Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
(QBĐT)- Sáng nay, ngày 30/6, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm (2012-2022) công tác PCTN, TC.
* Hội nghị với sự tham gia trực tiếp của 500 đại biểu tại Hội trường TW Đảng (Hà Nội); hơn 80.000 đại biểu dự trực tuyến tại 4.000 điểm cầu trong cả nước.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội gồm các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng, Trưởng ban Chỉ đạo TW về PCTN, TC; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Nội chính TW, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTN, TC Phan Đình Trạc. Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành TW, thành viên Ban Chỉ đạo TW về PCTN, TC. Hội nghị được tiến hành theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; đại diện Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; trưởng các đơn vị cấp phòng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ PCTN, TC. Hội nghị trực tuyến đến 8 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố.
Hội nghị TW 5, khoá XI (tháng 5/2012) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo TW về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và nỗ lực của các cấp, ngành, sự đồng hành, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, công tác PCTN, TC đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo TW về PCTN, TC nhấn mạnh, công tác PCTN, TC thời gian qua đạt được nhiều kết quả nổi bật ở 5 nhóm nội dung lớn, bao gồm:
Công tác phát hiện, xử lý TN, TC được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kết hợp giữa xử lý hành chính, xử lý kỷ luật của Đảng, Nhà nước, đoàn thể với xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng được thực hiện trước mở đường, tạo điều kiện cho kỷ luật Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Trong 10 năm, cấp uỷ, Uỷ ban kiểm tra (UBKT) các cấp thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do TN hoặc liên quan đến TN. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKTTW kỷ luật hơn 170 cán bộ diện TW quản lý, trong đó có 33 Uỷ viên và nguyên UVTW Đảng, hơn 50 sỹ quan cấp tướng.
Qua công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị xử lý hơn 2.000 văn bản có sơ hở, bất cập.
Các cơ quan tố tụng trong cả nước khởi tố, điều tra trên 19.500 vụ án với gần 33.900 bị can về các tội danh TN, kinh tế, chức vụ trong đó có 2.700 vụ án với 5.800 bị can phạm tội TN.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế- xã hội và PCTN, TC được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để ngăn chặn TN, TC.
Công tác cán bộ được chú trọng; cải cách hành chính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa TN, TC đạt kết quả tích cực.
Công tác thông tin, tuyên truyền. giáo dục về PCTN, TC được đổi mới, tăng cường góp phần nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội, mọi tầng lớp nhân dân và lực lượng báo chí trong PCTN,TC được phát huy tốt hơn.
Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, TC; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về PCTN.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành TW Đảng, Ban Chỉ đạo TW về PCTN, TC đã biểu dương những kết quả đạt được của công tác PCTN, TC trong 10 năm qua, ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tại Hội nghị, đồng thời khái quát lại, làm rõ thêm những vấn đề quan trọng trong công tác PCTN, TC và định hướng các nhiệm vụ trọng tâm công tác PCTN, TC trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công tác PCTN, TC là nhiệm vụ “chống giặc nội xâm” toàn diện thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân với quyết tâm chính trị cao, hành động kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ với những bước tiến vững chắc, tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Để phát huy hơn nữa công tác PCTN, TC trong thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu; kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, trước hết là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói. Đây là nhiệm vụ không mới nhưng cần thiết và quan trọng, mang tính chất lâu dài, vững chắc.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể tham nhũng, tiêu cực”, đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về PCTN, TC; chú trọng khắc phục những bất cập, hạn chế, những kẽ hở để không phát sinh TN, TC; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về kinh tế- xã hội, cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế về xây dựng pháp luật PCTN, TC.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán, giám sát nhằm phát hiện sớm TN, TC; đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc TN, TC, phát hiện đến đâu, xử lý đến đó gắn với nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Công tác phát hiện, xử lý TN, TC không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Thực hiện nghiêm công tác kê khai, minh bạch tài sản, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong công tác PCTN, TC.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, TC; chú trọng đến hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, TC; Ban Nội chính Tỉnh ủy cấp tỉnh, thành phố trực thuộc. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN, triển khai hiệu quả công tác PCTN, TC ra khu vực ngoài Nhà nước.
T.Long
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.