icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nâng cao hiệu quả phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa

  • 10:13 | Thứ Năm, 14/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng nay (14-10), đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì hội nghị trực tuyến về phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thuỷ nội địa.
 
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Theo cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ), Bộ GTVT, đến tháng 9-2021, cả nước có 298 cảng, trong đó có 192 cảng hàng hóa, 9 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng; 6.899 bến thủy nội địa, trong đó có 5.449 bến đã được cấp phép hoạt động, 1.450 bến không phép. Ngoài ra còn có 2.526 bến khách ngang sông, trong đó có 2.058 bến không được cấp phép.
 
Tại khu vực miền Trung, hiện Trung ương đang quản lý 1.167,5km ĐTNĐ, chủ yếu trong phạm vi địa bàn từng tỉnh. Có 10 tuyến vận tải chính trên các sông; trong đó chỉ tuyến sông Gianh (Quảng Bình) là có hệ thống cảng thủy nội địa. Về cơ bản, hệ thống cảng, bến khu vực miền Trung chưa phát triển. Thống kê hiện chỉ có 6 cảng thủy nội địa, trong đó 5 cảng tập trung tại tỉnh Quảng Bình, chủ yếu phục vụ vận tải nguyên vật liệu (xi măng, clinker, than…) cho nhà máy xi măng sông Gianh.
Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.
Đến tháng 6-2021, khu vực miền Trung có hơn 9.000 phương tiện (PT) vận tải thủy nội địa với tổng công suất hơn 570.000 Cv, tổng trọng tải hơn 334 nghìn tấn. Các địa phương có trên 1.000 PT thuỷ nội địa gồm: Nghệ An (1.500 PT), Quảng Bình (hơn 1.200 PT), Thừa Thiên Huế (gần 1.700 PT). 
 
Những năm gần đây, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực kết nối loại hình vận tải thủy nội địa với đường bộ, đường sắt, đường hàng không; phát huy hiệu quả lợi thế các phương thức vận tải. Tuy nhiên, sản lượng vận tải ĐTNĐ vẫn còn khá khiêm tốn so với các loại hình vận tải khác và chưa tương xứng với thế mạnh hiện có. Riêng năm 2020, vận tải hành khách ĐTNĐ đạt 227 triệu lượt khách, giảm 17,7% so với toàn ngành, thị phần ĐTNĐ chỉ đạt 6,4%; vận tải hàng hóa ĐTNĐ đạt 337 triệu tấn, giảm 7,8% so với toàn ngành, thị phần ĐTNĐ vận chuyển hàng hóa chỉ đạt 19%.  
Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi một số kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả phát triển logistics vận tải ĐTNĐ; đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này như: việc kết nối giữa vận tải ĐTNĐ với các phương thức vận tải khác chưa thuận lợi. Nhiều cảng biển không có cầu bến để phương tiện làm hàng; việc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng còn bất cập, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp; tính an toàn trong hoạt động vận tải thủy nội địa chưa cao; năng lực tài chính các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa chưa mạnh.
 
Đặc biệt, hệ thống ĐTNĐ khu vực phía Bắc và miền Trung chịu ảnh hưởng lớn bởi đặc điểm khí hậu thời tiết (tốc độ dòng chảy lớn vào mùa mưa lũ và xuất hiện nhiều bãi cạn ngầm vào mùa khô), cản trở việc phát triển loại hình vận tải vốn nhiều tiềm năng này.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao nỗ lực của các ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc khai thác, phát triển logistics vận tải ĐTNĐ thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đó là: Các ngành, địa phương cần nghiên cứu, đề xuất và đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu vực cảng thủy nội địa nhằm nâng cao khả năng kết nối với các loại hình vận tải khác; có các chính sách cụ thể khuyến khích vận tải thủy nội địa; hình thành các cụm cảng ở những khu vực thuận lợi cho việc kết nối với khu chế xuất, khu công nghiệp; nghiên cứu, rà soát các quy định ưu tiên xây dựng cơ sở đóng mới, cải hoán phương tiện thủy nội địa; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống dịch Covid-19; phát triển phương tiện thuỷ nội địa chuyên dùng, chở container phù hợp với đặc thù hạ tầng luồng tuyến ở các khu vực…
 
Nguyễn Hoàng
 
 

tin liên quan

Quảng Bình ghi nhận thêm 7 ca nhiễm Covid-19

(QBĐT) - Thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 13-10 đến 6 giờ ngày 14-10), Quảng Bình phát hiện 7 ca nhiễm Covid-19 mới; có thêm 45 ca khỏi bệnh.
 

UBTVQH: Tiếp tục đổi mới, rút ngắn tối đa kỳ họp mà chất lượng vẫn cao

Chủ tịch Quốc hội cho biết tinh thần là tiếp tục đổi mới, rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp nhưng phải đảm bảo chất lượng cao nhất để sản phẩm cuối cùng là các dự án luật, các quyết sách đúng đắn.
 

Quảng Bình đón chuyến bay đầu tiên sau thời gian giãn cách xã hội

(QBĐT) - Chiều ngày 12-10, Cảng Hàng không Đồng Hới đã đón chuyến bay đầu tiên sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.