính sách tài khóa, tiền tệ đã 8 tháng kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ mới hoàn tất danh mục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với tinh thần khẩn trương, tích cực, "nhanh ngày nào tốt ngày đó", Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội tổ chức rà soát, thẩm tra và đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp bất thường.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nếu thống nhất, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành các Nghị quyết trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao vốn cho các bộ, ngành, địa phương. Đối với dự án đủ điều kiện giao vốn ngay, dự án chưa đủ điều kiện đôn đốc thực hiện, tạo điều kiện để tăng trưởng, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân đầu tư công và các mục tiêu nêu trong Nghị quyết 43/2022/QH15.
Đảm bảo nguyên tắc nhằm giải ngân hết số vốn ngân sách Trung ương
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong tổng số 176 nghìn tỷ đồng được Quốc hội cho phép phân bổ, số vốn Thủ tướng Chính phủ đã thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư cho 264 nhiệm vụ, dự án để hoàn thiện thủ tục đầu tư là 172.568 tỷ đồng; số vốn còn lại chưa thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương là 3.432 tỷ đồng, trong đó có 2.500 tỷ đồng chưa đủ điều kiện và 932 tỷ đồng đã thông báo nhưng bộ, địa phương đề xuất trả lại, không đầu tư.
Trong tổng số 172.568 tỷ đồng đã thông báo cho các bộ, địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư, đến nay có 94 nhiệm vụ, dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn; 168 dự án đã được thông báo vốn từ Chương trình đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định: Do các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải được rà soát để bảo đảm tuân thủ các quy định về nguyên tắc, đối tượng, mục tiêu, cam kết cùng khả năng cân đối vốn của các địa phương, thực hiện các thủ tục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư công nên đến nay sau hơn 7 tháng kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ mới tổng hợp được danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để bảo đảm thống nhất về quản lý đầu tư công và sớm phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án để kịp triển khai, thực hiện, căn cứ Điều 60, 67 và 78 Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ 176 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình. Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành giao thông theo quy định tại khoản 6, Điều 6, Nghị quyết số 43/2022/QH15; cho ý kiến về 94 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 147.138 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình để Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn.
Đối với 169 dự án với số vốn dự kiến là 27.930 tỷ đồng chưa đủ thủ tục đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sau khi các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, làm cơ sở Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ vốn.
Tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022. Tính đến ngày 28/6/2022, có 16 bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để bảo đảm việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đúng quy định, giải ngân hết số vốn ngân sách Trung ương kế hoạch 2022 được bổ sung từ việc điều chỉnh linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2022-2023, Chính phủ đã xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể.
Theo đó, cắt giảm vốn ngân sách Trung ương năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 28/6/2022 chưa phân bổ hết, tuy nhiên, không cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 bố trí cho 12 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 do đang chờ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn để giao kế hoạch năm.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra về danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Về những thay đổi so với dự kiến đã báo cáo Quốc hội, đặc biệt là thay đổi toàn bộ danh mục và mức vốn dự kiến cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Ủy ban cho rằng, việc điều chỉnh so với danh mục dự kiến Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường để bảo đảm tính chính xác là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nhiều nội dung, danh mục nêu trên cho thấy công tác chuẩn bị Tờ trình để Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết chưa đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng và còn mang tính ước lệ.
Về phương án Chính phủ báo cáo phân bổ tổng số vốn 176 nghìn tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, theo quy định tại Điều 60 của Luật Đầu tư công; khoản 3 và khoản 6, Điều 6 Nghị quyết 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến phân bổ số vốn của Chương trình là phù hợp, nhằm đáp ứng tính cấp bách, kịp thời hoàn thành việc phân bổ, giao vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn Chương trình. Vì vậy, nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ban hành Nghị quyết để phân bổ chi tiết theo ngành, lĩnh vực đối với số vốn này và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Một số ý kiến cho rằng, việc quyết định tổng mức vốn ngân sách Trung ương theo ngành, lĩnh vực cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Việc cho ý kiến đối với toàn bộ danh mục đủ điều kiện, thủ tục đầu tư và chưa đủ điều kiện đều phải chờ sau khi Quốc hội quyết định; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến trong đợt này.
Theo Đỗ Bình (TTXVN)
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.